Thứ Hai, 17/12/2018, 16:01 (GMT+7)
.

Vào mùa xuất khẩu vú sữa đi Hoa Kỳ

Khắc phục những hạn chế trong năm xuất khẩu vú sữa đầu tiên, năm nay tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm đến công tác trồng và thu mua vú sữa xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Ngành Công an cũng đã vào cuộc để xử lý những doanh nghiệp, đối tượng thu mua vú sữa theo kiểu phá giá và sản phẩm không đạt chất lượng để “làm loạn” thị trường.

Đồng chí Lê Văn Hưởng cùng ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác trồng và xuất khẩu vú sữa của tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Hưởng cùng ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác trồng và xuất khẩu vú sữa của tỉnh.

VÙNG TRỒNG VÀO MÙA

Những ngày này, nông dân trồng vú sữa ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè bắt đầu thu hoạch rộ vụ vú sữa của năm. Các doanh nghiệp thu mua vú sữa của người dân để xuất khẩu cũng đã hoàn tất những công đoạn cuối cùng.

Theo ghi nhận, vú sữa năm nay trúng mùa và dự đoán năng suất sẽ cao hơn năm 2017 khoảng 2 tấn/ha. Đặc biệt là tất cả vùng trồng được cấp mã code xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đều được bao trái.

Vườn vú sữa Lò Rèn 0,4 ha của ông Huỳnh Văn Thọ, ấp Nam, xã Long Hưng (huyện Châu Thành) đang bước vào mùa thu hoạch. Đây là năm thứ 2 vườn vú sữa của gia đình ông được công ty thu mua xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Năm rồi, công ty xuất khẩu thu mua vú sữa của ông với giá cao hơn giá thị trường 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Ông Thọ cho biết, vườn của ông được bao trái 100% và đáp ứng tất cả các tiêu chí khác mà công ty thu mua đã đưa ra để xuất khẩu. Hiện gia đình ông cũng đã ký hợp đồng bán vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn giá thị trường.

Điều mong mỏi của ông trong vụ này là công ty thu mua toàn bộ vú sữa trong vườn. Bởi, mùa rồi những trái vú sữa đạt chuẩn được công ty mua, còn những trái không đạt thì nhà vườn phải mang ra chợ bán. Thấy vậy, các thương lái mua loại vú sữa không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu này theo hàng dạt. Tính chung, nhà vườn bán vú sữa cho thương lái bên ngoài thu lãi cao hơn bán cho các công ty xuất khẩu.

Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Đẹp, ấp Long Bình A, xã Long Hưng (huyện Châu Thành) cũng bày tỏ niềm vui khi trái vú sữa của gia đình trồng được công ty chọn để thu mua xuất khẩu. Vườn vú sữa 0,9 ha của gia đình ông năm 2017 bán cho công ty xuất khẩu được hơn 3 tấn trái tươi, với giá 28.000 đồng/kg. Năm nay, ông dự đoán giá bán sẽ còn cao hơn. Bởi rút kinh nghiệm năm đầu tiên, năm nay vườn vú sữa được chăm sóc tốt hơn, năng suất và sản phẩm vượt trội hơn năm rồi.

Trao đổi vấn đề này, ông Đoàn Văn Giàu, đại diện Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường cho biết, từ tháng 10-2018 đến nay, công ty đã xuất được 5 container vú sữa đi Hoa Kỳ và đang được phía đối tác nhập khẩu phản hồi tốt. Giá thu mua vú sữa đạt chuẩn đi Hoa Kỳ khoảng 50.000 đồng/kg.

Đối với số lượng vú sữa không đủ tiêu chuẩn của nhà vườn, công ty đã hợp đồng với các tổ hợp tác, hợp tác xã để thu mua và có hỗ trợ một phần. Về vấn đề xuất khẩu vú sữa năm nay, công ty có vùng trồng được cấp mã code ở 2 huyện Cái Bè, Châu Thành và toàn bộ diện tích trồng vú sữa ở các vùng trồng này đều được bao trái. Dự kiến, trong tháng tới công ty sẽ xuất khẩu mạnh vú sữa đi Hoa Kỳ.

Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp này đã xuất khẩu vú sữa đi Hoa Kỳ khoảng 1 tháng nay, với 12 container. Tại vườn, công ty thu mua vú sữa đạt chuẩn với giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Vùng trồng vú sữa của công ty được cấp mã code ở 2 huyện Cái Bè, Châu Thành, đang được quản lý tốt sâu bệnh và bao trái hoàn toàn.

ĐÃ XUẤT ĐƯỢC GẦN 40 TẤN

Hiện nay, toàn tỉnh có 436,4 ha trồng vú sữa; trong đó, diện tích cho sản phẩm 398 ha, năng suất 14 tấn/ha, sản lượng 6.176 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trái vú sữa của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc và các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội... Các nhà phân phối chính thu mua vú sữa như: Metro Cash&Carry, Co.opmart, Eco Farm và các chợ đầu mối… nhưng sản lượng không lớn. Riêng công tác xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, tính từ Lễ công bố lô trái vú sữa Việt Nam đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đến nay, tỉnh Tiền Giang có 6 doanh nghiệp đã thu mua và xuất khẩu gồm: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ánh Dương Sao, Công ty Màu xanh Vĩnh Cửu, Công ty Trái cây Tươi Xanh. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tính từ tháng 10-2018 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gồm: Công ty TNHH Đại Lâm Mộc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã xuất khẩu được 39,4 tấn trái vú sữa.

Về vùng trồng, diện tích được cấp mã code là 102,87 ha, với sự tham gia của 276 nông dân; trong đó, huyện Cái Bè 53,25 ha/123 hộ nông dân, huyện Cai Lậy 15,33 ha/61 hộ nông dân, huyện Châu Thành 34,29 ha/92 hộ nông dân.

Trong tháng 10-2018, Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu 2 đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thẩm định và cấp mới mã code vùng trồng vú sữa xuất khẩu với diện tích 26,2 ha tại xã An Thái Trung (huyện Cái Bè), xã Nhị Quý (TX. Cai Lậy), Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho) và 2 xã Long  Hưng, Nhị Bình (huyện Châu Thành). Tính đến nay, tổng diện tích vú sữa được cấp mã code là 129,7 ha, với 395 hộ nông dân trồng vú sữa tham gia.

Về vấn đề bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng vú sữa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Trước đây, chúng ta cũng đã thất bại trong việc xuất khẩu vú sữa. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp bao tiêu không mua hết sản phẩm cho người dân. Thực tế, các doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường vài ngàn đồng/kg. Nhưng đó chỉ đối với những trái vú sữa đạt chuẩn, còn vú sữa dạt, nông dân phải chở đi bán cho thương lái với giá rất thấp”.

Phát biểu trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu các doanh nghiệp thu mua cần có tính toán và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Với cách này, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mới bền vững.

Ngoài ra, đồng chí cũng chỉ đạo ngành Công an phải vào cuộc để bảo vệ các doanh nghiệp thu mua vú sữa xuất khẩu chân chính, xử lý các doanh nghiệp vào vùng trồng để thu mua theo kiểu phá giá, thu mua hàng không đạt… làm ảnh hưởng đến uy tín của trái vú sữa Tiền Giang.

SĨ NGUYÊN

.
.
.