Thứ Tư, 30/05/2018, 11:15 (GMT+7)
.

Bí quyết "chậm mà chắc" của một doanh nghiệp

Chỉ là doanh nghiệp hạng vừa với bộ khung quản lý chỉ toàn là nữ, nhưng 10 năm qua, Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân (Công ty Ngọc Xuân) đã có những bước tiến vững chắc trên thương trường, ổn định sản xuất và mở rộng quy mô mặc cho những khó khăn, biến động về kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Ánh (bìa trái) trao Bảng tài trợ xây nhà tình thương cho  Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang.
Bà Nguyễn Thị Ánh (bìa trái) trao bảng tài trợ xây nhà tình thương cho Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang.

Để làm được điều này, theo bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc công ty, phương châm hoạt động của Công ty Ngọc Xuân là ổn định sản xuất trên cơ sở chú trọng yếu tố con người, đảm bảo chữ “tín” trong sản xuất - kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Ánh cho biết, sự phát triển của Công ty Ngọc Xuân là nỗ lực của tập thể, trong đó vai trò của người lao động là rất lớn. Chính việc giải quyết hài hòa các chính sách giữa chủ - người lao động và lợi ích xã hội đã giúp công ty trở thành nơi gắn bó của người lao động.

Cụ thể, hiện có 120 công nhân đã làm ở công ty từ 10 - 24 năm. Nhân 10 năm thành lập, công ty sẽ có phần quà trị giá 1 chỉ vàng để tri ân những công nhân đã gắn bó với công ty trên 10 năm.
 

Ý TƯỞNG TÁO BẠO

Bà Ánh nhớ lại: Năm 2008, tình hình kinh tế nước ta và thế giới đang khủng hoảng, việc kinh doanh rất khó khăn, vì thế ý tưởng cho ra đời nhà máy mới là khá mạo hiểm.

Tuy nhiên, với mong muốn tạo thêm việc làm cho lao động nữ địa phương, mang thêm kim ngạch xuất khẩu về cho tỉnh, rồi đa dạng hóa sản phẩm để phát triển sản xuất bền vững hơn, chúng  tôi quyết định xây dựng nhà máy trên cơ sở khung cán bộ quản lý của Công  ty Thủy sản Sông Tiền (Sotico).

Trên tinh thần đó, Công ty Ngọc Xuân ra đời (tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành) chuyên sản xuất cá tra và được xem là công ty “sân sau” của Sotico.

Những ngày đầu thành lập, Công ty Ngọc Xuân gặp nhiều khó khăn, trong đó phải đối phó với 3 vấn đề lớn là: Lao động tay nghề chưa quen với sản phẩm mới, nguyên liệu đầu vào luôn biến động, thị trường còn hẹp, với chỉ vài nước châu Âu.

Để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, năm 2010 công ty đã đầu tư vùng nuôi cá tra nguyên liệu với diện tích hơn 40 ha tại xã Phú Túc, xã Phú Đức của huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre); huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và cồn Tân Lộc (TP. Cần Thơ).

Với gần 100 công nhân tại 4 vùng nuôi này, công ty đã hợp đồng với công ty thức ăn thủy sản thực hiện quy trình khép kín theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm thu hoạch 16.500 tấn cá nguyên liệu, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho nhà máy.

Qua đó cho thấy, công ty từng bước định hình và phát triển đúng hướng. Cụ thể, chỉ tính từ năm 2008 - 2012, sản phẩm cá tra xuất khẩu của công ty tăng từ 2.000 tấn lên 3.500 tấn/năm, sau đó tăng dần trong giai đoạn 2013 - 2017 đạt 4.500 tấn/năm.

Doanh số của công ty đạt từ 4 triệu USD lên 7 triệu USD, rồi 10 triệu USD, có thời điểm lên 16 triệu USD/năm. Nếu tính trong 10 năm qua, Công ty Ngọc Xuân đã đạt doanh số 108 triệu USD (tương đương 2.155 tỷ đồng) và 229 tỷ đồng từ xuất khẩu tiểu  ngạch.

Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Ngọc Xuân.
Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty Ngọc Xuân.

Cũng như Sotico, để ổn định sản xuất, phương châm hoạt động của Công ty Ngọc Xuân vẫn là chăm lo đời sống cho người lao động. Hiện thu nhập bình quân người lao động của công ty khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng (phát 2 đợt trong tháng).

