Chủ Nhật, 25/10/2020, 13:40 (GMT+7)
.

Phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả

Thời gian qua, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và duy trì các mô hình sản xuất hiệu quả góp phần giúp người dân phát triển kinh tế.

TX. Cai Lậy đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nhằm phát huy tối đa lợi thế cây ăn trái sẵn có trên địa bàn.

GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ

Hiện tại, TX. Cai Lậy có 10 HTX hoạt động ở các xã Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Phú, Tân Bình, Tân Hội, Nhị Quý, Thanh Hòa, Phú Quý, Long Khánh, với mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực.

Trong đó, HTX Long Khánh có 2.089 thành viên tham gia, cung cấp nước sinh hoạt và tiêu thụ trái cây. HTX tham gia thực hiện chuỗi giá trị bưởi da xanh với diện tích 12 ha và sầu riêng trên diện tích 13 ha theo hướng VietGAP, doanh thu trên 1,7 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

Ông Lê Hữu Phước thu nhập 150 triệu đồng/năm từ 1.000 m2 trồng dưa lưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Ông Lê Hữu Phước thu nhập 150 triệu đồng/năm từ 1.000 m2 trồng dưa lưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt.

TX. Cai Lậy còn đẩy mạnh phát triển mô hình doanh nghiệp nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu (TNHH MTV XNK) Chín Phẻ (xã Long Khánh) được thành lập vào năm 2018, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, đặc biệt là bảo quản, xử lý sau thu hoạch và hướng đến mục tiêu xa hơn là mang trái sầu riêng Việt Nam xuất sang thị trường nước ngoài.

Theo đó, công ty liên kết với hơn 300 nhà vườn, tổng diện tích hơn 100 ha sầu riêng ở khu vực TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy, với tổng lượng bao tiêu khoảng 1.000 tấn/năm, giá bao tiêu cao hơn giá thị trường 20.000 đồng/kg, giúp các hộ dân tham gia liên kết với công ty thu lãi cao hơn 300 triệu đồng/ha so với sản xuất và buôn bán sầu riêng nhỏ lẻ trước đây.

Theo Chủ tịch UBND xã Long Khánh Nguyễn Văn Kính, Công ty THHH MTV XNK Chín Phẻ giúp ổn định đầu ra cho trái sầu riêng với mức giá bao tiêu. Nhờ đó, người dân tránh được việc ép giá hay đầu ra bấp bênh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, công ty còn tạo việc làm cho 20 lao động tại địa phương với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

ÁP DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT

Hiện tại, TX. Cai Lậy đang xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung phía Nam Quốc lộ 1 (các xã Long Khánh, Phú Quý, Thanh Hòa và Nhị Quý), với diện tích hơn 2.100/2.600 ha sầu riêng trên toàn thị xã. Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Võ Thị Búp cho biết: “UBND thị xã đang triển khai thực hiện đăng ký chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP ở 3 HTX trên địa bàn các xã Phú Quý, Long Khánh và Thanh Bình.

Các HTX này sẽ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm của các thành viên HTX và hộ ngoài HTX với doanh nghiệp; đồng thời, cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào thông qua liên kết doanh nghiệp sản xuất phân, thuốc, giúp các thành viên tránh được tình trạng cò, lái ép giá và vật tư đảm bảo chất lượng”.

Bên cạnh các mô hình kinh tế tập thể, người dân trên địa bàn thị xã còn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vườn dưa lưới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Lê Hữu Phước (ấp Long Phước, xã Mỹ Phước Tây) đã canh tác được gần 2 năm, với mức giá bán ổn định mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Ông Lê Hữu Phước cho biết: “Được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học - Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới, sau 2 năm canh tác tôi đã mở rộng nhà lưới từ 500 m2 lên 1.000 m2. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, tôi thu lãi 150 triệu đồng/3 vụ trong năm, mức lãi này cao hơn so với trồng các loại cây theo kiểu truyền thống”.

Công tác triển khai và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các xã vùng ven trên địa bàn thị xã. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn thị xã tính đến tháng 6-2020 là 52,5 triệu đồng/người/năm (tăng trên 4,3 triệu đồng so với năm 2019); tăng 1,29 lần so với cuối năm 2015 và tăng 3,7 lần so với cuối năm 2011. Qua đó, TX. Cai Lậy có 10/10 xã đạt tiêu chí Thu nhập của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đồng chí Võ Thị Búp, trong thời gian tới, Thị ủy, UBND TX. Cai Lậy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Cùng với đó, UBND TX. Cai Lậy tiếp tục xây dựng và phát triển thêm nhiều HTX nông nghiệp, dịch vụ làm đầu mối trong hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ; phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ gắn với vùng sản xuất nông nghệp hàng hóa lớn; thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, dạy nghề và giới thiệu việc làm… để nâng cao thu nhập cho người dân.

CAO THẮNG

.
.
.