Thứ Tư, 16/05/2018, 19:57 (GMT+7)
.

Nâng cao ý thức phòng cháy hơn chữa cháy

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP. Mỹ Tho diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn đang được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm nhằm hạn chế xảy ra tình trạng cháy, nổ.

Vụ hỏa hoạn tại phường 7, TP. Mỹ Tho vào trưa ngày 7-4 vừa qua.
Vụ hỏa hoạn tại phường 7, TP. Mỹ Tho vào trưa ngày 7-4 vừa qua.

Từ vụ cháy 8 căn nhà ở phường 7, TP. Mỹ Tho vào trưa ngày 7-4 vừa qua, nhiều vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống cháy, nổ ở các khu dân cư (KDC) trên địa bàn thành phố hiện nay. Bởi KDC là nơi tập trung nhiều nhà liền kề, có hộ vừa ở, vừa mua bán, sản xuất - kinh doanh, nếu không may xảy ra cháy sẽ dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Theo thống kê từ UBND TP. Mỹ Tho, trong 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ cháy ở địa bàn: Phường 1, phường 2 và phường 7 (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2017), tài sản thiệt hại khoảng 1,65 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện (2 vụ).

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết, để công tác PCCC đạt kết quả tốt nhất cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Trong đó, mọi hoạt động PCCC phải được tiến hành từ cấp thành phố đến cơ sở, đặc biệt là các hộ gia đình và từng cá nhân.

Làm tốt điều này cũng chính là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ).

Để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, UBND thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng và UBND phường, xã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo PCCC và Cứu nạn cứu hộ thành phố và phường, xã; tập trung xây dựng, củng cố, nâng chất 126 Đội dân phòng và 50 Đội PCCC trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học; quan tâm trang bị và yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện cho lực lượng PCCC ở cơ sở góp phần phục vụ tốt công tác PCCC trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, Thường trực UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND phường, xã, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về PCCC đến từng hộ dân, KDC bằng nhiều hình thức như: Sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự, họp dân tại các khu phố, ấp; tuyên truyền bằng xe loa lưu động, tuyên truyền trên Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố và phường, xã…

Bên cạnh đó, công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về PCCC cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm.

Cùng với đó, ngành chức năng cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác PCCC, đặc biệt là tại các khu nhà trọ, các điểm sản xuất - kinh doanh.

Hiện nay, kỹ năng xử lý tình huống và sử dụng thiết bị PCCC (chủ yếu là bình chữa cháy tại chỗ) của nhân dân từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC khi có cháy xảy ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng, hiện nay ở một số khu vực, công tác quy hoạch đường giao thông chưa thực sự phù hợp. Một số KDC tự phát đông dân cư mà không có đường lớn, công tác quy hoạch các tuyến đường chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy.

UBND TP. Mỹ Tho đang khoanh vùng để quy hoạch phát triển đô thị, tập trung các KDC đông dân tại các vùng giáp ranh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Bên cạnh đó, hệ thống dây điện ở một số nơi trên địa bàn thành phố còn chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Hiện nay, ở các KDC đô thị nhà ở được thiết kế theo kiểu nhà ống, chỉ có một cửa thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.

Do đó, điều quan trọng hơn hết là ý thức của người dân trong việc PCCC, cảnh giác với hỏa hoạn.

Để thực hiện tốt công tác PCCC, UBND TP. Mỹ Tho đã có những khuyến cáo đối với các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình như: Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng dầu, khí đốt hóa chất và các chất dễ cháy trong nhà, trường hợp cần thì chỉ để dự trữ với số lượng ít.

Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. Lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn.

Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng và tắt các thiết bị điện không cần thiết. Đồng thời, người dân cần chuẩn bị sẵn các dụng cụ như: Búa, xà beng, kìm để phá dỡ tạo lối thoát khi xảy ra cháy.

Khi xảy ra cháy, người dân cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp theo số 114 hoặc Đội dân phòng, chính quyền, Công an phường, xã nơi gần nhất; đồng thời, sử dụng dụng cụ, phương tiện tại chỗ để chữa cháy và thoát nạn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn TP. Mỹ Tho có 328 trụ cấp nước đô thị dùng để chữa cháy, các trụ nước chữa cháy được quy hoạch theo khu vực đô thị và được giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang (Công an và Quân sự) và nhân dân ở gần trụ nước chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản. Số lượng các trụ nước chữa cháy này cơ bản bảo đảm cho công tác chữa cháy tại chỗ khi xảy ra cháy.

VĂN THẢO

.
.
.