Thứ Tư, 08/08/2018, 14:39 (GMT+7)
.

Tận dụng cái riêng để thu hút đầu tư

Trong xu thế phát triển, các tỉnh, thành đều mong muốn thay đổi hình ảnh, thu hút đầu tư nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững; trong đó, khai thác lợi thế so sánh trở thành yếu tố quan trọng.

Tiền Giang tập trung khai thác lợi thế so sánh để phát triển. 	Ảnh: TRẦN LIÊM
Tiền Giang tập trung khai thác lợi thế so sánh để phát triển. Ảnh: TRẦN LIÊM

Cùng với một số tỉnh, thành khác, Tiền Giang cũng chú trọng thu hút đầu tư các dự án nhằm thay đổi kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Một trong những kênh quan trọng là tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức, điểm khác biệt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 lần này là theo hướng thiết thực, hiệu quả và vì sự phát triển của địa phương. Tiền Giang không có chủ trương đưa ra hội nghị nhiều dự án, với tổng vốn đầu tư lớn nhưng không triển khai thực hiện được, mà trọng tâm vào các dự án mang tính khả thi, thực chất hơn.

Tất nhiên, thu hút đầu tư phải dựa vào những yếu tố về lợi thế so sánh; bởi mỗi tỉnh, thành đều có thế mạnh riêng và Tiền Giang cũng thế.

Theo đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp, thế mạnh đầu tiên của Tiền Giang là yếu tố con người. Nhìn từ thực tế cho thấy, một khi doanh nghiệp đã đầu tư ở Tiền Giang và đầu tư ở các tỉnh, thành khác đều đưa ra nhận định là chất lượng lao động của Tiền Giang tương đối tốt, với khả năng tiếp cận cái mới nhanh, có tính kỷ luật và siêng năng.

Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư an tâm khi tuyển dụng lao động của Tiền Giang. Bằng chứng cho thấy, một số doanh nghiệp đồng thời đầu tư ở tỉnh Tiền Giang và ở một số tỉnh, thành khác thì lực lượng nòng cốt đều sử dụng lao động của Tiền Giang.

Thực tế cũng cho thấy, hằng ngày có sự “dịch chuyển ngược” lao động từ TP. Mỹ Tho đi các tỉnh, thành để làm việc. Bên cạnh đó, Tiền Giang có vị thế thuận lợi, nhất là giao thông.

Chính nhờ vị thế thuận lợi cũng đã góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang, gần đây đạt hơn 2,6 tỷ USD.

“Tất nhiên, Tiền Giang cũng nhận thấy rằng, nằm cạnh một thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang cũng có một số hạn chế trong quá trình phát triển, chẳng hạn như trong khía cạnh phát triển đô thị, hình thành thị trường bất động sản… Tuy nhiên, Tiền Giang cũng đang nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, lợi thế so sánh để khai thác, phát huy trong chặng đường phát triển sắp tới”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức cho biết.

Tiền Giang tập trung khai thác lợi thế so sánh để phát triển.                                                                                                                                                                                                                                                                                   Ảnh: THÁI THIỆN
Tiền Giang tập trung khai thác lợi thế so sánh để phát triển. Ảnh: THÁI THIỆN

Trong chặng đường sắp tới, thông qua thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Tiền Giang vẫn xem nông nghiệp là thế mạnh nên cũng tập trung đầu tư vào lĩnh vực này.

Tiền Giang đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa trong nông nghiệp, bắt đầu từ nền nông nghiệp “sạch”, thay đổi thói quen sản xuất ở các vùng chuyên canh của tỉnh như: Lúa cao sản, cây ăn trái…

Chưa kể người dân Tiền Giang rất giỏi trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trình độ thâm canh. Chính từ những yếu tố này, trong kêu gọi đầu tư lần này, Tiền Giang cũng dành ra một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho rằng, Tiền Giang đang tính toán xây dựng quy hoạch nhằm cân bằng trong cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững sau này. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Tiền Giang cũng đang tính toán thực hiện các ưu đãi đầu tư. Thực tế thời gian qua cho thấy, Tiền Giang đã chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng cũng gặp không ít khó khăn, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp chưa đạt được theo yêu cầu.

“Hiện nay, Tiền Giang dành ra khu đất khoảng 60 ha, hiện có nhiều nhà đầu tư đăng ký, để thu hút một số dự án phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại liên quan đến sản xuất giống, đầu tư nhà máy chế biến nông sản, sau đó tạo sức lan tỏa, tác động cho ngành Nông nghiệp Tiền Giang phát triển”- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh..

Một trong những kỳ vọng của Tiền Giang, nhất là thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, là khai thác đúng tiềm năng, lợi thế 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Đông gắn liền với kinh tế biển.

Bởi trên thực tế, khu vực phía Đông của tỉnh đã khắc phục được những hạn chế trước đây như: Giao thông, điện, nước. Trong đó, trọng tâm là Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp nằm trên địa bàn xã Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng thuộc địa bàn huyện Gò Công Đông, với diện tích hơn 285 ha.

Đây được xem là điểm nhấn công nghiệp quan trọng góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển của Tiền Giang.

Một trong những khía cạnh cũng được xem là lợi thế so sánh của Tiền Giang trong thu hút đầu tư là thực hiện các định chế hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Theo đó, một số nội dung đang được triển khai hoặc chuẩn bị tổ chức thực hiện, như: Hoạt động của Trung tâm Phát triển và Hỗ trợ doanh nghiệp Tiền Giang; Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp, các Câu lạc bộ khởi nghiệp, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng đề án hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp…

Đặc biệt, việc định kỳ tổ chức các buổi đối thoại, tiếp xúc của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp đã tạo ra “luồng gió mới” cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tất cả những điều này đã kiến tạo lòng tin ngày càng vững chắc trong giới doanh nghiệp, doanh nhân. Tất nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải dựa vào chính năng lực và bản lĩnh của mình…

NHÓM PVKT

.
.
.