Thứ Tư, 29/04/2020, 20:30 (GMT+7)
.
CHỦ TỊCH HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN TỈNH DƯƠNG THỊ LỆ:

Cần thực hiện đúng việc chi chế độ cho cán bộ Hội cơ sở

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) tỉnh Tiền Giang được thành lập năm 2005, sau đó lần lượt Hội cấp huyện (thị, thành) và cấp xã (phường, thị trấn) cũng được thành lập để chăm lo, giúp đỡ cho hơn 10 ngàn NNCĐDC trong tỉnh nhằm góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong những năm qua, các cấp Hội trong tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang Dương Thị Lệ cho biết:

Đồng chí Dương Thị Lệ (thứ 3, từ trái sang) bàn giao “Mái ấm da cam” cho NNCĐDC.
Đồng chí Dương Thị Lệ (thứ 3, từ trái sang) bàn giao “Mái ấm da cam” cho NNCĐDC

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi xác định công tác củng cố, kiện toàn tổ chức Hội phải được quan tâm hàng đầu và thực hiện thường xuyên song song với các hoạt động khác của Hội. Bởi lẽ, tổ chức Hội ổn định là yếu tố quyết định đến chất lượng công tác Hội. Vì vậy, nơi nào Hội đã thành lập thì việc kiện toàn đội ngũ Ban Chấp hành, Thường trực Hội phải luôn được giữ vững, trong nhiệm kỳ nếu có khuyết phải kịp thời bổ sung đủ theo đề án nhân sự khi đại hội.

Công tác củng cố về tổ chức còn được chú trọng đặc biệt khi chọn cán bộ làm công tác Hội, tiêu chuẩn trước tiên phải có “cái tâm” đối với nạn nhân, nhiệt tình, kiên trì đối với công tác Hội. Được như vậy thì mới cảm thông sâu sắc đối với nạn nhân là những người bị ảnh hưởng do di chứng của chất độc hóa học, mang nhiều bệnh tật ác tính, bị các dị dạng, dị tật, không ít người sống đời thực vật, ngu ngơ điên dại...; đồng thời, mới thực hiện tốt hoạt động chủ yếu của Hội là tuyên truyền, vận động nguồn lực từ cộng đồng xã hội.

Chính nhờ sự quan tâm như trên nên hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở từ ngày thành lập đến nay được kiện toàn, ổn định. Theo đó, toàn tỉnh có 159 tổ chức Hội, trong đó có 1 Tỉnh hội, 11/11 Hội cấp huyện và 147/172 Hội cấp xã.

* Phóng viên (PV): Được biết, trong những năm qua, Hội NNCĐDC các cấp trong tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc cho nạn nhân, trong đó có vai trò đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở?

* Đồng chí Dương Thị Lệ: Nhiệm vụ chính của công tác Hội là chăm lo, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với nạn nhân ngày càng tốt hơn, giúp họ giảm đi tự ti, mặc cảm do bệnh tật đem lại, từng bước vươn lên trong cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, Hội phải thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, theo dõi nắm chắc từng đối tượng nạn nhân về hoàn cảnh, bệnh tật, khảo sát phát hiện nạn nhân mới, đặc biệt phải có phương thức vận động nguồn lực xã hội…

Để nâng chất hoạt động Hội, từ nhiều năm nay, hệ thống Hội trong tỉnh đã hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua theo 5 mục tiêu về nhiệm vụ đề ra đối với cụm huyện và cụm xã (tỉnh có 2 cụm thi đua khối huyện, mỗi huyện có từ 3 đến 5 cụm khối xã).

Việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là cơ sở để nâng chất và đánh giá, là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của từng cơ sở Hội và cán bộ Hội; đồng thời, kịp thời khích lệ các tổ chức, cá nhân trong nội bộ Hội cũng như các nhà hảo tâm, hội viên đã đóng góp tích cực cho công tác chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Từ kết quả của phong trào thi đua cho thấy, khoản vật chất để chăm lo cho nạn nhân đều tăng lên hằng năm (năm 2014 là 8 tỷ đồng, năm 2017 là 12 tỷ đồng, năm 2019 là 15,7 tỷ đồng); nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ 2009 - 2013 là 23,7 tỷ đồng, nhiệm kỳ 2013 - 2018 là 56,9 tỷ đồng).

