Thứ Ba, 16/10/2018, 21:50 (GMT+7)
.

Nông dân và doanh nghiệp chưa như "đũa có đôi"

"Mặc dù thanh long đã lên giá trở lại trong những ngày gần đây, tuy nhiên, câu chuyện "khủng hoảng" của thanh long vừa qua là bài học cần phải tránh cho nông sản Việt Nam nói chung".
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh trong cuộc trao đổi cùng DĐDN.

a
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: "Để sản phẩm thanh long được giá, đạt chất lượng cao thì việc liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp phải như "đũa có đôi”.

-Theo thông tin từ hải quan Lạng Sơn, những ngày qua hoạt động xuất khẩu thanh long vẫn diễn ra bình thường, mỗi ngày vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc 13.000 tấn thanh long với giá cao. Vậy, theo ông vấn đề ở đây cần phải hiểu như thế nào khi tại nhà vườn thanh long có thời điểm chỉ bán được với giá 500 -1000 đồng/kg, cho dù đến thời điểm này thanh long cũng đang có dấu hiệu nhích lên?

Tất cả các chủng loại thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc thường có chất lượng tốt, nôm na gọi là loại 1, cho nên việc xuất khẩu 1 ngày xuất khẩu 13.000 tấn là số lượng khá lớn so với năm 2017. Còn những loại thanh long bán trong nước thường là quả nhỏ, kém tươi, màu sắc không bắt mắt, chất lượng không cao. Số lượng thanh long này nếu chuyển vào bán trong siêu thị cũng khó được chấp nhận. Ở đây có điểm cần chú ý, đó là trong tháng 10 giá xăng dầu đã được điều chỉnh nên đã làm tăng chi phí cước vận tải các xe hàng từ Nam ra Bắc. Đây cũng là điều kiện khiến tư thương ép giá người nông dân trồng thanh long.

Rõ ràng, đằng sau câu chuyện thanh long rơi vào tình cảnh bi đát này cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó lý do những ngày vừa qua thương lái Trung Quốc tạm dừng thu mua để nghỉ lễ Quốc khánh của họ. Nhưng có lý do quan trọng hơn, đó là lượng thanh long được thu hoạch một lúc quá lớn khiến không đủ kho lưu trữ.

- Mặc dù điều này đã được báo trước nhưng tại sao vẫn diễn ra tình cảnh thanh long phải đổ bỏ vì cung vượt quá nhiều so với cầu? Phải chăng do cơ quan chức năng hay Hiệp hội thanh long không làm hết trách nhiệm trong công tác quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường hay do người dân bất chấp tất cả và sẵn sàng mở rộng diện tích khi thấy giá cao?

Theo tôi có 2 lý do ảnh hưởng trực tiếp đến việc thanh long bị rớt giá. Thứ nhất, việc nắm bắt thông tin thị trường và thay đổi thói quen tiêu dùng tại các thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu sang. Đồng thời cũng không nhận được thông tin Trung Quốc bắt đầu thuê đất của Lào, Campuchia để mở rộng diện tích trồng cây thanh long. Và chắc chắn rằng, với sự đầu tư cao, kỷ cương trong lao động và yếu tố khoa học kỹ thuật sẽ làm cho số lượng sản phẩm thanh long này nhanh chóng chiếm thế chủ động tại thị trường nước họ. Cho nên nhu cầu từ Trung Quốc sẽ giảm khi mua thanh long của Việt Nam.

Thứ hai, trong chiến lược xây dựng trung tâm nông sản bắt buộc phải có cảng và kho lạnh để làm nhiệm vụ tích trữ, bảo quản, điều tiết và phân phối.

- Một nghịch lý nữa được chỉ ra là ngay tại vựa thanh long Bình Thuận, trong khi đa phần người nông dân đang rơi vào tình cảnh trắng tay do thanh long không tiêu thụ được, thì vẫn có những nhà vườn thanh long thu lãi bạc tỉ theo mô hình Global GAP. Câu hỏi ở đây là tại sao Bình Thuận không hướng các nhà vườn theo mô hình này? Theo ông ở đây có vướng mắc gì không?

Ở đây có 3 cái khó. Thứ nhất, các thủ tục hành chính và chi phí để được công nhận tiêu chuẩn thanh long theo mô hình Global GAP còn rất cao.

Thứ hai, việc dẫn dắt nông dân đi từ thắng lợi mùa vụ đến thắng lợi hợp đồng, cần liên kết như “đũa có đôi” giữa người nông dân với doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải dự báo và nắm được thị trường. Trong khi đó, mối liên kết này vẫn chỉ trông chờ vào “đuôi” giá trị cuối cùng của thanh long để doanh nghiệp tạo ra giá trị sinh lời, mà không đầu tư trở lại cho người nông dân, như ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân áp dụng vào sản xuất.

Thứ ba, không hoàn chỉnh sản phẩm đến khâu cuối cùng của người nông dân đang là một khuyết tật cố hữu trong quá trình sản xuất. Do đó, chỉ khi nào thay đổi được hành vi này thì chất lượng sản phẩm của thanh long nói riêng, nông sản Việt nói chung mới đạt chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn tại các thị trường lớn, đem lại giá trị gia tăng cao.

- Vậy nhìn tổng thể cho cả vấn đề nông sản Việt Nam, theo ông các địa phương cần có chiến lược lâu dài ra sao để người nông dân không còn phải khổ sở khi nhìn sản phẩm của mình làm ra lại bị rẻ rúm đổ bỏ, còn doanh nghiệp và cộng đồng không phải mở những chiến dịch giải cứu nông sản như thời gian vừa qua?

Khi chúng ta nói đến cung – cầu, nói đến nông sản và người tiêu dùng thì phải chấp nhận cơ chế thị trường. Chính cơ chế thị trường sẽ quay trở lại để tác động đến thái độ, tính chuyên nghiệp và kỷ cương trong lao động của người nông dân.

Ngoài ra, để xây dựng được một trung tâm nông sản thì bắt buộc chúng ta phải có cảng và các kho lạnh. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, cấp ủy chính quyền địa phương cần phải quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho phát triển vùng nông sản bằng một giải pháp. Đó chính là phải xây dựng đồng bộ các hệ thống để giúp doanh nghiệp và người nông dân có những cơ hội tăng thêm giá trị nông sản của mình khi bán ra thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo enternews.vn)

 

.
.
.