Thứ Ba, 09/10/2018, 20:39 (GMT+7)
.
Đánh thức tiềm lực biển:

Bài cuối: Cần một không gian phát triển bền vững

Bài 1: Bứt phá từ ngành Thủy sản
Bài 2: Khai thông công nghiệp

Nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không chỉ là bứt phá trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy - hải sản hay đầu tư hạ tầng phát triển công nghiệp, mà là phát triển bền vững vùng biển và ven biển.

Đào tạo nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân khu vực ven biển la điều quan trọng.
Đào tạo nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân khu vực ven biển la điều quan trọng.

1. Là trung tâm của vùng đô thị phía Đông, tất nhiên TX. Gò Công sẽ không ngừng phát huy, tận dụng những ưu thế hiện hữu; trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Đề cập đến những yếu tố này, Phó Chủ tịch UBND TX. Gò Công Nguyễn Văn Quốc cho biết, trong thời gian tới, lãnh đạo thị xã sẽ tiếp tục gặp gỡ, giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để chỉnh trang đô thị và mời gọi phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã, cũng như tạo điều kiện để mở rộng quy mô các dự án hiện có như: Nhà máy Việt Long Hưng giai đoạn 2 và Dự án May balo túi xách của Hàn Quốc. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 10 dự án đầu tư, trong đó có một số dự án phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp và du lịch.

Tạo điều kiện cho người dân gắn bó với biển

Kinh tế biển và ven biển đối với Tiền Giang là một trong những nội dung trọng tâm trong chặng đường phát triển sắp tới.

Theo đó, tỉnh đã đề nghị nên điều tra, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở về tài nguyên, môi trường biển phục vụ việc hoạch định các chính sách phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển đầy đủ, chính xác, thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng, phục vụ việc định hướng phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển.

Tỉnh cũng đề nghị xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước vùng cửa sông ven biển và vùng biển gần bờ, quản lý thống nhất chất lượng nước từ các sông đổ ra biển; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách và tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ người dân làm ăn, sinh sống gắn bó với biển, tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền biển; chính sách để khuyến khích ngư dân bám biển, khai thác biển…

Thực tế cũng cho thấy, từ việc tập trung đầu tư phát triển các dự án từ nguồn đầu tư công đã góp phần phát triển nhanh hạ tầng đô thị của thị xã; đồng thời, kéo theo sự phát triển của các cơ sở thương mại, dịch vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TX. Gò Công Nguyễn Văn Quốc, đối với các dự án xã hội hóa đầu tư có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết hợp bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thị xã cũng tập trung triển khai thực hiện. Đồng thời, thị xã cũng chú trọng đến các dự án phát triển thương mại, dịch vụ.

Kết quả, Liên hiệp Hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư và đi vào hoạt động Co.opmart Gò Công, với tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng; Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến đầu tư Nhà máy Việt Long Hưng, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, với diện tích 85 ha (hiện đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 trong năm 2018, với 1.700 công nhân và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để đến năm 2020 hoàn chỉnh dự án với quy mô 10.000 công nhân). Đó là một trong những nền tảng quan trọng để TX. Gò Công tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Đối với huyện cù lao Tân Phú Đông, theo lãnh đạo huyện, trong chặng đường sắp tới huyện cũng sẽ cụ thể hóa các mục tiêu phát triển của huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Phú Đông.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh, trong thời gian tới UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo, tranh thủ nguồn vốn Trung ương theo Quyết định 1722 của Thủ tướng Chính phủ đề ra giải pháp dạy nghề phù hợp, tạo việc làm để các hộ dân thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, huyện tập trung kêu gọi đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch, thương mại, giao thông, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài việc tiếp nhận đầu tư từ ngân sách, huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Khắc phục những hạn chế

Nhìn nhận một cách tổng thể, sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn Tiền Giang, tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Một trong những hạn chế là vẫn còn một số cơ sở chế biến thủy sản gây ô nhiễm môi trường do nước thải và khí thải ra môi trường xung quanh; tình trạng rác thải vẫn còn xảy ra ở một số khu vực trên địa bàn dân cư tập trung đông đúc như chợ, các hộ dân sống ven đê, kinh, rạch.

Điều thực tế cũng cần nhìn nhận là công tác tuyển sinh đào tạo các ngành, nghề phục vụ kinh tế biển còn hạn chế do rất khó tập trung người học; ngành, nghề đào tạo lĩnh vực liên quan đến việc phát triển kinh tế biển của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh còn ít.

Chưa kể, số lượng doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp phía Đông của tỉnh chưa đạt được như mong đợi...
 

Trong chiến lược phát triển của chặng đường sắp tới, huyện Tân Phú Đông được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội với các huyện, thị lân cận như: Huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo, TX. Gò Công và huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Các mối quan hệ này được kết nối thông qua hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ.

Đây là động lực mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế của huyện Tân Phú Đông trong tương lai, đặc biệt là cung cấp nguyên liệu nông - thủy sản cho công nghiệp chế biến của huyện và các huyện, thị đất liền.

2. Mục tiêu phát triển bền vững vùng biển và ven biển khu vực phía Đông của tỉnh là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn Tiền Giang.

Trong đó, đào tạo nguồn lực cho khu vực này là điều rất quan trọng. Từ yếu tố quan trọng này, những năm qua Trung ương, tỉnh và địa phương đã tập trung đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho khu vực ven biển của tỉnh.

Nhờ đó, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề các huyện phía Đông đã được đầu tư, nâng cấp như: Trường Trung cấp Nghề khu vực Gò Công, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện (Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Tân Phú Đông), với các nghề đào tạo: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, quản trị mạng máy tính, may mặc… để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng kinh tế khu vực phía Đông của tỉnh.

Bên cạnh hỗ trợ đầu tư thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, tỉnh cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo Quyết định 46 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ngư dân bám biển.

Chưa kể, tỉnh đã thực hiện hoàn thành Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 theo Quyết định 20 ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ, với 1.836 phòng học và 114 nhà công vụ giáo viên được xây mới.

Bên cạnh đó, tỉnh và địa phương cũng đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tại các huyện Gò Công Đông (11 trường), huyện Tân Phú Đông (2 trường) và TX. Gò Công (3 trường).

Với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của địa phương và nguồn vốn huy động khác, ngành Giáo dục và Đào tạo đã trang bị 288 phòng máy vi tính cho giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn. 

Giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường cho khu vực ven biển cũng là vấn đề đang được tỉnh đặt ra. Theo đó, ngày 11-12-2013 UBND tỉnh ban hành Quyết định 3212 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030 và Quyết định 2594 ngày 24-10-2014  về việc điều chỉnh một số nội dung của Quy hoạch Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh sẽ xây dựng 2 khu xử lý rác thải tập trung là khu phía Đông và khu phía Tây. Khu xử lý rác thải tập trung phía Đông của tỉnh khi đi vào vận hành sẽ thu gom, xử lý toàn bộ rác sinh hoạt của các huyện phía Đông của tỉnh, có bao gồm khu vực TX. Gò Công.

Hiện nay, các dự án đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư. Chưa kể, Đề án “Cải thiện vệ sinh môi trường của thị trấn Vàm Láng” đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương tại Quyết định 3548 ngày 16-12-2015, với mục tiêu chính là cải thiện chất lượng môi trường của thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông...

NHÓM PVKT

.
.
.