Thứ Bảy, 06/10/2018, 18:24 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Hợp tác và đối đầu

Thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa S-400 giữa Nga và Ấn Độ đã được ký kết, cuộc chiến pháp lý giữa Mỹ và Iran, căng thẳng ngoại giao Hungary và Ukraine... là những thông tin quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

1. Nga, Ấn Độ ký thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa S-400

Ngày 5-10, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua 5 hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumf trị giá 5,43 tỷ USD của Nga, động thái sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không của Ấn Độ.

Thương vụ trên được ký kết tại cuộc gặp thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn lần thứ 19 ở New Delhi trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Ấn Độ. Dự kiến, việc chuyển giao S-400 sẽ bắt đầu vào tháng 10-2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: India Blooms
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: India Blooms

Mỹ từng nhiều lần khẳng định việc Ấn Độ mua S-400 có thể làm ảnh hưởng tới kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng của Washington cho New Delhi trong thời gian tới. Washington tìm cách ngăn chặn các nước mua hệ thống tên lửa hiện đại này của Nga, với việc ban hành Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) vào năm 2017.

Giới chức Ấn Độ cho rằng việc tăng cường năng lực phòng không bằng hệ thống S-400 là cần thiết, trong bối cảnh không quân các nước ngày càng được trang bị những vũ khí hiện đại.

Hợp tác giữa Nga và Ấn Độ đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh Mỹ và phương Tây siết chặt chính sách phong tỏa Nga. Vì vậy, một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Ấn Độ lần này là tìm kiếm phương thức để củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn.

2. Mỹ, Iran trong cuộc chiến pháp lý

Cuộc chiến pháp lý giữa Iran và Mỹ làm leo thang căng thẳng giữa hai bên. Iran giành lợi thế khi phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Hay, Hà Lan phần nào đáp ứng các yêu cầu của Tehran đối với Mỹ.

Mỹ tuyên bố sẽ hủy Hiệp ước Hữu nghị ký kết năm 1955 với Iran, còn Tehran không loại trừ khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà nước này ký với các cường quốc.

Một phiên tranh tụng tại ICJ liên quan tới vụ kiện của Iran với Mỹ hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: The National
Một phiên tranh tụng tại ICJ liên quan tới vụ kiện của Iran với Mỹ hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: The National

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ lần lượt do Washington áp đặt đối với I-ran được thực thi, việc Iran kiện Mỹ không tuân thủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đang khiến cho quan hệ hai nước diễn biến ngày càng xấu.

Thực tế, sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ tác động không nhỏ tới đời sống người dân Iran, nhất là khi vòng áp đặt trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực vào ngày 4-11 tới đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ, nguồn thu chính của Iran.

Phán quyết của ICJ, theo đó yêu cầu Mỹ bảo đảm các biện pháp trừng phạt Iran không gây ảnh hưởng đến hàng hóa phục vụ đời sống của con người hoặc an toàn hàng không dân dụng của Iran, đã được Tehran hoan nghênh.

Trong cuộc chiến pháp lý giữa Mỹ và Iran, Mỹ dường như không nhận được sự ủng hộ nào từ mọi phía. Tuy nhiên, những động thái đáp trả từ phía Mỹ là dấu hiệu cho thấy khả năng Washington một lần nữa lại phớt lờ phán quyết. Cho dù ở khía cạnh nào đó, Iran đang giành lợi thế trước Mỹ, song với lịch sử quan hệ đầy “bão tố”, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran được dự báo sẽ còn tiếp diễn khó lường.

3. Lần đầu tiên kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Ngày 5-10, tại Cung Văn hóa nhân dân ở Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tổ chức sự kiện chung kỷ niệm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai diễn ra 11 năm trước.

Đây là một phần của thỏa thuận mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tháng trước.

Các đại biểu tham dự sự kiện diễn ra tại Bình Nhưỡng kỷ niệm 11 năm ngày tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2. Ảnh: Yonhap
Các đại biểu tham dự sự kiện diễn ra tại Bình Nhưỡng kỷ niệm 11 năm ngày tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2. Ảnh: Yonhap

Ngày 4-10-2007, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã gặp nhau và ký kết Tuyên bố 4-10, trong đó cam kết hợp tác nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều. Tuy nhiên, tuyên bố này đã không được thực thi trong bối cảnh căng thẳng an ninh giữa hai miền phát sinh và sự thay đổi trong chính quyền tại Hàn Quốc.

Tại lễ kỷ niệm sự kiện lịch sử này, đại diện của Hàn Quốc và Triều Tiên đã kêu gọi thực thi đúng theo các thỏa thuận mà nhà lãnh đạo của hai miền nhất trí trong các cuộc gặp thượng đỉnh gần đây.

Trong một văn kiện chung, hai bên khẳng định: “Không nên lặp lại lịch sử thất bại của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố 15-6 và Tuyên bố 4-10 (các thỏa thuận đạt được trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra vào năm 2000 và 2007)”. Các đại biểu của hai miền Triều Tiên cũng hối thúc tiến hành những nỗ lực giúp Bán đảo Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa hạt nhân, trong khi cùng mở rộng các trao đổi và hợp tác xuyên biên giới.

