Thứ Hai, 04/11/2013, 12:10 (GMT+7)
.

Tân Phước: Chủ động phòng, chống ngập úng cho cây khóm

Theo nhận định của Trung tâm khí tượng quốc gia, năm 2013 mùa mưa đến sớm, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, lũ xuất hiện sớm và đỉnh lũ có khả năng cao hơn mức báo động 3. Nguy cơ ngập úng đã và đang bị đe dọa do nước từ thượng nguồn đang đổ về khiến mực nước lên nhanh. Vì vậy ngay từ đầu năm, các cấp chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước cùng chung tay, góp sức gia cố hệ thống đê bao xung yếu, chống nguy cơ ngập úng diện tích khóm của người dân địa phương.

Tân Phước có điện tích đất tự nhiên 33.321 ha, là vùng trũng Đồng Tháp Mười. Toàn huyện có 134 ô đê bao với tổng chiều dài 568km, bảo vệ 14.718 ha khóm. Huyện hiện có 112 trạm bơm điện với 224 máy. Ngoài ra còn có 22 cống hở và 111 cống tròn huyện giao xã quản lý để dễ kiểm tra việc đóng, mở khi lũ về.

Bà con nông dân chăm sóc khóm trong ô đê bao. Ảnh: Minh Toàn
Bà con nông dân chăm sóc khóm trong ô đê bao. Ảnh: Minh Toàn

Trong thời gian qua, Ban quản lý ô đê bao cùng các đơn vị chức năng và UBND các xã trong huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh về luật bảo vệ đê điều; triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đê và chủ động gia cố những đoạn đê xung yếu không để xảy ra sạt lở. Tổ chức trồng tràm, bê tông hóa một số đoạn đê để bảo vệ mặt đê. Huy động sức mạnh tổng hợp, đảm bảo lực lượng, phương tiện hộ đê kịp thời, không để gây hại nghiêm trọng về người, vật nuôi và cây trồng…

Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phước cho biết: “ Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trên cây khóm do lũ gây ra, ngay từ đầu năm Phòng NN&PTNT cũng như các ban, ngành, đoàn thể huyện tích cực tuyên truyền, vận động bà con có những giải pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”(Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ); đồng thời tiến hành nâng cấp dòng điện để phục vụ bơm thoát nước.

Huyện xác định công tác phòng, chống lụt, bão là trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với kinh tế và đời sống của người dân trong huyện. Huyện đã chỉ đạo dù có lũ hay không thì phải luôn chủ động phòng, tránh; phải theo dõi sát, không được lơ là trong công tác phòng, tránh thiên tai”.

Ngoài ra, Phòng NN&PTNT cũng như Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) còn tiến hành nhiều giải pháp nhằm bảo vệ cây khóm như:

Lập các bảng cấm giới hạn tải trọng xe lưu thông trên đê. Kiểm tra các công trình trước mùa lũ 2013 và sửa chữa máy bơm chống úng, gia cố các đoạn đê xung yếu có khả năng sạt lở. Tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, sạt lở các xã, thị trấn. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng 134 ô đê bao cho vùng khóm nguyên liệu. Triển khai thi công 2 đoạn đê sạt lở thuộc ô đê bao số 11 xã Thạnh Mỹ.

Triển khai nạo vét kinh nội đồng chống úng với 6 công trình  có tổng chiều dài 16 km, kinh phí trên 2 tỷ đồng. Kéo điện và hạ bình cho 21 ô đê bao. Đang lập hồ sơ xây dựng 3 cống tại đầu kinh 21, 24 xã Mỹ Phước và kinh đường bộ xã Hưng Thạnh.

Thi công 2 tuyến dân cư thuộc xã Tân Hòa Tây, tạo điều kiện cho nhân dân sinh hoạt an toàn trong mùa lũ. Tổ chức kiểm tra 5 điểm sạt lở. Chủ động bố trí lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của từng vùng, hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất.

Hiện huyện vẫn còn 200 ha khóm nằm ngoài ô đê bao rải rác ở các xã: Tân Lập, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông… đang trong tình trạng ngập úng, một mặt người dân phải tiến hành thu hoạch sớm, mặt khác phải sử dụng máy bơm để thoát nước.

Đến thăm ruộng khóm của cô Trần Thị Năm, ấp 4, xã Thạnh Tân hầu như đã bị ngập hoàn toàn. Hơn 1 ha ruộng khóm đã chìm trong biển nước. Cô Năm cho biết: “Giờ phải tiến hành thu hoạch khóm non, còn cây nào chưa ra trái thì nhổ lên đợi nước rút mới trồng lại. Vụ khóm này chỉ huề vốn, xem như bỏ công ra làm”.

Thạnh Tân có 11 ô đê bao, mỗi ô đê bao đều có tổ bơm với 2.000 ha khóm, nhưng vẫn còn 17 ha khóm nằm rải rác ngoài ô đê bao đang bị ngập và người dân đang tiến hành thu hoạch non. Ông Huỳnh Tước, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Tân cho biết:

“Trước mùa lũ, lãnh đạo huyện, xã đã vận động bà con trồng khóm khu vực ngoài ô đê bao nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu vẫn trồng khóm thì phải tranh thủ thu hoạch trước khi lũ về để tránh gây thiệt hại”. Hơn 1ha ruộng khóm của chị Phan Thị Nhỉ ở ấp 4 có nhiều nơi nước đã cao hơn ngọn khóm. Chị đang khẩn trương thu hoạch được trái nào hay trái nấy. Chị Nhỉ lo lắng: “Vụ này chắc chắn là lỗ vốn”.

Trong thời gian qua, huyện Tân Phước đã tích cực PCLB-GNTT nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn: Kinh phí còn hạn chế nên nhiều công trình chưa được thi công; khó khăn về điện để bơm thoát nước; hệ thống kinh nội đồng chưa được nạo vét  kịp thời; tình hình sạt lở ngày càng phức tạp, nhiều tuyến bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, cao trình không đảm bảo, thân đê mỏng. Vì thế, huyện đang rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành hữu quan vào các công trình PCLB-GNTT.

P. MAI

.
.
.