Thứ Hai, 30/07/2018, 15:12 (GMT+7)
.
CUỘC VẬN ĐỘNG "NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM''

"Gạo tươi" cho người tiêu dùng

Cung ứng gạo an toàn, “gạo tươi” được xem là phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay, bởi nhu cầu tiêu thụ của thị trường đã dần thay đổi.

Theo ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), những năm gần đây chất lượng lúa, gạo từ các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình được nâng lên rõ rệt, cơ bản đạt chuẩn gạo an toàn thực phẩm.

Chất lượng, sản lượng lúa mua từ vùng nguyên liệu an toàn được chế biến, tiêu thụ cho phân khúc thị trường đòi hỏi chất lượng cao, như: Xuất khẩu gạo vào các thị trường thương mại; gạo an toàn cho các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, đóng gói cung ứng cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, đại lý…

“Hiện nay, Vinafood 2 có 8 đơn vị thành viên kinh doanh mặt hàng gạo đóng túi, với trên 32 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ tính riêng năm 2017, gạo có nhãn hiệu được tiêu thụ gần 17 tấn”- ông Lê Minh Trượng cho biết.

Người dân tham quan máy tạo ra “gạo tươi” của Tigifood .                                                                                                                    Ảnh: Minh Thành
Người dân tham quan máy tạo ra “gạo tươi” của Tigifood . Ảnh: Minh Thành

Đánh giá về chuyển hướng sản xuất - kinh doanh, chủ động cung ứng gạo an toàn, gần đây là “gạo tươi” cho người tiêu dùng phải kể đến quyết tâm của Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood).

Trên thực tế, sau thời gian tập trung xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, Tigifood đã tập trung xây dựng các nhãn hiệu gạo an toàn và hiện nay đã có 13 nhãn hiệu được thị trường chấp nhận.

Trên cơ sở vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng cao, gần đây Tigifood mạnh dạn xây dựng chiến lược nhãn hiệu an toàn, cho ra đời 4 dòng sản phẩm mới, với 5 nhãn hiệu gạo an toàn cùng hệ thống nhận diện thương hiệu mới, gồm: Hồng Hạc, Phong Lan Vàng, Hương Việt, Bông Sen Vàng và Thiên Nga.

Các nhãn hiệu mới này đã từng bước được người tiêu dùng tín nhiệm, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Số liệu cụ thể cho thấy, kết quả tiêu thụ gạo nội địa, gạo bán lẻ, gạo nhãn hiệu trong 2 năm 2017 - 2018 đều tăng mạnh.

Nếu như mức tiêu thụ gạo nhãn hiệu trước năm 2017 còn rất khiêm tốn (chỉ khoảng 50 - 100 tấn) thì từ khi ra đời 5 nhãn hiệu gạo an toàn, sản lượng gạo có nhãn hiệu năm 2017 tăng khoảng 3,5 lần so với năm 2015 và trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng khoảng 2 lần so với cả năm 2015.

Thí điểm mô hình “Tự hào hàng Việt Nam”

Theo kế hoạch của Sở Công thương, trong tháng 8 sẽ triển khai thực hiện thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Tân Phú Đông.

Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với hàng hóa bán phải là hàng Việt Nam, không phân biệt chủng loại; ưu tiên các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân, đặc sản của địa phương, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm rõ ràng và phải được niêm yết giá công khai với tất cả các mặt hàng.

Đối tượng tham gia mô hình này sẽ được hỗ trợ về bảng hiệu, logo, công tác tuyên truyền, quảng bá, quầy kệ và có trách nhiệm bảo quản, sử dụng đúng mục đích; đồng thời, phải cam kết tham gia mang tính lâu dài.

Dựa trên nền tảng gạo nhãn hiệu, an toàn, mới đây Tigifood bắt đầu chuyển hướng sang cung ứng cho thị trường loại “gạo tươi”. “Gạo tươi” có nghĩa là gạo được ra trực tiếp từ lúa và đem về tiêu dùng chứ không thông qua công đoạn nào khác, tức là gạo mới xay ra từ lúa.

Chẳng hạn, khách hàng vào cửa hàng kinh doanh bán nhiều loại lúa theo đúng chủng loại (Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, KDM…) thích loại nào thì được cho vào máy để xay ra gạo ngay.

Thay vì gạo truyền thống cũng bắt đầu từ lúa nhưng qua các khâu theo quy trình bình thường như: Tồn trữ, xay xát, lau bóng, đóng gói…

Sản phẩm “gạo tươi” phù hợp với mô hình bán gạo lẻ, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện nay.

Điểm khác biệt nữa là “gạo tươi” của Tigifood bắt nguồn từ lúa an toàn, không thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Chẳng hạn, lúa được trồng từ vùng nguyên liệu lúa - tôm Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV hoặc từ vùng nguyên liệu lúa thông qua Cánh đồng lớn do công ty xây dựng được kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV.

Trên thực tế, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đang dần chuyển sang loại gạo mang tính “nguyên chất” về chủng loại lúa và tính an toàn sản phẩm rất cao. Đặc biệt là đối với các loại lúa thơm, lúa đặc sản, sản phẩm “gạo tươi” nhờ không xay xát sạch cám như quy trình xay xát truyền thống, nên còn giữ được mùi thơm, hương vị đặc trưng của từng loại.

“Loại hình bán lẻ hoàn toàn mới này phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Tới đây, công ty sẽ bố trí thêm một số máy xay lúa tạo ra “gạo tươi” ở những thị trường trọng điểm, khu dân cư để phục vụ người tiêu dùng.

Bởi trên thực tế, đối với các loại gạo đang lưu thông trên thị trường người tiêu dùng rất khó phân biệt chính xác từng chủng loại do bị pha trộn, thời gian xay xát đã lâu, chưa kể rất khó phân định được chất bảo quản được sử dụng trong gạo”- ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood cho biết.

Gạo an toàn đang là xu hướng tất yếu để phục vụ người tiêu dùng. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều năm qua Tigifood đã tập trung chuyển hướng sản xuất - kinh doanh thông qua việc tập trung xây dựng thương hiệu gạo và vùng nguyên liệu. Điểm khác biệt mà Tigifood tập trung thực hiện là chọn xuất phát điểm từ lúa nguyên liệu an toàn, thay vì đi từ gạo nguyên liệu.

Theo đó, lúa được sản xuất theo chuỗi ở từng vùng nguyên liệu an toàn trên nền tảng liên kết giữa công ty và các tổ chức đại diện nông dân theo một quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ. Để thực hiện được chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, nhiều năm qua Tigifood đã thực hiện nhiều mô hình liên kết dọc và liên kết ngang.

Qua các mô hình liên kết, phân tích tồn dư thuốc BVTV bước đầu đạt kết quả rất khả quan, đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn gạo an toàn theo Thông tư 50 của Bộ Y tế; tiệm cận sát với tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản, EU và đạt xấp xỉ tiêu chuẩn FDA - Hoa Kỳ.

Đặc biệt, mô hình lúa - tôm tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV đã cho kết quả rất tốt, cả 13/13 chỉ tiêu thường gặp khi xuất khẩu đi Hoa Kỳ đều không phát hiện tồn dư thuốc BVTV. Đây chính là nền tảng quan trọng để Tigifood xây dựng vững chắc các nhãn hiệu gạo an toàn cũng như cung ứng “gạo tươi” như hiện nay…

P.A

.
.
.