Thứ Bảy, 02/08/2014, 06:40 (GMT+7)
.
Hoa nở trên "vùng đất chết"

Bài 3: Ký ức Phú Mỹ

Bài 1: "Trận địa" Đồng Tháp Mười
Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp

Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm & ước vọng hưng thịnh

Bài 5: Đánh thức "vùng đất chết"

Bài 6: Nước đã xuôi dòng

 

Trước khi về với huyện Tân Phước vào năm 1994, Phú Mỹ thuộc huyện Châu Thành. Đây là xã thuần nông trù phú, giàu truyền thống cách mạng và cũng là xã văn hóa đầu tiên của Tân Phước từ năm 2007. Tuy nhiên, ít người biết đến lịch sử thăng trầm, nhiều đau thương, mất mát của vùng đất có tên gọi biểu hiện sự giàu và đẹp này.

dd
Bia căm thù Phú Mỹ.

KÝ ỨC

Theo lịch sử Đảng bộ xã, Phú Mỹ xưa kia là một vùng đất hoang vu, rậm rạp. Vào thế kỷ XVII, ông tổ của các dòng họ người Việt ở các tỉnh miền Trung vào khu vực ngã ba Láng Cát, nơi tương đối cao, bằng phẳng, có nhiều con rạch giao nhau thuận lợi cho giao thông thủy để định cư và khai hoang lập nghiệp.

Khu vực chợ thầy Yến (nay là chợ Phú Mỹ) được xác định là nơi cư dân đến sinh sống đầu tiên tại Phú Mỹ. Năm 1808, làng Phú Mỹ chính thức được thành lập. Theo các vị bô lão của vùng, tên gọi Phú Mỹ thể hiện mong muốn thiết tha của những người mở đất.

Trong số những di dân đến khai phá vùng đất Phú Mỹ, có thầy Yến, thầy Liễn thuộc tầng lớp trí thức nho học. 2 ông mở trường dạy chữ Hán, Nôm và hành nghề bốc thuốc. Khi lưu dân đến định cư ngày một đông, nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng nhiều, mỗi sáng người dân thường tụ tập trên bờ kinh gần nhà thầy Yến để mua bán.

Thầy Yến thấy vậy cất ngôi nhà nho nhỏ để dân có chỗ trú nắng mưa. Dân chúng đến mua bán ngày một đông, dần dần nơi đây trở thành chợ. Đến năm 1896, tề làng buộc thầy Yến bán khu đất có chợ cho chính quyền để xây dựng chợ với tên gọi chợ Phú Mỹ. Tuy nhiên, người dân quanh vùng vẫn quen gọi là chợ thầy Yến để ghi nhớ công lao của người đã lập chợ đầu tiên.

Những năm đầu thế kỷ XX, chợ thầy Yến rất sung túc, ghe chở hàng các loại từ Đồng Tháp xuống đây mua bán tấp nập. Dân các xã lân cận như Hưng Thạnh, Tân Hòa Thành, Mỹ An Phú (Long An) cũng đi chợ thầy Yến vì hàng hóa ở đây phong phú, các món đặc sản của vùng ĐTM rẻ hơn nhiều so với các chợ khác.

Ngoài chợ thầy Yến nổi tiếng của vùng trong những năm đầu lập nghiệp, Phú Mỹ còn được biết đến với điểm di tích bến đò Phú Mỹ, nơi khắc ghi sự dã man, tàn bạo của giặc Pháp đối với người dân nơi đây sau khi trở lại tái chiếm Nam bộ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cũng theo lịch sử xã Phú Mỹ giai đoạn 1930 - 1975, khoảng tháng 6-1947, lực lượng ở các xã Phú Mỹ, Tân Hòa Thành, Tân Hội Đông phá lộ Cổ Chi (nay là Tỉnh lộ 866). Sáng hôm sau, đại đội của Pháp đưa quân đến đoạn xã Tân Hòa Thành để giải tỏa, khi về chúng bắt ông Nguyễn Văn Tốt, một người làm ghe và vu khống ông là Việt Minh.