Sự chăm lo cho nạn nhân không chỉ là quà tặng, xe lăn, học bổng, mà còn quan tâm đến tính ổn định cho nạn nhân như xây nhà, hỗ trợ vốn sản xuất… Điều đó cho thấy, đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, trách nhiệm thì hoạt động Hội đạt kết quả cao, bởi “cán bộ nào, phong trào đó” thật không sai. Phải khẳng định tổ chức Hội NNCĐDC không chỉ tạo được sự tin tưởng của các nhà hảo tâm, mà còn là chỗ dựa, là niềm tin yêu của NNCĐDC.

* PV: Vai trò và trách nhiệm của cán bộ Hội ở cơ sở là rất quan trọng, vậy việc giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ Hội ở cơ sở như thế nào để họ yên tâm công tác, thưa đồng chí?

* Đồng chí Dương Thị Lệ: Như trên đã nêu, kết quả đạt được từ hoạt động Hội chủ yếu nhờ vào sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ Hội. Do vậy, làm sao để họ yên tâm ở lại với Hội lâu dài là vấn đề cần được đặt ra. Hơn nữa, Hội NNCĐDC là Hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước yêu cầu.

Chính vì vậy, nhìn chung trong thời gian qua, Hội luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động Hội. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 57 Hội được công nhận hội đặc thù, được cấp kinh phí hoạt động đúng quy định; còn lại 102 Hội (gồm 2 Hội cấp huyện và 100 Hội cấp xã) hầu như cán bộ Hội hoạt động trên dưới 10 năm nhưng chưa được hỗ trợ.

Từ thực tế trên, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 14 và UBND tỉnh ban hành Công văn 893 để tháo gỡ khó khăn đối với công tác Hội, nhất là hỗ trợ tiền công cho cán bộ Hội theo phương án lập kế hoạch nhận nhiệm vụ Nhà nước hằng năm. Thực hiện chỉ đạo tại 2 văn bản trên, ngay từ tháng 1-2020 đã có 80 Hội cơ sở lập đầy đủ thủ tục theo quy định gửi đến UBND cùng cấp để ra quyết định cấp kinh phí chi công việc và chi tiền công cho cán bộ Hội.

Thế nhưng, đến nay chưa có Hội nào được UBND cùng cấp ra quyết định cấp kinh phí chi tiền công cho cán bộ Hội, dù UBND tỉnh và Sở Tài chính đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, nhắc nhở. Điều này đã tạo thêm nhiều khó khăn cho công tác Hội và việc nhận nhiệm vụ Nhà nước giao về khắc phục hậu quả chất độc hóa học theo Chỉ thị 43 ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Công văn 54 của Tỉnh ủy Tiền Giang.

* PV: Trong thời gian tới, lãnh đạo Hội NNCĐDC sẽ làm gì để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ Hội ở cơ sở?

* Đồng chí Dương Thị Lệ: Do có những bất cập chưa được điều chỉnh từ phía Trung ương (Hội NNCĐDC thành lập từ năm 2010 trở về sau không được công nhận hội đặc thù) nên cán bộ Hội chưa được hưởng phụ cấp là một sự thiệt thòi. Do vậy, tôi thiết nghĩ UBND nơi có tổ chức Hội nhận nhiệm vụ Nhà nước do chính địa phương giao nên nghiêm túc thực hiện đúng, đủ các văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc chi chế độ cho cán bộ Hội ở cơ sở.

Về trách nhiệm của Tỉnh hội, chúng tôi tiếp tục theo dõi việc thực hiện để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời. Song song đó, các cấp Hội sẽ thực hiện có nền nếp phong trào thi đua “Tất cả vì nạn nhân da cam” nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Hội năm 2020.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THIÊN LÊ (thực hiện)

.
.
.