Thứ Tư, 22/01/2014, 08:44 (GMT+7)
.

Năm 2013 được đánh giá là năm thành công trong công tác kiều bào

Năm 2013 là năm được đánh giá là thành công trong công tác kiều bào của Đảng và Nhà nước ta, với sự tham gia đóng góp ngày càng lớn trên các mặt của bà con ta ở các nước đối với sự phát triển của quê hương.

Để tiếp tục thu hút ngày càng nhiều đóng góp của bà con người Việt ở nước ngoài đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta cần tiếp tục có những chính sách linh hoạt, phù hợp hơn cũng như những ưu tiên đối với Việt kiều, nhất là giới trẻ Việt kiều.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn.

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

PV: Thưa Thứ trưởng, một trong những thành công trong công tác kiều bào của chúng ta trong năm qua là lượng kiều hối về Việt Nam đạt mức rất cao. Theo Thứ trưởng, chúng ta cần làm gì để việc sử dụng nguồn kiều hối có hiệu quả?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Nguồn kiều hối mà bà con chuyển về trong nước hàng năm ngày càng tăng. Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam là một trong 9 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới, với nguồn tiền bà con gửi về là 11 tỷ USD. Đây là con số đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam và là nguồn lực thực sự quan trọng.

Tuy nhiên, kiều hối gửi về tùy thuộc vào việc sử dụng của những người làm chủ những tài khoản đó. Chúng ta xác định là nguồn tài chính đó quay vòng trong đất nước chúng ta. Nó có thể được đầu tư trong bất kể lĩnh vực nào cho sự phát triển kinh tế của từng gia đình, đóng góp chung cho xã hội.

Các dự án đầu tư của Việt kiều về nước năm 2013 có tổng trị giá đến 8,5 tỷ USD, cộng với đầu tư của Kiều bào với các công trình trong nước là gần 20 tỷ USD/năm. Song chúng ta làm sao phải sử dụng tốt nguồn vốn đó, kể cả kiều hối và nguồn đầu tư. Muốn sử dụng tốt thì phải có cơ chế chính sách tốt, phải tạo thuận lợi tối đa cho kiều bào phát huy nguồn lực của mình.

PV: Thưa Thứ trưởng, trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thế hệ trẻ Việt kiều cũng hết sức quan trọng. Vậy chúng ta cần có chính sách thế nào để ngày càng thu hút lực lượng này hướng về quê hương và tham gia đóng góp vào sự phát triển đất nước?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn:  Thu hút thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài, nhất là trí thức trẻ là một chiến lược. Chúng ta thực hiện một chiến lược làm sao vận động bà con ta, trong đó có lực lượng trí thức kiều bào trẻ về với quê hương đất nước. Đây là vấn đề khó, bởi đa số thế hệ này là biết tiếng nước ngoài nhiều hơn tiếng Việt. Cho nên, mục tiêu đầu tiên chúng tôi đưa ra là phát triển và giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt, cho thế hệ trẻ người Việt, ưu tiên việc giảng dạy tiếng quê hương cho thế hệ trẻ.

Hàng năm, Bộ Ngoại giao có tổ chức Chương trình Trại hè cho thanh niên, sinh viên Việt Nam, đưa thanh niên, sinh viên trên thế giới về Việt Nam. Qua 1 tháng dự trại hè, họ có thể tiếp xúc với người dân trong nước, giao lưu với bạn bè ở các nước khác để có sự so sánh, nhìn nhận, đánh giá bản thân mình với cộng đồng người Việt ở các nước khác; đồng thời nâng cao nhận thức, trang bị thêm cho hành trang kiến thức về lịch sử, văn hóa, truyền thống, nhất là tiếng Việt. Bởi nếu có tiếng Việt thì chúng ta mới vận động họ tham gia các phong trào, hoạt động khác.

Các bạn trẻ giỏi tiếng Việt thì họ mới cùng chúng ta có những bước đi mạnh dạn hơn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong tương lai.

PV: Việc thu hút chất xám, tri thức của kiều bào được xem như nguồn nội lực, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Thứ trưởng có đánh giá về điều này?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn:  Đây là vấn đề rất quan trọng và nước ta đang rất quan tâm. Chúng ta có gần 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, trong đó có hơn 400.000 chuyên gia, trí thức. Đa số họ có trình độ đại học trở lên. Đây là nguồn chất xám hết sức quan trọng và rất hữu ích.

Bởi bà con đang sinh sống, làm việc ở những quốc gia phát triển trên thế giới, với trình độ khoa học công nghệ rất cao. Nếu chúng ta biết phát huy nguồn chất xám này về phục vụ Tổ quốc thì sẽ góp phần phát triển cho đất nước.

Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau tuyên truyền, giải thích để những đóng góp, những ý kiến của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài phải được ghi nhận ở trong nước. Nhiều chuyên gia, trí thức ở các lĩnh vực về Việt Nam làm việc vì tình yêu đất nước, vì lòng tự tôn dân tộc.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy, chúng ta chưa coi trọng những ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, mặc dù họ giỏi. Chúng ta phải làm sao có chính sách đãi ngộ, những chiến lược để vận động và sử dụng trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà trí thức trẻ một cách hiệu quả nhất.

Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy khả năng, tiềm năng của mình, đồng thời làm sao để đoàn kết gắn bó giữa các trí thức người Việt trong nước và nước ngoài cùng nhau chung sức xây dựng đất nước.

Năm nay, Bộ Ngoại giao muốn tổ chức một hội nghị trí thức người Việt trong nước và ở nước ngoài để thăm dò, đánh giá khả năng hội nhập của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức người Việt ở nước ngoài với trong nước như thế nào.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!.

(Theo vov.vn)

.
.
.