Thứ Bảy, 17/06/2017, 14:04 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng ngoại giao tại Qatar; các cuộc khủng hoảng chính trị và hoạt động khủng bố ở nhiều quốc gia trên thế giới tạo nên bức tranh thế giới tuần qua với những gam màu sáng, tối đan xen.

1. Tổng thống Mỹ tiếp tục gặp rắc rối pháp lý

Ngày 14-6, gần 200 nghị sĩ bao gồm 30 Thượng nghị sĩ và 166 Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đã đâm đơn kiện Tổng thống Donald Trump lên Tòa án liên bang với cáo buộc ông Donald Trump đã nhận những khoản tiền từ các chính phủ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN

Nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ còn có ý định gửi thư vận động các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa tham gia vào chiến dịch pháp lý này. Nội dung đơn kiện tố cáo Tổng thống Donald Trump đã không công bố trước Quốc hội về những khoản thù lao, khoản chi và lợi ích mà ông nhận được, tạo ra xung đột lợi ích ở ít nhất 25 quốc gia, khiến doanh nghiệp khác của nước Mỹ bị thiệt thòi. Như vậy, một cách gián tiếp ông Donald Trump đã cho phép chính phủ các nước khác đối xử đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của mình để có được ưu ái trong quan hệ với Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump gặp rắc rối về pháp lý. Trước đó, hai sắc lệnh hành pháp về người nhập cư của ông cũng đã bị thẩm phán liên bang chặn. Hiện tại, công tố viên đặc biệt Robert Mueller cũng đang tiến hành điều tra về khả năng cản trở công lý của ông Donald Trump và giám sát cuộc điều tra liên bang về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Như vậy, ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kiện nhiều nhất nước Mỹ từ trước tới nay.

2. Khủng bố, tai nạn ở nhiều nước

Tuần qua chứng kiến nhiều tai nạn và khủng bố xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 14-6, tòa cao ốc 27 tầng Grenfell Tower ở Anh đã bốc cháy dữ dội khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Toàn bộ 120 căn hộ ở đây đều đã có người ở; do đó, con số thực tế có thể còn cao hơn. Tòa nhà Grenfell Tower vừa mới được cải tạo, nâng cấp xong trong năm 2016 với tổng chi phí gần 11 triệu USD. Theo người dân địa phương, lớp vỏ bổ sung sau cải tạo của tòa nhà có thể là nguyên nhân khiến ngọn lửa bùng lên dễ dàng và nhanh chóng.

Tòa cao ốc 27 tầng cháy dữ dội. Ảnh: Gettyimages
Tòa cao ốc 27 tầng cháy dữ dội. Ảnh: Gettyimages

Cũng trong ngày 14-6, tại Mỹ đã xảy ra một vụ xả súng vào khu vực tập bóng chày nơi các Hạ nghị sĩ Mỹ thường hay lui tới. Tại thời điểm xảy ra vụ tấn công, có khoảng 20-25 Hạ nghị sĩ đang tập bóng tại đây. Cảnh sát sau đó đã xác định nghi phạm là James Hodgkinson, 66 tuổi, ở Belleville, bang Illinois. Hung thủ sau đó đã bị cảnh sát tiêu diệt. Hodgkinson được cho là bất mãn với đảng Cộng hòa và cá nhân Tổng thống Donald Trump.

Ngày 15-6, cảnh sát Somalia cho biết một vụ tấn công liều chết đã xảy ra tại nhà hàng Pizza House ở thủ đô Mogadishu, khiến 18 người thiệt mạng. Tổ chức Hồi giáo có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al Qeada Al Shabaab đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Al Shabaab có sào huyệt tại Somalia và thường xuyên tiến hành các vụ tấn công nhằm vào dân thường và cơ quan chính phủ kể từ khi quân đội Liên minh châu Phi đẩy mạnh chiến dịch truy quét lực lượng này ra khỏi Mogadishu vào năm 2011.

