Thứ Hai, 07/04/2014, 13:52 (GMT+7)
.
TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tiền Giang:

Cần phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa nắng

Đó là khuyến cáo của Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang. Tiến sĩ Hiếu cho biết, vào mùa nóng, khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao sẽ làm cho gia súc, gia cầm giảm ăn, uống nước nhiều… ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển và sức kháng bệnh; đồng thời còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật đường ruột, đường hô hấp phát triển và gây bệnh như tiêu chảy, viêm phổi… làm thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Vì vậy, trong mùa nóng, người chăn nuôi cần có cách chăm sóc gia súc, gia cầm hợp lý để hạn chế dịch bệnh xảy ra.

* Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết, để hạn chế dịch bệnh trong mùa nắng, người chăn nuôi phải thực hiện những giải pháp gì cho đàn gia súc, gia cầm của mình?

* Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu (T.Q.H): Trước tiên, người chăn nuôi phải chọn và xử lý con giống trước khi thả vào chuồng nuôi. Con giống đó phải khỏe mạnh, được xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh, từ mẹ đã được tiêm phòng vắc xin và còn trong thời gian miễn dịch.

Khi mua con giống “sạch bệnh”, người nuôi phải liên hệ với thú y địa phương để được tư vấn, hướng dẫn. Để hạn chế dịch bệnh, trước khi nhập chung đàn, con giống mới mua phải được nuôi cách ly ở dãy chuồng riêng biệt ít nhất 2 tuần lễ để theo dõi. Nếu phát triển bình thường, chúng ta sẽ cho nhập đàn.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần chọn các vị trí xây dựng chuồng, trại cao ráo, thoáng mát. Xây chuồng theo hướng Đông - Tây dọc theo chiều dài của chuồng. Có trang bị các hệ thống thông gió thích hợp trong mùa nóng như quạt gió và hệ thống phun sương. Khu vực chăn nuôi nên có tường hoặc lưới (hàng rào) đảm bảo cách ly với môi trường bên ngoài.

Tuyệt đối không cho động vật (chó, mèo, chuột, gia cầm, chim..) ra vào khu vực chăn nuôi. Đầu mỗi dãy trại cần bố trí hố sát trùng và phải thay đổi dung dịch thuốc sát trùng của các hố hàng ngày. Mùa nóng nên giảm mật độ nuôi. Trên bò sữa tối thiểu 6-7 m2/con, bò thịt 4-5 m2/con; heo nái 3-4 m2/con, heo thịt 2 m2/con; gà con úm 50-60 con/m2, gà thịt 10-15 con/m2; gà giống, gà đẻ 3-5 con/m2.

Bên cạnh đó, người ra vào khu vực chăn nuôi đều phải được thay đổi quần áo, giày dép; phương tiện vận chuyển, vật dụng chăn nuôi, bao thức ăn... phải được khử trùng trước khi vào ra trại. Nên ghi chép sổ sách các cuộc tham quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy tìm nguồn gốc nếu xảy ra dịch bệnh. Người chăn nuôi nên bố trí vật dụng chăn nuôi riêng biệt cho từng dãy trại.

Trong điều kiện bình thường, chúng ta tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi 1 lần/tuần; trong điều kiện có áp lực dịch bệnh thì thực hiện mỗi ngày. Tiêu độc khử trùng phải đúng quy trình và đúng kỹ thuật.

* Phóng viên: Ngoài con giống, chuồng trại thì người chăn nuôi cần phải đề phòng những yếu tố nào trong mùa nắng, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ T.Q.H: Ngoài những yếu tố trên thì nguồn nước và thức ăn chăn nuôi cũng rất quan trọng. Bởi vào mùa nóng, gia súc, gia cầm thường giảm ăn, uống nước nhiều nên cần cung cấp nước sạch và đầy đủ cho gia súc, gia cầm. Đặc biệt, vào mùa nóng, nước ở ao, hồ, kinh rạch thường khô cạn nên tích tụ nhiều mầm bệnh; do vậy, khi sử dụng nguồn nước này, người chăn nuôi phải khử trùng nước (kể cả nước dội chuồng, tắm gia súc).

Hiện nay, thuốc khử trùng được khuyến cáo là Chloramin B25%, 10g pha với 1.000 lít nước. Thức ăn chăn nuôi cần chất lượng tốt, dễ ăn, dễ tiêu hóa, còn hạn sử dụng. Có thể giảm lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm (nhiệt độ tăng 1oC thì giảm 1,25% thức ăn và giảm khoảng 5% trong phạm vi 32 - 38oC).

Thức ăn chăn nuôi không được lưu giữ quá 1 tuần để hạn chế hư hỏng, nấm mốc. Tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần. Nên cho ăn đêm hay lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hạn chế cho ăn vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

Người chăn nuôi phải cho heo uống nước sạch trong mùa nắng.
Người chăn nuôi phải cho heo uống nước sạch trong mùa nắng.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; tiêm vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tai xanh, dịch tả cho heo; vắc xin cúm, Newcastle cho đàn gà; vắc xin cúm, dịch tả cho đàn vịt. Để nâng cao hiệu quả của vắc xin, người nuôi cần chọn vắc xin phù hợp với mầm bệnh đang lưu hành, gây bệnh (theo khuyến cáo của cơ quan thú y).

Bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC. Tránh tiếp xúc thuốc sát trùng và ánh sáng mặt trời chiếu vào. Sử dụng ống tiêm, kim tiêm đã được tiệt trùng. Chỉ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm khỏe mạnh, bình thường. Thường xuyên bổ sung lysin, vitamin dạng Bcomplex, vitamin C vào khẩu phần ăn; các chất điện giải vào nước uống của gia súc, gia cầm để tăng cường sức đề kháng, chống stress nhiệt.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe gia súc, gia cầm; nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan thú y.

Năng suất sản xuất chăn nuôi phụ thuộc rất lớn vào sự sinh trưởng, phát triển và sức kháng bệnh của gia súc, gia cầm; do vậy người chăn nuôi cần quản lý, nuôi dưỡng tốt đàn gia súc, gia cầm trong mùa nóng, đặc biệt là ở thời điểm giao mùa trong thời gian tới.

* Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.