Thứ Sáu, 01/06/2018, 15:46 (GMT+7)
.

Cây ăn trái đang "tiến" về phía Bắc

Việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đang được người dân quan tâm. Trong khi diện tích đất nông nghiệp ở vùng phía Nam Quốc lộ 1 không còn nhiều, giá đất khá cao nên nhiều nông dân khu vực này bắt đầu “xâm canh” qua khu vực phía Bắc Quốc lộ 1.

Hiệu quả cao hơn trồng lúa, nên một số nông dân ở khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 cũng chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái để nâng cao thu nhập.

“SĂN” ĐẤT TRỒNG CÂY ĂN TRÁI

Gần đây, nhiều người dân ở các xã Long Trung, Long Tiên, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) tìm đến các xã Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Thạnh Lộc… (huyện Cai Lậy) hỏi mua hoặc thuê đất dài hạn để trồng sầu riêng và mít Thái siêu sớm.

Điều kiện mua đất của những người này là đất liền kề, diện tích từ 10 ha trở lên, còn thuê cũng bằng diện tích này trở lên. Giá đất mà họ hỏi mua cao hơn giá thị trường tại địa phương từ 50 - 100 triệu đồng/ha, giá thuê đất dài hạn cũng trên 70 triệu đồng/ha…

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã và đang khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả, thường xuyên chịu ảnh hưởng hạn - mặn, thiếu nước sang trồng cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cao như: Thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh, mãng cầu Xiêm, dừa…

Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng thêm gần 1.300 ha thanh long, gần 1.200 ha khóm, gần 400 ha bưởi da xanh…
 

Ông Lê Minh Nguyên, ấp 12, xã Long Trung tìm đến xã Mỹ Thành Bắc hỏi mua hoặc thuê đất dài hạn để trồng cây ăn trái nhưng không có do diện tích đất manh mún, một số hộ không bán.

Ông Nguyên cho biết: “Giá đất ở các xã Long Trung, Long Tiên, Ngũ Hiệp từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/công (1.000 m2), trong khi giá đất trồng lúa nơi đây chỉ 100 - 200 triệu đồng/công (tùy vị trí).

Qua tham khảo từ những người đã trồng cây ăn trái ở vùng này cho thấy, đất nơi đây trồng được cây sầu riêng và cây mít Thái siêu sớm, với chất lượng trái không thua kém vùng phía Nam Quốc lộ 1.

Tuy vậy, không dễ tìm được thửa đất đúng như ý muốn; bởi đất ở đây manh mún, người này bán nhưng người kia không bán. Sau khi mua hoặc thuê đất xong, chúng tôi phải tiến hành bao đê ngăn lũ và thực hiện rất nhiều công đoạn trước khi trồng. Chi phí rất lớn nên diện tích phải rộng hoặc thuê lâu dài mới có hiệu quả…”.

Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) là xã có diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây lâu năm khá nhanh. Nhiều vườn mít, vườn dừa sum sê được “mọc” lên từ nền đất lúa.

Nói về vườn mít Thái siêu sớm sum sê của gia đình, ông Nguyễn Văn Muộn, ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) cho biết, trước đây diện tích đất này trồng lúa trong vùng đê bao ngăn lũ nhưng kém hiệu quả.

Khoảng 2 năm qua, gia đình đã chuyển diện tích này sang trồng mít Thái siêu sớm. Đến nay, lứa mít Thái siêu sớm đầu tiên đã thu hoạch và bán được trên 5 triệu đồng, tính ra lãi gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây Nguyễn Văn Ánh cho biết, hiện người dân trên địa bàn trồng sầu riêng, bưởi da xanh, mít Thái siêu sớm, dừa… rất nhiều.

Riêng người dân nộp đơn xin chuyển từ đất lúa sang trồng cây lâu năm khoảng 8 ha, còn những diện tích chuyển đổi từ vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang chuyên canh cây ăn trái rất nhiều…

Sau khi có chủ trương cho chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, người dân đến UBND hỏi và làm thủ tục chuyển đổi rất nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, diện tích cây ăn trái trên địa bàn xã sẽ còn tiếp tục tăng.

Hiện tỉnh đã mở rộng diện tích trồng cây ăn trái lên gần 75 ngàn ha, tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, sản lượng trái cây thu hoạch gần 300 ngàn tấn các loại.

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2018 sản lượng hơn 1,3 triệu tấn trái cây cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài TX. Cai Lậy, các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành cũng đang chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều.

CHUYỂN ĐỔI LÀ PHÙ HỢP

Trước tình hình người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nền đất lúa, UBND TX. Cai Lậy đã có Công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xin ý kiến mở rộng vùng trồng cây ăn trái về phía Bắc Quốc lộ 1.

UBND TX. Cai Lậy cho rằng, do lợi nhuận canh tác lúa không ổn định và thấp, đồng thời do quy hoạch đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nên nông dân các xã phía Bắc Quốc lộ 1 đã tăng diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây ăn trái đặc sản như: Mít, bưởi, nhãn, dừa…

Trong năm 2017, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1 là 78 ha, gồm: 15 ha sầu riêng ở các xã Tân Hội, Tân Bình, Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, phường 3…; 5,5 ha mít ở các xã Tân Hội, Tân Phú, phường Nhị Mỹ…

Đến nay, diện tích trồng cây ăn trái ở các xã này đã lên đến trên 350 ha, trong đó có 23 ha sầu riêng, 46 ha nhãn, 42 ha bưởi, 220 ha mít… Những diện tích này phần lớn chuyển đổi từ vườn tạp lâu năm và khoảng 100 ha mới chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái.

“Sầu riêng, bưởi là 2 cây trồng mới chuyển đổi khoảng 1 - 2 năm trở lại đây và do người dân tự phát, xu hướng người dân tiếp tục chuyển đổi và sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái khu vực này”- UBND TX. Cai Lậy nêu.

Sau đó, Sở NN&PTNT có Công văn phúc đáp cho biết, qua khảo sát thực tế sản xuất và trao đổi với các địa phương thuộc phía Bắc Quốc lộ 1 của TX. Cai Lậy, việc mở rộng vườn cây ăn trái là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Theo quy hoạch, vùng này có địa hình trũng, thấp, chịu ảnh hưởng của phèn Đồng Tháp Mười và lũ hằng năm nên chỉ phát triển các loại cây ăn trái có khả năng chịu tác động bởi những yếu tố trên. Tuy vậy, khảo sát cây trồng đã chuyển đổi của một số địa phương phía Bắc Quốc lộ 1 của TX. Cai Lậy cho thấy tính thích nghi khá ổn định.

Riêng cây sầu riêng, nông dân cần cảnh giác. Về lâu dài, Sở NN&PTNT yêu cầu TX. Cai Lậy tập trung thiết kế xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khai thác hiệu quả cây trồng chuyển đổi.

Riêng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề và thành lập các tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện.

SĨ NGUYÊN

.
.
.