Trong ngày 15-6 cũng đã xảy ra một vụ nổ gần một trường mầm non ở miền Đông Trung Quốc khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và 66 người khác bị thương, trong đó có cả trẻ em. Tại Malaysia, hai phi công quân sự đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay trong khi huấn luyện; xác máy bay và thi thể 2 viên phi công được tìm thấy một ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn. Cũng tại Malaysia ngày 15-6, một chiếc tàu chở dầu đã chìm ngoài khơi vùng biển Pengerang thuộc bang Johor, khiến 6 thủy thủ trên tàu mất tích.

3. Bầu cử Hạ viện Pháp

Kết quả bầu cử lập pháp tại Pháp công bố ngày 12-6 cho thấy đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành chiến thắng tại vòng một tại cuộc bầu cử Hạ viện với tỷ lệ 32,32% số phiếu. Đảng Những người Cộng hòa chỉ nhận được 15,77% số phiếu và đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu của bà Marine Le Pen chỉ giành được 13,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này được cho là thấp kỷ lục, chỉ đạt khoảng 49%.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Politico Europe
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Politico Europe

Tại cuộc bầu cử vào Hạ viện lần này, cử tri Pháp sẽ chọn ra 577 nhà lập pháp từ 7.800 ứng cử viên. Nếu LREM và các đồng minh giành được đa số ghế, việc thực thi các chính sách, đặc biệt là chính sách thân thiện với EU, của ông Macron sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, ông Macron sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn do đa số người dân không mấy thiện chí với EU.

Theo quy định, cuộc bầu cử vào Hạ viện Pháp được tiến hành qua hai vòng. Vòng thứ hai sẽ diễn ra 1 tuần sau vòng thứ nhất. Như vậy, vòng thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 18-6 tới. Tại vòng một, ứng cử viên nào có trên 50% số phiếu mới đủ điều kiện nắm giữ ghế tại Hạ viện. Kết quả vòng một cho thấy chỉ có 3 ứng cử viên đáp ứng điều kiện này. Vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 18-6 tới cho các ứng cử viên không đủ 50% số phiếu nhưng có từ 12,5% số phiếu bầu ở vòng một trở lên.

Theo kết quả vòng đầu, LREM và và các đồng minh đang được đánh giá có khả năng giành được từ 415 - 455 ghế tại Hạ viện, đảm bảo thế đa số áp đảo.

4. Nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh đã kéo dài sang tuần thứ 2 và đã đem lại những tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế Qatar nói riêng và thế giới nói chung. Các hoạt động ngoại giao của cộng đồng quốc tế vẫn đang được tích cực tiến hành nhằm giải quyết căng thẳng, đảm bảo an ninh và ổn định cho khu vực.

Một góc thành phố Doha, Qatar. Ảnh: businessinsider.com.au
Một góc thành phố Doha, Qatar. Ảnh: businessinsider.com.au

Ngày 12-6, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ có cuộc gặp với ngoại trưởng các nước Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) nhằm thảo luận các biện pháp xoa dịu tình hình. Ngày 14-6, trong chuyến công du tới Marocco, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp đã và sẽ tiếp tục những nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh hiện nay. Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tới Qatar, kêu gọi các bên đối thoại giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi viện trợ lương thực cho Qatar. Ngày 15-6, Thủ tướng Anh Theresa May lên tiếng kêu gọi các nước có những bước đi nhằm giảm bớt căng thẳng.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt đầu từ hôm 5-6 sau khi 6 quốc gia gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Yemen và Libya đồng loạt chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Qatar hỗ trợ về chính trị, truyền thông và tài chính cho các nhóm chống đối ở nhiều nước cũng như các tổ chức khủng bố cực đoan tại Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, trải dài tới tận Trung Á, Bắc Phi và vùng Sừng châu Phi, với mục tiêu “gây bất ổn và mở rộng ảnh hưởng” trong khu vực. Ngày 9-6, cuộc khủng hoảng “tăng nhiệt” sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Ai Cập và Bahrain liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào danh sách khủng bố và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Qatar, đất nước phụ thuộc tới 90% nguồn lương thực vào nhập khẩu.

