Thứ Tư, 08/01/2014, 08:52 (GMT+7)
.

Chi cục QLTT tỉnh: Tăng cường công tác kiểm tra thị trường

Cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gởi các tỉnh, thành tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả tình trạng này. Xung quanh công tác này, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh.

Phóng viên (PV): Tại cuộc Hội thảo về công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả do Chi cục QLTT Tiền Giang tổ chức vào tháng 11-2013 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với lực lượng QLTT; đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ cho ngành QLTT trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng gian, hàng giả. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

* Ông Đỗ Văn Phước: Công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả hiện nay được giao cho nhiều ngành, nhiều cơ quan thực hiện, trong đó có lực lượng QLTT. Theo quy định, QLTT là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ Trung ương đến huyện, có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công nghiệp, thương mại ở thị trường trong nước.

Với quy định như vậy nên lực lượng QLTT có thẩm quyền và địa bàn kiểm tra rộng, lại là lực lượng chuyên trách nên có phần thuận lợi trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Do vậy, để công tác đấu tranh chống hàng giả đạt được kết quả cao cần có sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan, trong đó có lực lượng QLTT.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi; ngay sau khi bị phát hiện, xử lý thì đối tượng vi phạm lập tức có phương thức hoạt động mới để đối phó nên đòi hỏi lực lượng chức năng phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể phát hiện, kiểm tra và xử lý được.

Mặt khác, hiện tại tỉnh Tiền Giang có 40.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong khi lực lượng QLTT Tiền Giang có 80 biên chế, nếu chia bình quân thì mỗi người phụ trách quản lý 500 cơ sở, đây là con số không nhỏ. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, cần phải tăng biên chế.

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, đòi hỏi cán bộ, công chức QLTT phải có trình độ, am hiểu pháp luật, nhất là hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới liên tục.

Ý thức được điều này nên trong năm, chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công chức của đơn vị trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, tự nghiên cứu, tự học về chuyên môn nghiệp vụ; đã tổ chức 6 buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho công chức trong đơn vị, ngoài ra còn tổ chức thi “Kiến thức QLTT” trong nội bộ. Qua đó, mặt bằng trình độ chung về chuyên môn, về xử lý công việc có nâng lên. Việc làm này tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng phân bón.
Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng phân bón.

* PV: Trong bối cảnh như thế, xin ông đánh giá về công tác phòng, chống hàng gian, hàng giả trên địa bàn tỉnh trong những năm qua và cụ thể trong năm 2013?

* Ông Đỗ Văn Phước: Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong những năm gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các vi phạm bị phát hiện và xử lý như giả nhãn hiệu, giả chất lượng và công dụng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với các loại hàng hóa thường gặp như quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, máy tính Casio, bột ngọt Ajinomoto, phân bón, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)…

Nổi lên gần đây là các vụ vi phạm về hàng giả chất lượng (không có giá trị sử dụng, công dụng), xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, LPG.

Đối tượng vi phạm là các doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh Tiền Giang, sản xuất phân bón có bao bì, nhãn mác có dấu hiệu tương tự, sử dụng bình gas giả nhãn hiệu, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, sản xuất thức ăn chăn nuôi có chỉ tiêu chất lượng rất thấp và đem tiêu thụ với giá rẻ trên địa bàn tỉnh, chủ yếu được đưa về tiêu thụ tại các vùng nông thôn nhằm tránh sự kiểm soát, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Riêng năm 2013, số vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả có giảm hơn so với năm trước, nhưng đối tượng vi phạm sử dụng phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xuất hiện những thủ đoạn mới, gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Góp phần tích cực làm giảm số vụ vi phạm là do các sở, ngành, địa phương, trong đó có lực lượng QLTT làm tốt công tác quản lý địa bàn, tuyên truyền pháp luật, tăng cường hoạt động kiểm tra, khảo sát thị trường để nắm tình hình cũng như quy luật hoạt động của đối tượng vi phạm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả.