Tên Tây Taillet (có biệt danh là Tây búa) đã chặt đầu ông Tốt treo tại cầu Đúc, xẻ thịt bán tại bến đò. Ông Tốt là người dân đầu tiên bị giặc Pháp chặt đầu, rao bán thịt tại Phú Mỹ. Sau đó, cũng tại bót bến đò, giặc bắt ông Nguyễn Văn Hơn và Đoàn Văn Lạc đánh đập rồi giao cho tên Tây búa chặt đầu.

Chúng bắt người dân đem đầu người bị giết xuống kinh rửa sạch máu, bỏ vào bao, đợi khi chợ nhóm đông bỏ ra để uy hiếp tinh thần của dân chúng. Phú Mỹ lúc đó vô cùng ảm đạm. Tin tức lan nhanh cả nước về quầy bán thịt người, chợ Phú Mỹ thưa dần người mua bán.

Nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời kỳ man rợ mà thực dân Pháp đã gây ra đối với dân làng Phú Mỹ vẫn chưa phai với người dân vùng này. Khu bót Tây cạnh bến đò xưa, nay UBND tỉnh đã cho xây dựng Bia căm thù với bức phù điêu chạm nổi những hình ảnh, sự kiện thảm sát dã man của thực dân Pháp với đồng bào, đồng chí xã Phú Mỹ. Khu di tích này được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994.

THỊ TRẤN NGÀY MAI

Lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Phú Mỹ rất anh hùng, cho dù máu chảy, đầu rơi, bị quân thù xẻ thịt rao bán như hàng hóa nhưng cán bộ, nhân dân Phú Mỹ vẫn không nao núng, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do và ấm no của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, vất vã hy sinh, cần cù chịu khó, Phú Mỹ nay đã từng bước chuyển mình đi lên theo hướng nông thôn mới.

Với một vị trí khá thuận lợi, cộng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, 39 năm trôi qua, bộ mặt của xã không ngừng thay đổi; dấu vết chiến tranh ngày nào đã lùi xa, nhường bước cho màu xanh của rau, màu, ruộng lúa. Phú Mỹ giờ đây được xem là trung tâm thứ hai của huyện Tân Phước, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ lên thị trấn.

sds
Đường giao thông đến Phú Mỹ ngày càng thuận tiện.

Nói về sự đổi thay của vùng đất này, Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Hùng phấn khởi cho biết, trước năm 1994, xã có đến 300 hộ nghèo, chiếm 10% số hộ trong xã thì hiện tại giảm còn 134 hộ nghèo. Trước đây chỉ có 1 điểm trường tiểu học với 3 lớp thì nay có đến 4 trường từ mầm non đến trung học cơ sở, trong đó có 2 trường đạt chuẩn. Đường sá lớn nhỏ đều đã được tráng nhựa, đan hóa tạo điều kiện cho xã phát triển về mọi mặt, nhất là các công trình phúc lợi công cộng.

Theo ông Hùng, sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện; sự cần cù nhẫn nại của người dân là động lực cho sự phát triển, đổi thay của xã. Trong năm 2013, kinh tế của xã đạt mức tăng trưởng cao; ngành Nông nghiệp tuy gặp khó khăn do dịch bệnh, giá cả cây trồng, vật nuôi biến động nhưng vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thực hiện tốt. Công tác giảm nghèo, dạy nghề đạt những kết quả khả quan, quỹ đền ơn đáp nghĩa vượt chỉ tiêu.

Về định hướng phát triển trong tương lai, Nghị quyết của Đảng bộ xã nêu rõ đến năm 2020 phát triển toàn diện xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với cụm, tuyến dân cư; tạo sự chuyển biến lớn trong việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự chuyển biến toàn diện và sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng và ổn định hệ thống chính trị.

Nhìn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ xã Phú Mỹ, tự hào về lịch sử 45 năm trui rèn trong lửa đạn, Đảng bộ và nhân dân Phú Mỹ cần phải vượt qua thử thách trong giai đoạn mới, đó là lạc hậu, đói nghèo; cần phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được, khắc phục hạn chế, quyết tâm xây dựng xã Phú Mỹ giàu và đẹp đúng như tên gọi của nó.

DUY SƠN

Bài 4: Hưng Thạnh - 200 năm và ước vọng hưng thịnh

.
.
.