Các quốc gia thế giới Ả-rập cho rằng chìa khóa xoa dịu cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh nằm trong tay Qatar và kêu gọi nước này ngừng hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác trong khu vực. Về phần mình, Qatar luôn bác bỏ các cáo buộc có dính líu tới chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

5. Romania bên bờ vực khủng hoảng chính trị

Romania lại tiếp tục có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị khi tất cả các thành viên đảng Dân chủ - Xã hội (PSD) và Liên minh trung lập và dân chủ trong Chính phủ Romania đệ đơn từ chức hôm 15-6.

Thủ tướng Sorin Grindeanu. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Sorin Grindeanu. Ảnh: TTXVN

Trước đó, ngày 14-6, đảng PSD ra tuyên bố chấm dứt sự ủng hộ của mình đối với Thủ tướng Grindeanu và sẵn sàng thành lập một chính phủ liên minh mới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh gia tăng mâu thuẫn giữa Thủ tướng Grindeanu và lãnh đạo đảng PSD Liviu Dragnea. Cũng trong ngày 14-6, đảng Liên minh tự do dân chủ (ALDE) cũng đã bỏ phiếu nhất trí rút lại sự ủng hộ đối với Thủ tướng Grindeanu.

Yêu sách của các thành viên chính phủ ký vào đơn từ chức là Thủ tướng Grindeanu phải từ chức với cáo buộc đã thất bại trong việc thực thi các chính sách cải cách kinh tế. Trong khi đó, Thủ tướng Grindeanu cho biết chưa nhận được đơn từ chức của các thành viên chính phủ và tuyên bố sẽ không từ chức chừng nào Tổng thống Klaus Iohannis còn chưa chỉ định được người thay thế.

Đây là lần thứ hai Romania đứng bên bờ vực một cuộc khủng hoảng chính trị trong vòng 6 tháng qua. Hồi tháng 12-2016, quốc gia Đông Âu này cũng đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng khi Tổng thống Klaus Iohannis không đồng ý với ứng cử viên Thủ tướng do đảng PSD đề cử. Trước viễn cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài, Tổng thống Klaus Iohannis kêu gọi các đảng phái chung sức giải quyết cuộc khủng hoảng và tuyên bố sẽ chỉ chỉ định Thủ tướng mới trong trường hợp Thủ tướng Grindeanu từ chức hoặc thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

6. Philippines căng mình chống khủng bố

Cuộc chiến chống khủng bố ở Marawi, Philippines vẫn còn chưa kết thúc như tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte và còn có thể kéo dài thêm ít nhất 2 tuần nữa. Theo quân đội Philippines, 290 người, bao gồm 206 phiến quân Maute, 58 binh sĩ chính phủ và 26 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống khủng bố đã kéo dài sang tuần thứ 3 này.

Quân đội Philippines trong chiến dịch chống khủng bố tại thành phố Marawi. Ảnh: Reuters
Quân đội Philippines trong chiến dịch chống khủng bố tại thành phố Marawi. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, người dân thoát khỏi khu vực do khủng bố kiểm soát cho biết họ đã nhìn thấy hàng trăm thi thể (khoảng từ 500 tới 1.000) ở những điểm giao tranh dữ dội giữa binh sĩ chính phủ với lực lượng khủng bố tại Marawi. Marawi là thành phố có gần như toàn bộ dân số 200.000 người theo đạo Hồi. Giao tranh dữ dội bắt đầu bùng phát từ ngày 23-5 khi quân đội chính phủ truy bắt thủ lĩnh phiến quân Abu Sayyaf Isnilon Hapilon tại đây.

Giới phân tích cho rằng chính quyền của ông Rodrigo Duterte đã đánh giá không đúng tầm tình hình tại Marawi khi xếp lực lượng khủng bố ở đây vào nhóm các đối tượng ly khai chiến đấu đòi quyền tự trị như trước kia. Thực tế cho thấy các lực lượng thánh chiến tại Philippines hiện có xu hướng vũ trang, chuyển sang giai đoạn hoạt động quân sự theo mô hình của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria và Iraq.

Khủng hoảng 3 tuần qua tại Marawi cho thấy nguy cơ khủng bố đang lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới và bất cứ quốc gia nào cũng có thể trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan, đòi hỏi các quốc gia kiên quyết không thỏa hiệp với chủ nghĩa khủng bố và cần nỗ lực hơn nữa, chung tay hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.