Thứ Năm, 26/07/2012, 08:11 (GMT+7)
.

Iran sẵn sàng làm trung gian giữa chính phủ và phe đối lập Syria

Hãng thông tấn bán chính thức Mehr dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi ngày 25-7 khẳng định Iran sẵn sàng làm trung gian giữa chính phủ và phe đối lập Syria.

Quân chính phủ đang cố đẩy quân nổi dậy khỏi thủ đô Damascus. (Credit: ABC)
Quân chính phủ đang cố đẩy quân nổi dậy khỏi thủ đô Damascus. Ảnh: ABC

Trong khi đó, theo Hãng thông tấn chính thức IRNA, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Ahmad Vahidi cùng ngày 25-7 đã bác bỏ tin đồn về sự hiện diện của các lực lượng quân sự Iran ở Syria, cho rằng đó là luận điệu tuyên truyền của truyền thông nước ngoài nhằm lấp liếm cho sự hiện diện của "các phần tử khủng bố" nước ngoài ở Syria.
 
Trước đó, Iran tuyên bố Tehran phản đối mạnh mẽ bất cứ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào Syria, nhưng kêu gọi Chính phủ Syria lắng nghe yêu cầu của người dân và tiến hành cải cách.
 
Cũng trong ngày 25-7, hãng tin Pháp AFP dẫn lời các quan sát viên giấu tên thuộc Phái bộ quan sát viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria (UNSMIS) cho biết một nửa số thành viên phái bộ này đã rời Syria.
 
Theo nguồn tin trên, 150 quan sát viên rút khỏi quốc gia Trung Đông này trong tối 24-7 và ngày 25-7 và sẽ không trở lại. Đây là động thái được thực hiện sau một quyết định thu hẹp một nửa quy mô UNSMIS nhưng nguồn tin không cho biết ai đưa ra quyết định này.

Các quan sát viên LHQ ở thủ đô Damascus. Ảnh: ABC
Các quan sát viên LHQ ở thủ đô Damascus. Ảnh: ABC

UNSMIS gồm 300 quan sát viên quân sự cùng khoảng 100 nhân viên dân sự hỗ trợ. Phái bộ này được triển khai tới Syria trong tháng 4 nhằm giám sát một thỏa thuận ngừng bắn theo kế hoạch hòa bình 6 điểm của đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan.

Đến giữa tháng 6, UNSMIS buộc phải ngừng các chuyến thị sát trong bối cảnh giao tranh diễn ra quyết liệt tại Syria. Ngày 20-7 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã gia hạn thêm 30 ngày sứ mệnh của UNSMIS trong khi các nước phương Tây cảnh báo rằng tình trạng bạo lực tiếp diễn nghiêm trọng tại Syria khiến các quan sát viên khó có thể tiếp tục ở lại.
 
Đại sứ Mỹ tại LHQ, Susan Rice cho biết nghị quyết kéo dài sứ mệnh của UNSMIS cho phép các quan sát viên "an toàn rút khỏi" Syria trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh nghị quyết là "cơ hội cuối cùng" cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện cam kết chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, đại sứ Nga tại LHQ, Vitaly Churkin khẳng định khái niệm "thời hạn chót 30 ngày" trong nghị quyết không phải là "báo tử" UNSMIS mà công việc của phái bộ này cần được tiếp tục triển khai.
 
Cùng ngày 25-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mạnh mẽ chỉ trích việc Mỹ không lên án vụ đánh bom nhằm vào các quan chức an ninh hàng đầu của Syria ngày 18-7, cho đây là thái độ "bao biện cho khủng bố". Theo ông Lavrov, với thái độ này, Mỹ thể hiện sẽ tiếp tục ủng hộ những hành động khủng bố như vậy chừng nào Hội đồng Bảo an LHQ chưa đáp ứng những gì Washington muốn.
 
Nga cũng chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mới chống Syria là phong tỏa đường không lẫn đường biển đối với Damascus. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mátxcơva không công nhận những trừng phạt đơn phương, cho rằng hành động như vậy sẽ "phản tác dụng", đồng thời vi phạm nội dung và tinh thần của kế hoạch hòa bình mà đặc phái viên Annan khởi xướng cũng như kế hoạch chuyển giao chính trị ở Syria đã được nhất trí tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tháng trước.

EU đã gia tăng biện pháp trừng phạt Syria, đồng thời siết chặt cấm vận vũ khí đối với quốc gia này, cụ thể sẽ tiến hành kiểm tra các tàu thuyền và máy bay bị tình nghi chuyên chở vũ khí cho Syria.
 
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga ITAR-TASS, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Gennady Gatilov cho biết Damascus đã bảo đảm với Mátxcơva về sự an toàn của kho vũ khí hóa học tại Syria. Tuy nhiên, ông Gatilov thận trọng nhận định vẫn có nguy cơ các vũ khí hóa học này bị rơi vào tay lực lượng chống đối.

Syria là nước không ký vào Công ước Vũ khí Hóa học 1992 ngăn cấm việc sử dụng, chế tạo hoặc tàng trữ những vũ khí này. Trước đây Syria nhiều lần nói rằng họ không sở hữu bất kỳ vũ khí hóa học nào.

Giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt tại Syria với tâm điểm là thành phố lớn thứ hai Aleppo ở miền Bắc nước này. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) cho biết bạo lực leo thang nhanh chóng ở Aleppo trong đêm 24-7 và sáng 25-7 khi quân chính phủ đụng độ với các tay súng chống đối. Quân chính phủ đã có những động thái triển khai mạnh mẽ tới chiến trường mới này sau khi lực lượng chống đối tuyên bố đã "giải phóng" được một số quận của Aleppo.

P.LONG

(Theo AFP, The Telegraph)
 

.
.
.