.
BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN CHÂU THÀNH TRẦN HỮU PHONG:

Xây dựng nông thôn mới cần "thiết thực, hiệu quả, toàn diện và bền vững"

Cập nhật: 23:01, 28/02/2024 (GMT+7)

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã trở thành phong trào sôi nổi rộng khắp, được người dân đồng thuận hưởng ứng. Từ 2 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, đến cuối năm 2023, huyện Châu Thành đã có 22/22 xã đạt chuẩn NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Trước sự kiện có ý nghĩa quan trọng này, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Hữu Phong, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Châu Thành.

* Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng, huyện Châu Thành có những lợi thế khi xây dựng NTM, đồng chí nhận định thế nào về ý kiến này?

* Đồng chí Trần Hữu Phong: Xét về mặt khách quan, huyện có những lợi thế nhất định như: Vị trí địa lý thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ; là vùng có thổ nhưỡng thuận lợi cho sản xuất rau màu và cây ăn trái.

Hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, hệ thống cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, tạo nền tảng cho xây dựng NTM. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng NTM, Trung ương và tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương, chính sách cụ thể hóa, hướng dẫn kịp thời thúc đẩy phong trào, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện triển khai thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, nói như thế không phải tất cả đều thuận lợi; bởi thực tế, huyện Châu Thành khi bắt tay xây dựng NTM cũng đã gặp không ít khó khăn như: Kinh tế nông thôn của huyện chủ yếu là thuần nông, sản xuất nhỏ lẻ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển; thu nhập của người dân còn thấp; lực lượng lao động tuy dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chưa cao.

Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, môi trường... trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt ở mức thấp so với tiêu chuẩn, cần nguồn đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách còn hạn chế…

Vì thế, Nghị quyết Huyện ủy Châu Thành qua 3 nhiệm kỳ gần đây đều xác định việc lãnh đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chủ trương xuyên suốt của “ý Đảng, lòng dân”, là sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở đó, ngay khi triển khai thực hiện, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc, phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh toàn dân, quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM theo lộ trình đề ra.

Một góc thị trấn Tân Hiệp.                                                                                                                                                                                                                                                            Ảnh: TUẤN LÂM
Một góc thị trấn Tân Hiệp. Ảnh: TUẤN LÂM

* PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân trong việc xây dựng NTM ở huyện Châu Thành?

* Đồng chí Trần Hữu Phong: Từ khi triển khai năm 2011, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, tập trung triển khai, quan tâm lãnh đạo, kiểm tra sát sao tiến độ; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, với quyết tâm là huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM trong năm 2023.

Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, chi bộ, thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn; quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình triển khai, nhằm kịp thời phát hiện các khó khăn, hạn chế ở cơ sở để khẩn trương tháo gỡ và có biện pháp lãnh đạo trong tổ chức thực hiện. Hằng năm, Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các xã về các nội dung trong xây dựng NTM.

Qua đó, huyện kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý những yếu kém, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện, việc quản lý sử dụng vốn hỗ trợ của các xã, có kế hoạch định hướng cho các địa phương đảm bảo đủ điều kiện thực hiện đạt kế hoạch đề ra; chấn chỉnh việc nóng vội, chạy theo thành tích, huy động nguồn lực quá sức dân và ngân sách xã hay tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; chú trọng việc xây dựng, phát triển và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo của các địa phương.

Cầu Long Hưng bắc qua kinh Nguyễn Tấn Thành góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho huyện Châu Thành và kết nối giao thông vùng Trung tâm với vùng phía Tây.                                     Ảnh: TRUNG HẬU
Cầu Long Hưng bắc qua kinh Nguyễn Tấn Thành góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cho huyện Châu Thành và kết nối giao thông vùng Trung tâm với vùng phía Tây. Ảnh: TRUNG HẬU

* PV: Đồng chí tâm đắc điều gì khi huyện Châu Thành đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM?

* Đồng chí Trần Hữu Phong: Qua 13 năm triển khai thực hiện xây dựng huyện NTM, điều tôi tâm đắc nhất là sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự thống nhất, đồng lòng của nhân dân. Bên cạnh đó là được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh đã hỗ trợ cho huyện trong thời gian qua. Từ đó, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều thay đổi, môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân thật sự được nâng lên, đặc biệt là thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt; hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, các chính sách xã hội và an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển rộng khắp; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy.

Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm; giáo dục - đào tạo phát triển, chất lượng được nâng lên. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả; dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, nhất là đối với các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn huyện.

Đến nay, qua kết quả điều tra đánh giá sự hài lòng người dân và ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và tại các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao cho thấy, người dân thống nhất đạt từ 94,96% đến 97,7%  hài lòng về kết quả xây dựng NTM. Có thể thấy, đây là một kết quả rất tích cực, phản ánh sự đồng thuận và ủng hộ cao của cộng đồng dân cư nông thôn đối với chương trình.

Qua 13 năm triển khai và xây dựng huyện NTM, từ một huyện chỉ có 2 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 (Long An và Tân Hội Đông), đến nay huyện đã có 22/22 xã đạt chuẩn NTM, thị trấn Tân Hiệp đạt đô thị văn minh, 5/22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và nay huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM.

Đây là niềm vui chung của toàn bộ đảng viên và nhân dân trong huyện nhà, là điều kiện thuận lợi để huyện Châu Thành phấn đấu tốt hơn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong thời gian tới.

* PV: Chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng, vì thế Châu Thành sẽ làm gì sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Hữu Phong: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Xây dựng NTM đảm bảo “thiết thực, hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Trong xây dựng NTM phải lấy người dân là chủ thể, do vậy phải gắn phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.

Mục tiêu cao nhất là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần người dân; phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh - sạch - đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Từ đó cho thấy, xây dựng NTM chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc.

Trên tinh thần đó, trong giai đoạn 2024 - 2025, huyện Châu Thành tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM với phương châm phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đảm bảo phù hợp với định hướng đô thị hóa, từng bước hình thành Châu Thành thuộc vùng kinh tế - đô thị trọng điểm của tỉnh Tiền Giang theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, nâng chất huyện đạt chuẩn NTM và các xã đã đạt NTM, NTM nâng cao, thị trấn Tân Hiệp giữ vững đô thị văn minh. Huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Thân Cửu Nghĩa, Tân Lý Đông và 2 xã NTM kiểu mẫu là Tam Hiệp, Long An.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.