Thứ Hai, 27/05/2019, 19:48 (GMT+7)
.

Nguyễn Khoa Đăng và một ý tưởng nhân văn

(ABO) Di chuyển luôn là thách thức với người khiếm thị. Từ những trăn trở đó, em Nguyễn Khoa Đăng, học sinh lớp 10, Trường THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã sáng tạo “Gậy cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”. Thiết bị với ứng dụng đơn giản, giá thành khá rẻ nhưng rất hữu ích với người khiếm thị.

“Gậy cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”
“Gậy cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”

Là một trong những học sinh năng nổ của trường, Đăng luôn biết cách vận dụng những kiến thức học được ở trường cùng quá trình mày mò, học hỏi để nghiên cứu, sáng tạo thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

Chia sẻ về việc thực hiện ý tưởng, Nguyễn Khoa Đăng cho biết: “Trong những lần đi học, không ít lần em nhìn thấy những người khiếm thị rất vất vả khi di chuyển, đặc biệt là khi họ sang đường.

Nếu không có người trợ giúp thì sẽ rất nguy hiểm. Do đó, em có ý tưởng nghiên cứu cây gậy cảnh báo, để phần nào giúp những người khiếm thị thuận lợi hơn trong việc di chuyển”.

Với suy nghĩ đó, Nguyễn Khoa Đăng tận dụng những vật dụng điện tử gia đình đã bỏ đi như: Ống nước, công tắc, mạch điện cũ… kết hợp mua một số vật dụng như cảm biến hồng ngoại, còi báo để nghiên cứu ra cây gậy.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, sau thời gian nghiên cứu, Đăng đã tạo ra sản phẩm hỗ trợ người khiếm thị như mong muốn.

Cây gậy dài khoảng 1 mét, được liên kết với tay nắm khoảng 20 cm, đầu hướng về phía trước có lắp tia hồng ngoại.

Khi thấy vật cản phía trước, tia hồng ngoại sẽ báo về hệ thống chuông và tự động reo lên, thân gậy cũng gắn một công tắc dễ dàng tắt mở.

Cô Nguyễn Thị Lê Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Kim chia sẻ: “Nhà trường rất quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo, đáp ứng đúng theo yêu cầu dạy học theo năng lực.

Do đó, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường luôn hướng dẫn, tạo điều kiện cho các học sinh sáng tạo. Sản phẩm “Gậy cảnh báo vật cản cho người khiếm thị” của em Nguyễn Khoa Đăng vừa đoạt giải Nhì của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng huyện Châu Thành.

Thời gian tới, sản phẩm này sẽ được Đăng cùng thầy, cô hướng dẫn hoàn thiện để tiếp tục tham gia ở những cuộc thi sáng tạo khác với mong muốn sẽ là sản phẩm hữu ích cho những người khiếm thị”.

Cô
Cô Nguyễn Thị Lê Hà hướng dẫn Đăng khắc phục những nhược điểm của sản phẩm.

Còn sau khi biết thông tin và sử dụng thử cây gậy hỗ trợ người khiếm thị, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Tiền Giang Lê Văn Khôi cho biết: “Phải nói rằng ý tưởng sáng tạo ra cây gậy cho người khiếm thị là rất tốt và nhân văn.

Thiết bị có những chức năng phụ trợ cho người sử dụng không chỉ ở phạm vi trong nhà, mà còn ở phạm vi ngoài đường hoặc ở chỗ đông người.

Giá thành sản phẩm không cao, khoảng 50.000 đồng nên người khiếm thị có thể mua để sử dụng. Trong quá trình sử dụng, thiết bị sẽ phát ra âm thanh khi gặp phải vật cản, âm thanh khá lớn, vài chục mét cũng có thể nghe được.

Nhưng cũng phải thừa nhận, cây gậy vẫn còn một số hạn chế như: Gậy làm bằng ống nước nên chưa chắc chắn; bộ phận loa còn cồng kềnh làm khó khăn trong di chuyển; sản phẩm chưa phát hiện được những vật cản ở tầm cao ; nếu khắc phục được thì rất hữu ích với người khiếm thị 

CẨM NGOAN

.
.
.