Trong năm, lực lượng QLTT Tiền Giang đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đã phát hiện 39 vụ vi phạm, xử phạt trên 600 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là phân bón, thức ăn chăn nuôi giả chất lượng (không có giá trị sử dụng, công dụng), lương thực, thực phẩm, áo may sẵn, máy tính Casio, bột ngọt Ajinomoto…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện ngày 19-12-2013, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn 6095 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; theo đó yêu cầu:

Trưởng ban chỉ đạo 127/TG, Giám đốc các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng gian, hàng giả.

Bố trí hợp lý các lực lượng bảo đảm kiểm tra, kiểm soát tốt tại các khu vực chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường thủy; đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết đối với cá nhân có biểu hiện tiếp tay hoặc làm ngơ cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.

* PV: Hàng gian, hàng giả đang ngày càng diễn biến phức tạp, theo ông đâu là giải pháp của ngành trong công tác đấu tranh với vấn nạn này, đặc biệt là ở thời điểm Tết Giáp Ngọ 2014?

* Ông Đỗ Văn Phước: Trong thời gian tới, QLTT Tiền Giang tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về hàng giả bằng nhiều hình thức như thông qua báo, đài truyền hình, đài truyền thanh, tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp, tổ chức hội thảo…; trong đó chú trọng việc công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và cảnh giác.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát diễn biến thị trường, thu thập thông tin để phục vụ công tác kiểm tra thị trường đạt hiệu quả. Làm tốt công tác dự báo tình hình, chủ động tham mưu đề xuất Ban chỉ đạo 127/TG trong công tác đấu tranh chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Kịp thời kiểm tra, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm khi nhận được tin báo của người tiêu dùng, của doanh nghiệp.

Ngoài ra, sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; tập trung đấu tranh ngăn chặn vi phạm đối với các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trên thị trường. Tiếp tục thực hiện công tác xây dựng lực lượng nhằm đảm bảo lực lượng QLTT Tiền Giang có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ.

Riêng thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Chi cục QLTT Tiền Giang thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết đã được phê duyệt. Theo đó, tập trung kiểm tra đối với những mặt hàng thường bị làm giả trong dịp Tết như: rượu bia, nước giải khát, quần áo, hàng tiêu dùng thiết yếu khác; đặc biệt lưu ý hàng hóa Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Ngoài ra, còn chú trọng kiểm tra các điểm bán hàng lưu động thực hiện Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” ở các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn trong dịp Tết nhằm không để xảy ra tình trạng trà trộn hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng vào để tiêu thụ.

* PV: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

Phát hiện vi phạm và xử lý 1.829 vụ, thu phạt hơn 22 tỷ đồng

Chiều 7-1-2014, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Tiền Giang (Ban chỉ đạo 127/TG) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2013. Trong năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra 8.552 vụ (tăng 1.613 vụ so với năm 2012), phát hiện vi phạm và xử lý 1.829 vụ (giảm 133 vụ so với năm 2012), thu nộp ngân sách 22 tỷ đồng, gồm:

phạt hành chính 9,3 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 9,5 tỷ đồng, bán hàng tịch thu 3,4 tỷ đồng. Có 206 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu thu phạt 4,2 tỷ đồng; 217 vụ hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, thu phạt 3,35 tỷ đồng; 701 vụ gian lận thương mại, thu phạt 12 tỷ đồng và 705 vụ thuộc các lĩnh vực khác, thu phạt 2,67 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 127/TG, thì với kết quả kiểm tra như trên cho thấy việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép giảm so với năm 2012. Đây là kết quả của sự nỗ lực chung của các ngành chức năng, đặc biệt là sự phối hợp, đóng góp của lực lượng QLTT, thuế, công an, y tế, nông nghiệp…

Về hoạt động của Ban chỉ đạo 127/TG năm 2014, sẽ tập trung ở hai nhiệm vụ chính là kiểm tra và tuyên truyền, trong đó các đơn vị thực hiện là Đoàn Kiểm tra liên ngành và các thành viên của Ban chỉ đạo 127/TG.

Dự kiến sẽ tiến hành kiểm tra 6.502 vụ trên các lĩnh vực: hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại. Tuyên truyền 23.102 lượt, biên soạn, in phát 10.000 tờ gấp quy định về hàng cấm, hàng nhập lậu. Đề xuất công khai các đối tượng, vụ việc vi phạm lớn, điển hình để cảnh báo, răn đe.

DS

 

.
.
.