Thứ Bảy, 19/05/2018, 21:13 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nguy cơ trật bánh "con tàu hòa bình"

Tuần qua, dư luận quốc tế đã dậy sóng trước việc Mỹ chính thức mở Đại sứ quán tại Jerusalem, khiến điểm nóng Trung Đông tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn. Bên cạnh đó, Triều Tiên bất ngờ hủy cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc và đe dọa hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ; khủng bố bùng phát ở Indonesia… cũng là những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

1. Mỹ “thêm dầu vào lửa” ở Trung Đông

Tiếp sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ngày 14-5, Mỹ đã chính thức mở Đại sứ quán tại vùng đất thiêng này. 86 đại sứ nước ngoài tại Israel được mời tham dự buổi lễ, song chỉ có 33 đại diện có mặt.

Vị trí đặt đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: Getty Images
Vị trí đặt đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: Getty Images

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên đoàn Arab đã tiến hành họp khẩn. Nhiều nước trong đó có cả các đồng minh của Mỹ đã phản đối động thái trên của Mỹ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích quyết định của Mỹ là bất chấp "lẽ phải và công lý" và coi thường cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Palestine gọi đây là "cú tát vào mặt" người Palestine và thế giới Arab, cho rằng Mỹ không còn được coi là bên hòa giải công bằng tại Trung Đông.

Các lãnh đạo Hồi giáo của Ai Cập cũng chỉ trích quyết định trên của Mỹ, coi đây là hành động khiêu khích tới 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới.

Trong khi đó, hàng chục nghìn người Palestine đã tuần hành và xảy ra đụng độ với lực lượng Israel tại Gaza. Ít nhất 58 người Palestine thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương. Palestine đã quyết định đệ đơn kiện Israel vi phạm tội ác chiến tranh lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) liên quan tới các hoạt động xây dựng khu định cư ở các phần đất bị chiếm đóng.

s
Bạo lực kinh hoàng trong ngày Mỹ khai trương ĐSQ ở Jerusalem. Ảnh: Reuters

Việc Mỹ chính thức mở Đại sứ quán tại Jerusalem và bạo lực bùng phát tại Gaza còn khơi mào cho một cuộc chiến ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Ngày 15-5, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Đại sứ Israel tại Ankara và Tổng lãnh sự Israel tại thành phố Istanbul rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Israel cũng đề nghị Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem rời khỏi nước này trong một khoảng thời gian không xác định.

Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem vẫn luôn là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và toàn bộ thành phố Jerusalem vào lãnh thổ của mình. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

2. Triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị "dội gáo nước lạnh"

Trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc vừa kết thúc tốt đẹp hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử  Mỹ - Triều, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore, ngày 16-5, Bình Nhưỡng đã bất ngờ thông báo quyết định hủy cuộc hội đàm cấp cao cùng ngày với Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ.

s
Triều Tiên đe dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ Triều. Ảnh: Getty Images

Động thái này được cho là đã "dội gáo nước lạnh" lên những nỗ lực và thiện chí của các nước trong thời gian qua, đồng thời đe dọa triển vọng tạo bước ngoặt cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù trước đó, Triều Tiên đã công bố quy trình phá bỏ và đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Lý do được Bình Nhưỡng đưa ra đó là việc Washington và Seoul tiếp tục tiến hành cuộc tập trận thường niên Thần Sấm. Bên cạnh đó, việc Washington muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên, cũng khiến Bình Nhưỡng tức giận. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin này.

Bình Nhưỡng còn tuyên bố nước này không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy hợp tác thương mại với Mỹ. Về vấn đề này, lập trường quan điểm giữa Triều Tiên và Mỹ còn đang rất khác biệt. Bình Nhưỡng cho rằng tiến trình phi hạt nhân hóa phải diễn ra tuần tự theo từng bước, có đi có lại, mỗi một nhượng bộ đưa ra phải có sự bồi hoàn tương xứng. Quan điểm này được Trung Quốc và Hàn Quốc ủng hộ. Trong khi đó, Mỹ có chủ trương hoàn toàn trái ngược, đó là tiến trình phi hạt nhân hóa phải được tiến hành toàn diện, nhanh chóng, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

3. “Gia đình khủng bố” - thủ đoạn tấn công khủng bố mới tại Indonesia

Một loạt vụ tấn công khủng bố trong tuần qua tại Indonesia đang khiến dư luận không khỏi quan ngại khi các phần tử khủng bố thực hiện thủ đoạn tấn công mới vô cùng nguy hiểm, đó là việc lôi kéo cả phụ nữ, trẻ em, thậm chí cả gia đình tham gia khủng bố.

a
Hiện trường vụ đánh bom tại Indonesia hôm 13-5. Ảnh: AP

Ngày 13-5, một loạt vụ đánh bom tại thành phố Surabaya nhằm vào 3 nhà thờ Thiên chúa giáo, khiến 18 người chết và hàng chục người bị thương. Thủ phạm là một gia đình 6 người, gồm cha, mẹ và 4 đứa con tuổi từ 8 đến 18. Sau đó một ngày, một vụ tấn công tương tự đã xảy bên ngoài trụ sở cảnh sát ở thành phố Surabaya. Một gia đình 5 người, trong đó có một bé gái 8 tuổi đã thực hiện vụ tấn công này.

Trong khi đó, ngày 15-5, hai tay súng đã bị tiêu diệt trong một cuộc đấu súng với lực lượng an ninh tại tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia. Sau đó, ngày 16-5, cảnh sát đã bắn hạ 3 kẻ tấn công nhằm vào các trụ sở cảnh sát ở thủ phủ Pekanbaru của tỉnh Riau trên đảo Sumatra.   

