Thứ Năm, 30/08/2018, 14:16 (GMT+7)
.

Không được chủ quan, lơ là với lũ

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đối với các huyện, thị phía Tây và TP. Mỹ Tho khi nước lũ ở các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp, Long An đang ở mức khá cao. Nhận định của các nhà chuyên môn, đỉnh lũ năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm 2011 và nguy cơ uy hiếp một số diện tích lúa và vườn cây ăn trái của tỉnh rất cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng hướng dẫn sửa chữa tuyến đê Tây kinh Trục.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng hướng dẫn sửa chữa tuyến đê Tây kinh Trục.

7.769 HA LÚA CÓ Ô ĐÊ BAO KHÔNG ĐẢM BẢO

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngày 26-8 mực nước cao nhất ở các trạm nội đồng Tây Bắc của tỉnh như: Hậu Mỹ Bắc đạt 1,16 m, cao hơn cùng kỳ 2017 là 0,02 m, cao hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,03 m; tại Mỹ Phước Tây 0,91 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,03 m, cao hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,12 m; tại Mỹ Phước 0,82 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,07 m, cao hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,15 m; tại Ngã năm Bắc Đông 0,68 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 là 0,07 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,1 m.

Đoàn công tác khảo sát tuyến đê Tây kinh 82.
Đoàn công tác khảo sát tuyến đê Tây kinh 82.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông nhận định, mực nước lũ năm nay cao hơn so với năm 2011 khoảng 20 cm và thấp hơn so với năm 2000 khoảng 21 cm. Đỉnh lũ chính vụ ở các tỉnh đầu nguồn xuất hiện vào khoảng ngày 11-10, trong khi đỉnh lũ ở tỉnh Tiền Giang xuất hiện vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11.

Nhiều điểm sạt lở cần khắc phục ngay

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, các huyện, thị phía Tây và TP. Mỹ Tho đã xảy ra 67 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 6,7 km, tổng kinh phí dự toán để xử lý khoảng 50,2 tỷ đồng.

Trong đó, huyện Cái Bè có 9 điểm, chiều dài trên 0,7 km; huyện Cai Lậy 26 điểm, chiều dài trên 4,2 km; TX. Cai Lậy 8 điểm, chiều dài trên 0,9 km; huyện Châu Thành 21 điểm, chiều dài khoảng 0,6 km; TP. Mỹ Tho có 3 điểm, chiều dài trên 0,2 km. Tỉnh đã xử lý được 18 điểm, với kinh phí trên 29,2 tỷ đồng.

Các điểm còn lại, địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện để tiến hành xử lý theo quy định. Đến nay, các địa phương đang xử lý được 51 điểm, các điểm sạt lở còn lại đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để tiến hành xử lý.

Trước nhận định trên, 7.769 ha lúa (huyện Cái Bè 1.360 ha, TX. Cai Lậy trên 2.350 ha, huyện Cai Lậy trên 2.207 ha, huyện Tân Phước 660 ha và huyện Châu Thành 1.190 ha) có thể bị ảnh hưởng của lũ do thu hoạch sau ngày 30-9 (dự kiến diện tích lúa này thu hoạch dứt điểm vào ngày 10-10).

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, do diện tích lúa này nằm trong các ô đê bao không triệt để (ô bao lửng) nên có khả năng sẽ bị ảnh hưởng lũ rất lớn. Vì đây là thời điểm những khu vực này bắt đầu có lũ cộng với triều cường, nên những diện tích lúa trên có khả năng ngập nước.

Trước diễn biến phức tạp của lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai thường xuyên yêu cầu các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang không được chủ quan, lơ là với lũ, mà phải chủ động và có phương án tốt nhất để đối phó.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG

Hệ thống đê bao ở các huyện, thị phía Tây đã được đầu tư có cao trình từ 2,5 m đến 3,5 m, riêng đê bao các huyện Cái Bè và Cai Lậy có cao trình từ 3 m đến 3,5 m. Cao trình trên cơ bản đảm bảo chống được lũ và triều cường.