4. Căng thẳng ngoại giao Hungary, Ukraine

Bộ ngoại giao Hungary tuyên bố trục xuất lãnh sự Ukraine sau một hành động tương tự trước đó của nước láng giềng, đẩy tranh cãi ngoại giao giữa hai nước lên một nấc thang mới xung quanh việc cấp hộ chiếu cho công dân gốc Hungary tại Ukraine.

Tranh cãi ngoại giao giữa hai bên nổ ra mới đây sau khi Bộ ngoại giao Ukraine cáo buộc lãnh sự Hungary tại thị trấn Berehove thuộc khu vực Zakarpattia của Ukraine, giáp biên giới với Hungary, cấp hộ chiếu Hungary cho một số công dân Ukraine gốc Hungary.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjart. Ảnh: Euro News
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjart. Ảnh: Euro News

Bộ ngoại giao Ukraine cho rằng hành động đó không phù hợp với một quan chức lãnh sự nước ngoài, trong khi hiến pháp Ukraine không cho phép công dân Ukraine được mang quốc tịch nước khác.

Đáp lại, Bộ ngoại giao Hungary lên tiếng bảo vệ quyền của cộng đồng 150.000 kiều dân Hungary đang sinh sống tại khu vực Zakarpattia và cho rằng giới lãnh đạo Ukraine đang cố tình làm khó cho họ. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjart nói rằng trong cuộc gặp tuần trước tại Mỹ, chính ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin thừa nhận rằng luật Ukraine không cấm công dân mang hộ chiếu của nước khác.

Ông Szijjart cáo buộc Ukraine đang đẩy leo thang xung đột ngoại giao giữa hai nước, khẳng định lãnh sự tại Berehove không làm sai luật, đồng thời tuyên bố Hungary sẽ tiếp tục ngăn cản nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine.

5. Mỹ đề ra chiến lược chống khủng bố mới

Ngày 4-10, sau 7 năm kể từ năm 2011, Mỹ lại cho công bố chiến lược chống khủng bố mới.

Tuy nhiên, khác với hồi năm 2011 với trọng tâm tâp trung vào bảo vệ nội địa nước Mỹ từ các mối đe dọa của Tổ chức al-Qaeda gây ra, chiến lược chống khủng bố năm 2018 đã có sự thay đổi rõ nét với việc nhấn mạnh vào các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan được Iran hậu thuẫn.

Lính Mỹ ở Iraq. Ảnh: Sputnik
Lính Mỹ ở Iraq. Ảnh: Sputnik

Theo đó, các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa xuyên biên giới hàng đầu đối với Mỹ và các lợi ích của Washington ở nước ngoài. Vì vậy, Mỹ sẽ tập trung và ngăn chặn những hoạt động hậu thuẫn và tuyển mộ các tay súng khủng bố, hiện đại hóa các phương tiện chống khủng bố, bảo vệ cơ sở hạ tầng của nước Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố, tăng cường kiểm soát biên giới, chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống khủng bố với các đồng minh.

Đặc biêt, trong chiến lược mới, Iran được coi là đối tượng trọng điểm của Mỹ. Phát biểu với báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh, các nhóm khủng bố được Iran bảo trợ như phong trào Hezbollah ở Lebanon, Hamas và lực lượng thánh chiến Hồi giáo của Palestine tiếp tục gây ra mối đe dọa đối với Mỹ và các lợi ích của Mỹ. Do đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung hơn vào Iran và các nhóm cực đoan được Tehran hậu thuẫn.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Iran bị liệt vào đối tượng chính trong chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ trong bối cảnh Washington rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran nhân là động thái hết sức đáng quan ngại.

6. Thảm họa động đất, sóng thần tại Indonesia

Trận động đất 7,5 độ richter hôm 28-9 tạo ra sóng thần cao tấn công đảo Sulawesi, Indonesia. Con số thương vong tiếp tục tăng khi công tác cứu hộ tiếp tục được triển khai để tìm kiếm các nạn nhân còn mắc kẹt trong các đống đổ nát.
Nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Palu sụp đổ sau đợt thảm họa kép động đất và sóng thần ngày 28-9.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Tính đến ngày ngày 5-10, số người thiệt mạng do thảm họa động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi của Indonesia đã tăng lên 1.558 người. Thảm họa kép khiến hàng nghìn người bị thương, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, phá hủy hơn 66.000 nhà cửa.

Giới chức dự báo khí tượng thủy văn Indonesia đang phải đối mặt với không ít chỉ trích khi dỡ cảnh báo sóng thần chưa đầy 1 tiếng trước khi trận sóng thần ập đến.

Động đất, sóng thần cuối tuần trước có thể coi là thảm họa tồi tệ nhất ở Indonesia kể từ năm 2004 khi sóng thần khiến hơn 230.000 người ở 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó chủ yếu ở đảo Sumatra, phía tây Indonesia.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.