Các vụ tấn công vừa qua đều do thế hệ phiến quân mới đi theo tư tưởng cực đoan của nhóm IS tự xưng tiến hành. Interpol cho biết, ở Indonesia hiện có 5 nhóm khủng bố chính. Trong đó, nhóm khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) đang nuôi ý thành lập một "Quốc gia Hồi giáo" tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia, Malaysia, miền Nam Philippines, Singapore và Brunei.

4. Gian nan cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

“Nếu Iran ở lại thỏa thuận, chúng tôi cũng sẽ ở lại”, đó là tuyên bố của đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Federica Mogherini trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran và các ngoại trưởng: Anh, Pháp, Đức.

s
Lãnh đạo Pháp, Anh và Đức cùng thể hiện cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về một cách tiếp cận chung của khối này để duy trì JCPOA, khẳng định sẽ luôn ủng hộ JCPOA nếu như Iran tôn trọng thỏa thuận này. EU cũng nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA và trừng phạt Tehran.

Theo đó, một kế hoạch kinh tế gồm 9 điểm đã được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho phép Tehran tiếp tục bán sản phẩm dầu khí ra thị trường quốc tế, giao dịch ngân hàng, duy trì các tuyến đường hàng không, hàng hải, đồng thời cấp tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư. Một trong những giải pháp để thực hiện được ý tưởng này là các công ty châu Âu phải chuyển từ giao dịch bằng USD, vốn chiếm tới 90% giao dịch tài chính quốc tế, sang dùng đồng euro, trong các thương vụ mua bán dầu với Iran.   

5. Xả súng kinh hoàng tại Mỹ, rơi máy bay tại Cuba

* Tối 18-5, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một trường trung học ở ngoại ô thành phố Houston (Hiu-xtơn) thuộc bang Texas (Tếch-dớt) của Mỹ, khiến 10 người thiệt mạng và 10 người bị thương. Thủ phạm là học sinh 17 tuổi, đã sử dụng súng lục và súng săn bắn vào các bạn cùng lớp, đồng thời ném những quả bom tự chế vào lớp học.

5
Hoảng loạn sau vụ xả súng. Ảnh: CNN

* Truyền thông nhà nước Cuba đưa tin, chỉ có 3 người sống sót trong vụ máy bay rơi ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Jose Marti lúc 12 giờ 30 (giờ địa phương) chiều 18-5. Những người này đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu và đang trong tình trạng nguy kịch.

Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khi máy bay Boeing 737, mang số hiệu CU972, do Cubana de Aviacion thuê của hãng hàng không Damojh của Mexico, đang trên đường từ sân bay quốc tế Jose Marti của thủ đô La Habana tới thành phố Holguin, miền Đông Cuba. Khi xảy ra tai nạn, trên máy bay có 104 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. 

Hiện nguyên nhân vụ tai nạn cũng chưa được làm rõ

6. Gia tăng số người tị nạn vì nội chiến

Ngày 15-5, Trung tâm kiểm soát di trú nội địa (IDMC) và Hội đồng tị nạn Na Uy (NRC) đã công bố báo cáo cho biết, năm 2017, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay trên chính đất nước mình do bạo lực và xung đột lên mức cao nhất trong 10 năm, với 11,8 triệu người.   

s
Người tị nạn Syria ở Cyprus. Ảnh:China News

Báo cáo cho biết khoảng 76% số các trường hợp phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn tập trung tại 10 nước, bao gồm Syria, CHDC Congo và Iraq (hơn 50%). Tại Syria, số người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn là 6,8 triệu người. Hiện trên toàn thế giới có 40 triệu người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn do nội chiến và tình trạng bạo lực tràn lan.

Ngoài ra, có khoảng 18,8 triệu người tại 135 quốc gia phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai như lũ lụt, bão, lốc xoáy.   

Cộng hai con số thống kê trên, thế giới trong năm 2017 mỗi ngày chứng kiến 80.000 người đi lánh nạn trên chính đất nước mình. Đây là một con số đáng báo động, làm gia tăng gánh nặng lên các chính phủ và các cơ quan cứu trợ nhân đạo quốc tế.

7. Hòa đàm Syria tìm kiếm giải pháp chính trị

Ngày 14-5, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, đại diện ba nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành vòng đàm phán Astana thứ 9 về Syria với hy vọng đạt tiến bộ về giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông này.

s
Một vòng đàm phán hòa bình Syria tại Astana. Ảnh: AP

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Iran và Israel bị lôi kéo vào cuộc xung đột mới tại Syria liên quan đến các cuộc tấn công quân sự qua biên giới vào tuần trước.

Thông cáo chung sau hội nghị nêu rõ, các nước dự hội nghị nhấn mạnh vai trò then chốt của các vùng giảm xung đột trong việc duy trì lệnh ngừng bắn tại Syria, đồng thời cho rằng việc thiết lập những khu vực như vậy là một biện pháp tạm thời.

Kể từ các cuộc đàm phán về Syria tại Astana bắt đầu hồi đầu năm 2017, chính phủ Syria và phe đối lập đã đạt được một số thỏa thuận về giảm leo thang xung đột. Tuy nhiên, kể từ tháng 2 vừa qua, xung đột lại gia tăng trở lại sau khi lực lượng chính phủ mở cuộc tấn công dữ dội vào Đông Ghouta, khi đó nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.