Thứ Ba, 29/05/2018, 14:19 (GMT+7)
.

Nhiều diện tích lúa xuân hè nhiễm sâu, bệnh

Vụ lúa xuân hè 2018, nông dân các huyện phía Tây xuống giống khoảng 40.000 ha. Đến nay, lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng và chín. Tuy nhiên, hiện nhiều diện tích lúa đang bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn có khả năng ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, một số sâu, bệnh khác cũng xuất hiện khá nhiều trong vụ lúa này.

Nông dân huyện Cái Bè phun thuốc trừ rầy nâu hại lúa.
Nông dân huyện Cái Bè phun thuốc trừ rầy nâu hại lúa.

Những ngày qua, rầy nâu xuất hiện khá nhiều trên trà lúa xuân hè. Một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn. Mặc dù người dân đã tích cực phun thuốc diệt rầy nâu nhưng năng suất lúa bị giảm sẽ khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Văn Tới, ấp Tân Hưng Tây, xã Tân Hòa Tây (huyện Tân Phước) cho biết, 1,2 ha trồng giống lúa OM 4900 của ông đang vào giai đoạn làm đòng. Gia đình đã tích cực phun thuốc trừ rầy nâu nhưng vẫn có một số nơi lúa bị cháy. Tuy không nặng nhưng ít nhiều cũng làm giảm năng suất lúa.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Men, ngoài diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn, một số loại sâu bệnh khác cũng xuất hiện trên lúa xuân hè 2018 như: Sâu cuốn lá nhỏ gây nhiễm khoảng 800 ha, với chủ yếu sâu ở giai đoạn 4 - 5 tuổi, mật số 3 - 5 con/m2, tập trung ở trà lúa đứng cái - làm đòng tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

Diện tích lúa bị bệnh khô cổ bông khoảng 743 ha, với tỷ lệ bệnh từ 3% - 5%, xuất hiện ở giai đoạn lúa trổ đến chín tại các huyện  Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và TX. Cai Lậy.
 

Huyện Tân Phước là địa phương có diện tích lúa xuân hè nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn tương đối nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Huỳnh Văn Bườn cho biết, toàn huyện có khoảng 200 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn.

Hiện diện tích lúa bị nhiễm bệnh này đang trong quá trình hồi phục nhưng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất. Riêng tỷ lệ nhiễm rầy nâu trên trà lúa xuân hè không đáng kể nên không ảnh hưởng đến năng suất.

Trong vụ lúa xuân hè này, huyện Tân Phước xuống giống 5.100 ha; trong đó, trà lúa đang trổ đòng khoảng 2.000 ha, số còn lại sắp thu hoạch.

Tương tự, tại huyện Cái Bè, tình trạng cháy rầy cục bộ cũng đã xảy ra ở một số nơi. Ông Đỗ Minh Mẫn, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh cho biết, những ngày qua, ông tốn trên 2 triệu đồng để mua thuốc về diệt rầy nâu cho 0,8 ha lúa Đài Thơm 8, bởi do rầy nâu đã kháng thuốc nên ông phải phun thuốc nhiều lần mới hạn chế được mật số rầy. Dù vậy, một số nơi có mật số rầy nâu cao đã gây cháy cục bộ nên sẽ phần nào ảnh hưởng đến năng suất lúa.   

Theo thống kê, vụ xuân hè 2018, huyện Cái Bè xuống giống 16.700 ha. Hiện trà lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng và chín. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Nguyễn Văn Thanh cho biết, toàn huyện có khoảng 25 ha lúa bị cháy rầy cục bộ. Hiện rầy nâu hại lúa đang trong độ tuổi trưởng thành nên việc gây hại thêm sẽ không đáng kể.  

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Men cho biết, diện tích lúa xuân hè nhiễm rầy nâu trong tuần qua trên 1.630 ha, tăng trên 530 ha so với tuần trước, tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và TX. Cai Lậy. Rầy nâu đang trong giai đoạn tuổi 5 và trưởng thành, một số khu vực xuất hiện gối lứa rầy, với chủ yếu ở giai đoạn lúa làm đòng - trổ, mật số rầy phổ biến 300 - 500 con/m2. Riêng cục bộ tại một số khu vực thuộc huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy có khoảng 650 ha lúa có mật số rầy từ 1.000 - 1.500 con/m2.

Đặc biệt, có khoảng 25 ha lúa ở huyện Cái Bè có mật số rầy từ 3.000 - 4.000 con/m2 và diện tích này đã được hướng dẫn xử lý. Hiện mật số rầy ở diện tích lúa được hướng dẫn xử lý đã giảm xuống còn khoảng 1.000 con/m2. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi các diện tích lúa có mật số rầy cao.

SĨ NGUYÊN

.
.
.