Tuy nhiên, do hầu hết các công trình đầu tư đã lâu nên có một số tuyến đê bị lún, bào mòn, xuống cấp không đảm bảo cao trình chống lũ và triều cường. Trong trường hợp đỉnh lũ bằng với năm 2011 kết hợp với triều cường, một số đoạn đê không được gia cố và nâng cấp kịp thời có thể sẽ bị tràn gây ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, các ruộng khóm.

Trước diễn biến phức tạp của lũ năm 2018, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho rằng, để đảm bảo 7.769 ha lúa trễ vụ ở các huyện, thị phía Tây an toàn, các địa phương và ngành chuyên môn cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp, những thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động gia cố, nâng cấp bờ bao thấp, không đảm bảo cao trình, bờ bao chưa khép kín.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đối với những diện tích xuống giống trễ, thu hoạch sau 30-9; chuẩn bị phương tiện bơm tát, đảm bảo thu hoạch an toàn lúa hè thu 2018.

Nhiều diện tích cây ăn trái có ô đê bao thiếu chắc chắn

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, người dân khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A đã chuyển đổi trên 500 ha đất lúa sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh. Tuy nhiên, hầu hết diện tích trồng các loại cây ăn trái này nằm trong ô bao không triệt để (ô bao lửng). Các địa phương không có giải pháp kịp thời thì diện tích vườn cây ăn trái này có khả năng bị thiệt hại do lũ đợt này rất lớn.

Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương phải tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao và diện tích vườn cây ăn trái vùng có nguy cơ ngập lũ; gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, sạt lở ở các vùng có nguy cơ ngập lũ. Công việc này thực hiện chậm nhất đến ngày 20-9 phải hoàn thành.

Đối với diện tích vườn cây ăn trái, ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương theo dõi dự báo, cảnh báo của ngành Khí tượng thủy văn để chủ động ứng phó; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao và diện tích vườn cây ăn trái có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ ngập.

Ngành Nông nghiệp cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm sạt lở trong năm 2018. Đối với các điểm sạt lở thi công còn dở dang, các huyện, thị có biện pháp bảo vệ tạm thời chống nước tràn vào các ô đê bao; đẩy nhanh tiến độ gia cố, nâng cấp các tuyến đê bao xung yếu, các trạm bơm điện ở những ô đê bao mới hình thành và các công trình cấp thiết, phục vụ cho công tác phòng, chống lũ năm 2018, đặc biệt đối với những công trình bảo vệ hoa màu, cây khóm và cây ăn trái…

Riêng diện tích trồng xen canh cây ăn trái (sầu riêng, bưởi da xanh) vào diện tích lúa nằm trong ô đê bao không triệt để ở khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A, các địa phương phải chủ động tổ chức gia cố, nâng cấp, tôn cao hệ thống đê bao, bờ bao để bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái mới phát sinh; rà soát, bổ sung phương án bảo vệ đê điều, nhất là khu vực trọng điểm, xung yếu, sạt lở.

Đồng thời, các địa phương này cần phát động rộng rãi trong nhân dân tăng cường kiểm tra và có biện pháp phòng, chống, xử lý sạt lở đê bao trên đất mình; kiểm tra thường xuyên những khu vực bờ sông, kinh, rạch đang sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu ngành chức năng và các huyện, thị phía Tây không được lơ là, chủ quan đối với bão, lụt năm 2018. Vì vậy, việc chủ động ứng phó phải đặt lên trên trước khi lũ về. Các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra thường xuyên các công trình sạt lở, đê bao chống lũ…

Đối với huyện Tân Phước phải chuẩn bị máy bơm, máy kobe, bao cát. TP. Mỹ Tho kiểm tra lại toàn tuyến thuộc Dự án Bảo Định. Huyện Cái Bè kiểm tra các ô đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, nhanh chóng khắc phục các đoạn sạt lở và cảnh báo cho các nhà máy có nền đất thấp ven sông…

SĨ NGUYÊN  

.
.
.