Thứ Ba, 24/03/2020, 10:55 (GMT+7)
.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng hạn, mặn

(ABO) Ngày 23-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng vay vốn và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị thiệt hại do hạn, mặn tại 5 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Kiên Giang. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. 

Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, lãnh đạo Ngân hàng nhà Nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang và các ngân hàng Thương mại Cổ phần trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tiền Giang

Trong những năm qua, Ngành ngân hàng luôn chủ động trong đề xuất, và quyết liệt triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ về tín dụng, ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL khắc phục khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, ổn định sản xuất kinh doanh, được Chính phủ, các tổ chức Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. 

Nhờ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng đối với nền kinh tế và tín dụng cho khu vực ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng toàn khu vực đạt 665.876 tỷ đồng, tăng 15% so với 31-12-2018, tăng cao hơn mức tăng trưởng chung toàn quốc (13,7%), chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc. 

Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các mặt hàng nông sản là thế mạnh của khu vực cũng luôn được các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm đầu tư và có mức tăng trưởng cao hơn của toàn quốc. Theo đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 22% so với cuối năm 2018 và chiếm tỷ trọng 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực; dư nợ cho vay lúa gạo tăng 7,5%; thủy sản tăng 11,8%; rau quả tăng 15,9%.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 trở lại đây, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, cũng như khó khăn riêng của vùng là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện trở lại với mức độ ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Theo báo các của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm nay Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Theo đó, tổng dư nợ bị thiệt hại từ dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn lên đến hơn 47.500 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang qua thống kê có khoảng hơn 1.000 tỷ đồng dư nợ vay bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ yếu là dư nợ cho vay cây ăn trái. 

Quang cảnh hội nghị

Cũng tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác hại kép từ hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài từ tháng 12-2019 đến nay và những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Và kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước cùng với các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Nghĩa Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định: Diễn biến xâm nhập mặn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất phức tạp, độ mặn tăng cao đột biến. Mặc  dù, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động xây dựng kịch bản dự kiến chương trình mặn và có những giải pháp từ trước, nhưng vẫn có một số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng. Trước thực trạng này, bên cạnh việc tập trung quyết liệt các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc vận chuyển nguồn nước ngọt cung cấp cho các địa phương, tỉnh còn giảm lãi suất cho vay 0,6%/năm, từ nguồn vốn cho vay của Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh. 

Đồng chí Lê Văn Nghĩa đề xuất ngân hàng nhà nước Việt Nam miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời gian trả nợ, hoặc cho vay mới để hỗ trợ. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những chính sách tín dụng đặc thù; khoản tín dụng ưu đãi với thời gian dài, lãi suất phù hợp, để người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú ghi nhận những khó khăn mà các tỉnh đang gặp phải và nhấn mạnh, việc giải quyết tình trạng này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng tiền hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại do hạn, mặn
Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng tiền hỗ trợ tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại do hạn, mặn

Phó Thống đốc cho biết, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL, ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất.

Đối với các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, quan tâm tài trợ vốn cho các dự án phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn. Các chi nhánh, Phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Dịp này Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng 15 tỷ đồng cho 5 tỉnh bị thiệt hại do thiên tai gây ra, nhằm hỗ trợ phần nào cho các địa phương đang gặp khó khăn do thiên tai gây ra.

LÝ OANH

.
.
.