Thứ Hai, 06/01/2014, 06:06 (GMT+7)
.
Bác sĩ Trần Thanh Thảo, Quyền Giám đốc Sở Y tế:

Cần quan tâm công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Thời điểm cận Tết và ngay trong dịp Tết Nguyên đán là thời gian mà nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo việc sản xuất và lưu thông một khối lượng lớn các loại thực phẩm trên thị trường. Do đó, nguy cơ thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn là rất lớn. Chính vì thế, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong thời gian này phải được đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Trần Thanh Thảo (T.T.T), Quyền Giám đốc Sở Y tế, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết:

Tình hình VSATTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 tương đối ổn định với các hoạt động đa dạng. Công tác bảo đảm chất lượng VSATTP được sự quan tâm của Ban chỉ đạo các cấp và có sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị trong ngành Y tế.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kể cả thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tạo được sự chuyển biến trong cộng đồng.

* Phóng viên (P.V): Bác sĩ có thể cho biết cụ thể về tình hình ngộ độc thực phẩm, cũng như công tác thanh tra, kiểm tra về VSATTP đã được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh trong năm qua?

* Bác sĩ T.T.T: Trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với khoảng 860 người mắc, không có tử vong. So với năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 5 vụ, với số mắc tăng khoảng 535 người. Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu ở các bếp ăn tập thể.

Riêng công tác thanh tra, kiểm tra về VSATTP đã được các ngành chức năng phối hợp với ngành Y tế triển khai thường xuyên và đột xuất. Cụ thể, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra 4.744/4.748 cơ sở được quản lý, đạt 99,9%. Số lượt cơ sở được kiểm tra 10.440 lượt. Số cơ sở đạt vệ sinh 9.250 cơ sở, đạt 88,6%. Số cơ sở vi phạm là 13, phạt tiền 48,2 triệu đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, mẫu nhiễm vi sinh.

Ngoài ra, ở tuyến tỉnh còn tiến hành giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, kết quả có 81/109 mẫu đạt (74,31%). Tổng số mẫu giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm toàn tỉnh là 1.035 mẫu, trong đó có 83 mẫu không đạt, chủ yếu là vi sinh 42 mẫu, hàn the 22 mẫu và độ ôi khét của dầu mỡ 19 mẫu. Riêng về giám sát mối nguy thức ăn đường phố có 148 mẫu, đạt 77 mẫu, tỷ lệ 52,03%. Số cơ sở thức ăn đường phố được tập huấn đạt 49,4%, số cơ sở khám sức khỏe đạt 25,6%.

* P.V: Loại bỏ ngộ độc thực phẩm vẫn là vấn đề nan giải, vậy ở tỉnh Tiền Giang công tác kiểm soát VSATTP còn gặp những vấn đề khó khăn nào, thưa bác sĩ?

* Bác sĩ T.T.T: Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật ATTP, NĐ 38/2012/NĐ-CP và Quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm chưa đầy đủ nên khó khăn cho việc thực hiện. Việc xử lý phải dựa vào kết quả kiểm nghiệm nhưng hầu hết các test nhanh đều chưa đủ tính pháp lý để xử lý, trong khi kết quả mang tính khẳng định đòi hỏi phải mất nhiều thời gian.

Vì vậy, khi có kết quả xét nghiệm, nhiều sản phẩm không đạt đã được cơ sở phân phối và tiêu thụ hết. Trong công tác giám sát chủ động phân tích mối nguy còn hạn chế vì chi phí nhiều. Công tác quản lý thức ăn đường phố cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện vì điều kiện VSATTP không đảm bảo theo quy định, khám sức khỏe và tập huấn kiến thức VSATTP chưa đầy đủ.

Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có hướng dẫn nên việc triển khai thực hiện cũng gặp khó khăn. Phần lớn cơ sở ở dạng thủ công nên chưa đảm bảo theo quy trình một chiều, chất lượng VSATTP chưa ổn định. Tình trạng ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể vẫn còn xảy ra.

Các ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra hàng hóa, nhất là thực phẩm trong dịp Tết để đảm bảo VSATTP.
Các ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra hàng hóa, nhất là thực phẩm trong dịp Tết để đảm bảo VSATTP.

* P.V: Hàng hóa thường được tiêu thụ với một lượng khá lớn vào thời điểm cận Tết và ngay trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó có nhóm hàng thực phẩm, vậy bác sĩ có thể cho biết làm thế nào để công tác VSATTP được đảm bảo?

* Bác sĩ T.T.T: Ở tuyến tỉnh sẽ thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh, bao gồm sự phối hợp của các ngành chức năng của tỉnh như: Chi cục VSATTP, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an Tiền Giang), Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị trong tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Ngoài ra, Chi cục VSATTP phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương kiểm tra các mặt hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản; bánh, mứt, sữa chế biến, kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ tiêu dùng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014; thời gian dự kiến từ ngày 2-1 đến ngày 24-1-2014.

Riêng ở tuyến huyện cũng sẽ tổ chức kiểm tra VSATTP ở các cơ sở chế biến, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng về kiến thức VSATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Cử cán bộ phụ trách về VSATTP tham gia phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh trong đợt kiểm tra tại địa bàn.

* P.V: Theo bác sĩ, mọi người cần phải làm gì để đảm bảo VSATTP trong dịp Tết?

* Bác sĩ T.T.T: Vào dịp Tết, chúng ta thường sử dụng một lượng thực phẩm lớn gồm nhiều loại: từ thịt, cá, rau, củ, quả đến các loại thực phẩm chế biến sẵn… Do đó, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về VSATTP.

Cụ thể, chọn thực phẩm an toàn với việc chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch, quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn; nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; nấu lại thức ăn thật kỹ; tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống; rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

Có thể nói rằng, VSATTP là lĩnh vực phức tạp, tế nhị, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, chứ không riêng gì trong các dịp lễ, Tết. Cho nên, để bảo đảm chất lượng VSATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì các cấp, các ngành và toàn thể người dân phải cùng quan tâm, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo VSATTP, đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, chứ không chỉ của các ngành chức năng. Từ đó, công tác quản lý chất lượng VSATTP mới hy vọng từng bước được chặt chẽ hơn.

* P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!

HỮU NGHỊ (thực hiện)

.
.
.