Thứ Năm, 20/09/2012, 06:52 (GMT+7)
.

Những bài học quý báu và nguyện thực hiện Di chúc của Người

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Tiền Giang tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân viên.

Các ý kiến thảo luận đều khẳng định giá trị to lớn của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên đã tự rút ra cho mình những bài học quý báu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Võ Tấn Phương: Mỗi đoàn viên, thanh niên phấn đấu làm tròn nhiệm vụ theo lời Bác dặn

Trong bản Di chúc, Người đã nhận xét và căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”…”.

Theo Người, vai trò của tổ chức Đoàn cần thể hiện tính gương mẫu, xung kích để thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Mỗi đoàn viên, thanh niên chúng ta hãy cố gắng thực hiện lời dạy của Bác: “Đoàn viên sẽ ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ mãi để xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng ta”.

Trần Thị Phương Thanh: Với Người, suốt đời vì dân, vì nước

Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá. Người đã rất tâm huyết, chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy trách nhiệm và trí tuệ, nêu rõ những việc phải làm, những điều phải lo, từ việc to tát đến việc cụ thể, từ việc chung đến việc riêng...  

Về việc chung: Trong Di chúc, khi nói về việc của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Lời nhắn nhủ ấy đã khái quát rất rõ mục đích cao nhất của sự nghiệp cách mạng là mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời đó cũng là lời căn dặn tâm huyết của Người đối với toàn Ðảng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn nhắm đến mục đích: Giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, phấn đấu mang lại ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người, trước hết là nhân dân lao động. Ðó cũng chính là quan điểm nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người.

Về việc riêng: Việc riêng của Bác cũng trở thành việc lo chung cho nhân dân. Di chúc là một văn bản dân sự của một con người trước khi mất, nên không thể không nói đến việc riêng của người viết di chúc. Song, điều độc đáo trong Di chúc của Bác là ở chỗ: Người bàn về việc riêng thật thấm đẫm tình người, với bản sắc dân tộc Việt Nam, nhưng cũng lại là việc Bác lo cho cái chung, vì cái chung.

Cuộc đời trong sáng, nhân văn cao cả hiện lên rõ nét nhất khi Bác nói về bản thân: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Việc chung và việc riêng mà Bác gửi gắm cho Đảng, cho dân trong Di chúc đan quyện vào nhau. Trong việc chung có việc riêng và trong việc riêng có việc chung, đã toát lên tâm hồn, tính cách, trí tuệ của một anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa.

Đặc biệt, xuyên suốt Di chúc là một chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng của một con người chân chính, một vĩ nhân sẽ sống mãi cùng dân tộc Việt Nam. Chúng tôi - những thế hệ cháu chắt của Người nguyện biết ơn và ghi nhớ công lao trời biển của Người đã mang lại cho chúng tôi cuộc sống vật chất, tinh thần ngày một ấm no, hạnh phúc. Xin nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Trần Hương Giang: Thấm thía 4 chữ “nhân dân lao động”

Chúng con, những người con may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, được thừa hưởng những thành quả của cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ, được ăn ngon mặc đẹp khi đất nước đang ngày càng giàu mạnh, đôi khi đã vô tình không nhận ra giá trị đích thực của bốn chữ “nhân dân lao động”. Và sẽ không còn gì đọng lại trong con nếu ngày hôm nay không có lời Bác nhắc nhở trước lúc đi xa.

Bác ơi! Ngay cả trước lúc đi xa, Bác vẫn luôn nghĩ đến hình ảnh: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”.

Thế mới biết hình ảnh người dân lao động luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim Bác Hồ kính yêu. Hôm nay, chúng con lại nhớ lời Bác viết trong Di chúc trước lúc đi xa: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Lời Người như tấm lòng của một người cha trước lúc đi xa vẫn luôn canh cánh lo lắng cho cuộc sống của những đứa con thân yêu của mình, nên căn dặn các thế hệ đảng viên đi sau phải luôn biết chăm sóc đời sống nhân dân, để giữ mãi niềm tin của người dân lao động đối với Đảng.

Thưa Bác! Chúng con, đại diện cho thế hệ lao động trẻ hôm nay, với ước mơ xây dựng nền kinh tế giàu mạnh sẽ luôn nhớ lời dặn của Người. Tình cảm Bác dành cho từng người dân lao động chúng con sẽ mãi là động lực lớn lao để chúng con có nghị lực tiếp nối truyền thống cần cù lao động của cha ông, giữ mãi ngọn lửa niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, để Đảng và nhân dân luôn có sự gắn bó keo sơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng con, những đoàn viên, thanh niên với nhiệt huyết xây dựng đất nước, không ngại khó, ngại khổ, luôn tự rèn luyện mình để xứng đáng là lực lượng kế thừa của Đảng. Chúng con luôn khắc ghi trong lòng lời Bác dặn, luôn biết trân trọng, yêu quý và sẵn sàng phục vụ nhân dân.

          NGUYÊN CHƯƠNG (lược ghi)

 

.
.
.