Thứ Ba, 06/05/2014, 20:29 (GMT+7)
.

Ông Ngô Tám: Suốt đời học tập và làm theo Bác

Ở xã Tân Lý Tây (Châu Thành) nói đến gia đình ông Ngô Văn Thu - bà Trần Thị Thanh (ông Thu hy sinh năm 1946, bà Trần Thị Thanh là thương binh và là Mẹ Việt Nam anh hùng) thì ai cũng biết. Bởi gia đình này có 10 người thì đã có 5 người tham gia chống Pháp, trong đó có ông Ngô Tám tham gia lúc 10 tuổi.

Ngay từ ngày đầu Nam bộ kháng chiến (23-9-1945) ông Ngô Tám đã được tổ chức phân công làm các nhiệm vụ như: truyền tin, tiếp tế cho các đội quân trong xã mật phục dọc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A) chờ giặc Pháp từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho để chặn đánh.

Sau thời gian thử thách, ông được cấp trên phân công phụ trách tổ chức Thiếu niên - nhi đồng cứu quốc và là đội viên Công an xung phong diệt ác trừ gian của xã từ tháng 3 - 1946.

Cuối năm 1946, ông được rút về làm cán bộ quận đoàn, phụ trách công tác thiếu nhi 11 xã thuộc khu 1 của quận (từ xã Tam Hiệp, Long An đến xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước).

Năm 13 tuổi ông tham gia bộ đội thuộc Trung đoàn 105 (quân chủ lực của Khu 8, làm nhiệm vụ ở chiến trường Mỹ Tho), năm 1954 ông tập kết ra Bắc.

Thời gian trong bộ đội, ông luôn dũng cảm, gan dạ, đã từng xung phong cắm cờ trên xe Jeep của tên quan hai Pháp chỉ huy quân tiếp viện bị chặn đánh ở cầu Máng Xối (Thanh Bình, Chợ Gạo) trong trận diệt đồn Gò Cát trong ngày 1 và 2-6-1948. Ông cũng đã tham gia trận đánh chiều ngày 12-7-1948 tại Cái Bè, trong đợt chống địch càn quét Đồng Tháp Mười (6 ngày đêm).

Thời gian ở miền Bắc, ông học văn hoá ở Trường Văn hoá Quân đội. Khi học xong cấp III, ông được cử đi học ở Liên Xô, tốt nghiệp đại học ngành vô tuyến điện tử. Năm 1960, ông chuyển qua quân chủng Hải quân. Tại đây ông là trợ lý thông tin ra đa, cán bộ nghiên cứu khoa học Quân sự Hải quân, Trưởng khoa giáo viên, rồi Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Hải quân. Đến tháng 1-1992, ông nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.

Ông được phân công làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, sau đó làm Bí thư Đảng uỷ xã Tân Lý Tây. 2 năm sau ông làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện.

Với 80 tuổi đời, 44 tuổi quân, 60 tuổi Đảng và có 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, nhiệm vụ nào ông Ngô Tám cũng hoàn thành xuất sắc. Ông được Nhà nước tặng thưởng 8 Huân - Huy chương  trong đó có Huân chương Quân công, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc), 5 Kỷ niệm chương, 19 Bằng khen cấp Trung ương và tỉnh, 4 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và hàng chục Giấy khen của UBND huyện.

Ông Ngô Tám với tính tình bộc trực, dám nghĩ dám làm, miễn việc gì có lợi cho dân cho nước thì làm, hễ bắt tay vào làm thì rất nhiệt tình, làm đến nơi đến chốn. Thời gian làm Bí thư xã, ông vận động nhân dân xây dựng được trạm Y tế, nhà làm việc Công an và Quân sự khang trang, sạch đẹp.

Ông đã tổ chức đặt tên Liệt sĩ cho các tuyến đường trong xã nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tấm gương hy sinh của ông cha để giành độc lập dân tộc.

Gần đây, tuy đã 80 tuổi nhưng ông vẫn đảm nhận chức Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Suốt ngày ông tất bật xây dựng phong trào, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm gây quỹ Khuyến học giúp học sinh nghèo...

 

ANH TUẤN

.
.
.