Thứ Sáu, 25/03/2022, 19:21 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Tây: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Tập trung chuẩn hóa sản phẩm mới, nâng hạng những sản phẩm đã được công nhận, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần quan trọng trong việc xác lập vị trí nhiều mặt hàng nông sản của huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân...

Xác định triển khai Chương trình OCOP là cơ hội đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Gò Công Tây đã ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp huyện.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo Thiên Ân và gạo đặc sản VD20 Gò Công đạt OCOP 4 sao.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Thiên Ân và gạo đặc sản VD20 Gò Công đạt OCOP 4 sao.

Tiếp theo đó, huyện mở nhiều lớp tập huấn về OCOP cho các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn trong địa bàn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; thuê chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh...

Đến nay, huyện Gò Công Tây có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt hạng 4 sao, gồm 9 sản phẩm chế biến từ nấm đông trùng hạ thảo, 2 sản phẩm chế biến từ nấm linh chi và 5 sản phẩm gạo. Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao. Việc gắn sao OCOP và được cấp tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác sản phẩm là minh chứng về chất lượng, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái.  

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản “sạch”. Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm huyện Gò Công Tây ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP huyện Gò Công Tây hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, như: Nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của số ít người dân về chương trình chưa thực sự đầy đủ; còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm, chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có; nhiều tổ chức kinh tế chưa chủ động đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; việc xúc tiến thương mại chưa tập trung, chưa thực sự giúp làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP...

Để nâng tầm sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện Gò Công Tây sẽ tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá sản phẩm cấp huyện, tỉnh.

Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể tham gia chương trình… Trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh với các sản phẩm đặc thù của huyện… Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện có ít nhất là 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

KIỀU TƯỚC NGUYÊN

.
.
.