Thứ Bảy, 11/11/2017, 14:42 (GMT+7)
.

Tiền Giang hội nhập sâu vào "sân chơi" APEC

Nhận định về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Tiền Giang nói chung, tham gia vào “sân chơi” của thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đặc biệt là nhân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra, đồng chí Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ đánh giá:

Hội nhập kinh tế quốc tế được xem là “xương sống” của các hoạt động hội nhập quốc tế của Tiền Giang. Cũng như một số tỉnh, thành khác trong cả nước, Tiền Giang đã tham gia vào nền kinh tế quốc tế khá sớm, ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi lần đầu tiên từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam đã xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới.

Thực hiện chủ trương “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”, Tiền Giang đã tích cực thiết lập quan hệ hợp tác với một số địa phương nước ngoài và duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc với các cơ quan đại diện các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ nước ngoài. Nhờ chủ động nắm bắt thời cơ và kiên trì vượt qua các thách thức nên Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh luôn thuộc tốp đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. GDP tăng bình quân của cả giai đoạn 2010 - 2015 là 11%. Riêng 9 tháng qua của năm 2017, GRDP của tỉnh tăng vượt bậc, đạt 9,1%.

Tuy nhiên, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của Tiền Giang trong thời gian qua vẫn còn ở mức khiêm tốn so với yêu cầu. Nhu cầu tăng cường hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng cao trong khi nguồn lực địa phương còn hạn hẹp, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, khả năng tích lũy, tái đầu tư còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh chưa cao.

Để cạnh tranh thu hút đầu tư, áp lực về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu hội nhập và phát triển vẫn còn là những nút thắt quan trọng của tỉnh. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng… cũng còn hạn chế, chưa bắt kịp yêu cầu hội nhập. Mặt khác, các doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nhìn chung còn ở quy mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu nên gặp khó khăn trong quá trình hội nhập.

* Phóng viên (PV): Riêng đối với các nước, vùng lãnh thổ thành viên APEC, Tiền Giang đã tham gia như thế nào?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998 cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang bước ngoặt hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình đó, Tiền Giang đã có thêm động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hội nhập cùng các nền kinh tế khác trong khu vực và quốc tế.

Trong thời gian qua, Tiền Giang đã tích cực thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác và duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc với các cơ quan đại diện tại Việt Nam, các hiệp hội DN và các tổ chức phi Chính phủ của nhiều nước, vùng lãnh thổ thành viên APEC. So với giai đoạn trước, Tiền Giang đón tiếp các đoàn đến từ các nước, vùng lãnh thổ thành viên APEC ngày càng nhiều; trong đó có những đoàn cấp cao của nguyên thủ các nước, người đứng đầu các cơ quan đại diện các nước ở Việt Nam như: Đoàn của Hoàng Thái tử Nhật Bản; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông (Trung Quốc); Đại sứ và Tổng Lãnh sự các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Trong lĩnh vực kinh tế, Tiền Giang đã và đang đồng hành cùng với các nhà đầu tư, DN thực hiện các dự án đầu tư đến từ các nước, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philippine, Canada. Các dự án FDI tại tỉnh phần lớn đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc (gồm Hồng Kông và Đài Loan) chiếm khoảng 60% và Hàn Quốc khoảng 18% vốn đầu tư. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, nhiều nước, vùng lãnh thổ thành viên của APEC là thị trường quan trọng của Tiền Giang, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng đã được tiêu thụ ngày càng nhiều tại các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tập trung vào hàng may mặc, giày, túi xách, ống đồng, nông - thủy sản. Tiền Giang trở thành một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu hằng năm liên tục tăng và đạt trên 2 tỷ USD trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đã từng bước tăng cường hội nhập văn hóa với các nước, vùng lãnh thổ thành viên APEC qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật với các đoàn nghệ thuật đến từ các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản… tạo nền tảng tinh thần cho hoạt động hội nhập kinh tế của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng lượt khách quốc tế đến tham quan ở Tiền Giang đạt khoảng 575.990 lượt, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có nhiều du khách đến từ các nước, vùng lãnh thổ thành viên APEC.

Nhiều sản phẩm của Tiền Giang đã tham gia vào “sân chơi” của APEC.                                                                                                                                                                                                                                                                   Ảnh: THẾ ANH
Nhiều sản phẩm của Tiền Giang đã tham gia vào “sân chơi” của APEC. Ảnh: THẾ ANH

* PV: Xu thế hội nhập kinh tế nói chung và đối với các thành viên APEC của Tiền Giang tới đây như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Trong thời gian tới, Tiền Giang tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế, củng cố và thiết lập quan hệ ngoại giao với cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam, các địa phương và tổ chức nước ngoài nhằm tạo nền tảng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh với các nước, vùng lãnh thổ thành viên APEC tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

APEC là diễn đàn đặc biệt quan trọng giúp Tiền Giang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư với các nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Do đó, tỉnh sẽ nỗ lực xúc tiến, vận động các nhà đầu tư APEC đến thực hiện các dự án tại tỉnh trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, các ngành Công nghiệp có hàm lượng chất xám cao hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, Tiền Giang đang và sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, tháo bỏ những thủ tục ràng buộc DN, tạo mọi cơ chế thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN địa phương tham gia công tác xúc tiến kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, mở rộng thị trường ở nước ngoài.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

 

.
.
.