Ngoài ra, công ty còn lo 2 bữa ăn trong ngày và không tăng ca, số ngày làm việc trong tháng không quá 26 ngày. Đội ngũ công nhân gắn bó lâu dài với nhà máy, lao động ổn định, nên chất lượng sản phẩm luôn duy trì, góp phần nâng cao và giữ vững uy tín của công ty với những thị trường khó tính.

CHẤT LƯỢNG LÀ TRÊN HẾT

Đánh giá hoạt động của Công ty Ngọc Xuân, bà Ánh cho biết, tình hình chung trong những năm qua là thị trường gặp khó khăn, sức mua giảm nên giá bán không cao. Tuy nhiên, do công ty chủ động được đầu vào, thương hiệu có uy tín nên vẫn đảm bảo xuất khẩu (tuy không nhiều nhưng ổn định, nhà máy vẫn duy trì hoạt động, công nhân vẫn có việc làm).

Năm nay, sản phẩm của công ty có thêm thị trường xuất khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc góp phần tăng doanh thu. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục chú trọng về chất lượng sản phẩm, xây dựng mạng lưới KCS tốt, cùng đội ngũ công nhân lành nghề và ổn định, phát triển thêm kho lạnh để bảo quản và chủ động nguồn hàng dự trữ.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm, công ty còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Từ khi xây dựng nhà máy, được Dự án SEAQIP và VASEP giới thiệu, công ty đã được hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) để xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong xí nghiệp chế biến thủy sản.

Đến nay, việc quản lý và phát huy hệ thống nhà máy khá tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường trong và ngoài nhà máy, được Tổng cục Môi trường đánh giá cao hoạt động xử lý nước thải của nhà máy. Các mẫu nước kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận “Thương hiệu xanh”.

Về tình hình sản xuất - kinh doanh hiện nay, bà Ánh chia sẻ: “Từ kinh nghiệm bản thân nhận thấy, nếu các doanh nghiệp làm ăn không trung thực, thiếu tính toán, “chụp giật”, cạnh tranh thiếu lành mạnh, không dựa trên nền tảng vững chắc mà quá lệ thuộc vào ngân hàng thì sẽ gặp khó khăn trước biến động của thị trường. Phương châm hoạt động của chúng tôi là hướng tới cộng đồng, hướng đến hiệu quả bền vững. Vì thế, công ty có “đi chậm” một chút nhưng “đi vững, bước chắc” thì vẫn hơn”.

HƯỚNG VỀ CỘNG ĐỒNG

10 năm hoạt động, Công ty Ngọc Xuân đã đóng góp gần 9 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội như chăm sóc gia đình chính sách, Chương trình vì học sinh Trường Sa, các quỹ học bổng…; đặc biệt đã xây dựng 146 căn nhà tình thương cho người nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 4,4 tỷ đồng.

“Việc vẫn tiếp tục điều hành phát triển công ty, không vì lợi ích riêng tư, mà qua đó để tạo việc làm cho công nhân, làm cái gì đó cho cộng đồng xã hội; đồng thời, chia sẻ lợi nhuận cùng Nhà nước chăm lo cho các gia đình chính sách, những hoàn cảnh khó khăn như là lời tri ân, đền đáp cho đời vậy” - bà Ánh bày tỏ.

Theo bà Ánh, 10 năm so với đời người thì chưa dài, nhưng để duy trì ổn định và phát triển một nhà máy trong điều kiện kinh tế thị trường thì không dễ dàng, nhất là trong điều kiện cán bộ quản lý chỉ là nữ.

Kết quả của Công ty Ngọc Xuân hôm nay ngoài sự quan tâm về cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh là sự tận tâm của người lao động. Đồng thời, công ty cũng trân trọng những hỗ trợ của các cô, chú, anh, chị, em đi trước, sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác trong và ngoài tỉnh...

“Đó là những động lực lớn để công ty đạt được 2 nhiệm vụ chiến lược là kinh doanh hiệu quả nhằm giải quyết việc làm, đóng góp kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh và làm tốt công tác an sinh xã hội” - bà Ánh chia sẻ.

P. HUỲNH

.
.
.