Thứ Tư, 27/12/2017, 22:12 (GMT+7)
.

GDP tăng 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra

Tổng sản phẩm trong nước năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó điểm sáng lớn nhất để đạt mức tăng trưởng vượt mục tiêu là thành công trong phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu cùng sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2017 chiều 27-12.

Một số yếu tố thành công vượt dự kiến

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê đánh giá vai trò của Nhà nước kiến tạo bước đầu phát huy hiệu quả. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,7%) và là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2011-2017.

Tăng trưởng năm 2017 khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương. Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,0%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỷ đồng, tương đương với 223 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng đề ra khá cao và khó có thể đạt được. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,3%.

Trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg vào thời điểm giữa năm, khi nhiều người hoài nghi về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định "Mục tiêu tăng trưởng 6,7% rất khó nhưng có thể đạt được".

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm việc cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, môi trường kinh doanh cải thiện

Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, trong đó giảm dần tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỉ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,0% (cơ cấu tương ứng của năm 2016 là: 16,32%; 32,72%; 40,92%; 10,04%);

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tỉ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây (2015 tỉ lệ này là 38,7%, 2016 là 38,9%, ước tính 2017 là 40,6% ). Điều này phản ánh một thực tế nếu phát huy tốt hơn tiềm lực của khu vực kinh tế tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng và nền kinh tế không phụ thuộc vào khu vực nhà nước và khu vực FDI.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế đã có nhiều cải thiện. Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động cũng có nhiều cải thiện.

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia có nhiều tiến bộ, được quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, Việt Nam đã tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Trong đó: (1) chỉ số về mức độ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tăng 6 bậc, từ 87 lên 81; (2) chỉ số thực hiện trách nhiệm nộp thuế tăng cao nhất trong tất cả các chỉ số với 81 bậc, từ 167 lên 86;

Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11/2017 đạt 51,4 điểm, giảm 0,2 điểm từ mức 51,6 điểm của tháng trước. Trong khối ASEAN, tính đến thời điểm tháng 11/2017, PMI của Việt Nam đứng vị trí thứ 4 trong 7 nước. Đứng đầu là Philippines với 54,8 điểm, tiếp đến là Malaysia với 52,0, Myanmar với 51,6, Việt Nam 51,4 điểm, Indonesia (50,4), Thái Lan (50), Singapore (47,4).

Ngoài ra, năm 2017 là năm ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD, có 5 tháng liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 19 tỷ USD - mức chưa năm nào đạt được.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.