Thứ Tư, 04/12/2019, 18:03 (GMT+7)
.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Làm không nghỉ tết để đảm bảo tiến độ cam kết

(ABO) Đó là ý kiến của ông ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp dự án (DNDA) tại buổi họp báo về Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án) chiều 4-12, do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức 

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tuyến chính Dự án, đến nay, tổng số hộ đã nhận tiền là 3.291/3.292, đã bàn giao mặt bằng sạch 51,06 km/51,10 km (đạt 99,92%); còn 40 m hộ ông Trần Văn Khỏe (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) chưa nhận tiền đền bù.

UBND tỉnh đã chỉ đạo địa phương tăng cường vận động hộ dân nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Doanh nghiệp dự án - DNDA).

Đối với các hạng mục đường gom và cầu vượt bổ sung, các đơn vị liên quan đang khẩn trương tiến hành cắm cọc GPMB làm cơ sở đền bù bổ sung cho các hộ dân. 

Riêng đối với công tác thi công, các nhà thầu đã tổ chức triển khai thi công 21/21 gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, DNDA đang tổ chức rà soát lại năng lực của các nhà thầu thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo.

Theo UBND tỉnh, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Dự án, UBND tỉnh đã có quyết định giao vốn cho các đơn vị liên quan, trong đó hoàn ứng kinh phí cho DNDA 1.445,338 tỷ đồng và hoàn ứng ngân sách tỉnh là 278,358 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hoàn ứng xong phần vốn cho DNDA. Do Dự án đang gặp khó khăn về nguồn tài chính (chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng) nên khối lượng thi công chưa cao, các đơn vị thi công cầm chừng, lũy kế khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 1.715 tỷ đồng (khoảng 27%).

Về vốn tín dụng, theo phương án tài chính được duyệt, các tổ chức tín dụng sẽ tham gia tài trợ 6.686 tỷ đồng.

Đến nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ DNDA và các ngân hàng đàm phán xong các điều kiện chung, hiện các ngân hàng tham gia hợp vốn đang trình báo cáo thẩm định với Hội đồng thẩm định và Hội đồng quản trị của từng ngân hàng để thông qua.

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DNDA, trên cơ sở một phần nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án được giải ngân, DNDA sẽ ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành Dự án vào quý II-2021; điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.

Để đảm bảo tiến độ này, chủ đầu tư cùng các nhà thầu và đơn vị liên quan sẽ tăng cường, huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công 3 ca, không nghỉ ngày lễ, tết.

Việc nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ như tiếp thêm động lực để nhà đầu tư và các nhà thầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng tốc đưa Dự án về đích thông tuyến vào tháng 12-2020. Song, việc hoàn thành Dự án và đưa vào sử dụng vào 30-4-2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Ông Thủy cho biết.

Đại diện DNDA phát biểu tại buổi họp báo.
Đại diện DNDA phát biểu tại buổi họp báo.

Mặc dù các ngân hàng hợp vốn đã có báo cáo thẩm định chung, nhưng đến nay họ vẫn đang xem xét và cân nhắc một số nội dung trong quy trình thẩm định của các ngân hàng. Do đó, vẫn chưa xác định được thời gian ký kết hợp đồng tín dụng để làm cơ sở giải ngân nguồn vốn này.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, sau khi chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang, dù trong thời gian ngắn, nhưng tỉnh cùng nhà đầu tư đã làm được rất nhiều công việc, kết quả rất khả quan, trong đó vấn đề pháp lý đã được giải quyết xong như: Điều chỉnh Dự án; ký kết phụ lục hợp đồng; điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án; xem xét tất cả các giải pháp về mặt kỹ thuật...

Riêng về nguồn vốn, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án, đến nay, tỉnh đã nhận được phần kinh phí và đã nhanh chóng phân bổ nguồn vốn này, hoàn ứng lại phần kinh phí DNDA đã ứng ra cho công tác GPMB.

Nguồn vốn này được tập trung cho việc triển khai công tác xây lắp trong thời gian tới. Tỉnh Tiền Giang và DNDA đã ngồi lại để rà soát tiến độ, vì đến nay thời gian dự phòng đã hết. Sau khi rà soát lại tiến độ chi tiết của từng gói thầu, tỉnh và DNDA vừa ký xong cam kết về tiến độ, phải đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết.

Để làm được điều này, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án cần có nguồn vốn tín dụng. Mặc dù tỉnh cũng rất tích cực, chủ động mời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng thương mại làm việc rất nhiều phiên nhưng đến nay “nút thắt” này chưa được tháo gỡ.

Thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ DNDA mời các ngân hàng làm việc để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho Dự án. Mặt khác, tỉnh sẽ báo báo vướng mắc này cho Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để có giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, với nguồn vốn ngân sách đã được phân bổ, tỉnh cũng yêu cầu DNDA tập trung quyết liệt để Dự án đảm bảo tiến độ.

D. SƠN - P.A - M. THÀNH

.
.
.