Thứ Bảy, 27/06/2020, 11:39 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Nguy cơ tiềm ẩn

Dịch Covid-19 vẫn lây lan phức tạp tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Đồng thời, nhiều yếu tố khác nếu không được giải quyết kịp thời có thể gây ra những xung đột, bất ổn khu vực như: Căng thẳng biên giới Trung - Ấn, tranh cãi thương mại Mỹ - EU, kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel.

1. Đã có gần 10 triệu người mắc Covid-19 trên toàn cầu

Theo trang worldometers.info, tính đến sáng 27-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 9,8 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó gần 500.000 trường hợp tử vong và 5,3 triệu bệnh nhân phục hồi. Số ca mắc tăng mạnh ở Mỹ và nhiều nước khác có khả năng xóa sạch tiến bộ đạt được trong 2 tháng qua.

Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 của thế giới, với hơn 2,5 triệu ca mắc bệnh và hơn 127.000 bệnh nhân tử vong. Mỗi ngày, Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 20.000 đến 40.000 ca mắc mới và có rất ít dấu hiệu sớm “hạ nhiệt”.

Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 của thế giới. Ảnh: New York Times.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 của thế giới. Ảnh: New York Times.

Sau Mỹ là Brazil, với khoảng 1,3 triệu ca mắc Covid-19 và 56.000 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Mỹ Latinh - tâm điểm mới của dịch Covid-19 trên thế giới.                

Theo các chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng ngừa do sự lơ là, chủ quan của người dân trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như sự coi thường của giới trẻ.

Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về việc liệu có tiếp tục cấm du khách đến từ các nước đang chống chọi với dịch Covid-19 hay không trong bối cảnh EU dự định mở lại các đường biên giới châu Âu từ ngày 1-7.

Trong khi đó, các nước cũng đang tăng tốc độ nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19. Một vài “ứng viên” đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

2. Xích mích biên giới Trung - Ấn

Dù các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang diễn ra và được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, hai bên đến nay vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các diễn biến căng thẳng mới liên quan đến vấn đề biên giới.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 24-6 khẳng định quân đội tiền tuyến Ấn Độ đã công khai vi phạm thỏa thuận mà nước này đã cam kết khi vượt qua đường biên giới thực tế (LAC) và khiêu khích phía Trung Quốc.

Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại một khu vực biên giới. Ảnh: Indian Express.
Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại một khu vực biên giới. Ảnh: Indian Express.

Trong khi đó, chính quyền New Delhi đổ lỗi cho Bắc Kinh đã dựng các cấu trúc “vượt qua đường LAC”, bất chấp việc Ấn Độ đã yêu cầu phía Trung Quốc dừng lại. Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp khi xây dựng các con đường mới và chặn một con sông.

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn hiện vẫn tiềm ẩn những rủi ro về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, đặc biệt là khi các cuộc thăm dò gần đây tại Ấn Độ cho thấy, đa số người dân nước này muốn quân đội phản ứng “cứng rắn hơn” trước các động thái được cho là “khiêu khích” của phía Trung Quốc.

Trung Quốc và Ấn Độ cùng chung đường biên giới dài 3.500km. Năm 1962, hai bên đã xảy ra chiến tranh và kể từ đó tới nay, binh sĩ hai nước đã nhiều lần đụng độ, mặc dù lần cuối súng nổ trên biên giới đã là từ thập niên 1970.

3. Căng thẳng liên Triều leo thang

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên gần đây lại nóng lên khi Bình Nhưỡng nhiều lần chỉ trích Seoul về hành động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc.

Liên tiếp sau đó, Bình Nhưỡng có hành động đáp trả như cho nổ Văn phòng Liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới cùng tên của Triều Tiên, có kế hoạch đưa quân tới Kaesong và khu du lịch núi Kumgang, dự tính khôi phục các trạm gác đã được dỡ bỏ trong khu phi quân sự phân chia hai miền, sẽ nối lại tất cả các cuộc tập trận quân sự gần biên giới liên Triều.

Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc liên Triều ở Kaesong. Ảnh: Reuters.
Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc liên Triều ở Kaesong. Ảnh: Reuters.

Trong quá khứ, Bán đảo Triều Tiên luôn dao động giữa 2 chu kỳ hòa giải và căng thẳng. Việc chu kỳ hòa giải lần này kết thúc có lẽ chẳng có gì là đáng ngạc nhiên. Khúc dạo đầu cho một giai đoạn căng thẳng mới đã được Bình Nhưỡng khởi động. Về phần mình, Seoul tuyên bố có thể tiến hành một chiến dịch quân sự, cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá đắt.

Theo giới quan sát, thông điệp mà Triều Tiên đưa ra còn nhắm đến chính quyền Washington, khi chỉ còn ít tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Bình Nhưỡng theo thói quen lại gia tăng áp lực với Hàn Quốc để nước này phải tác động lên đồng minh chiến lược Mỹ.

Tuy nhiên, rất ít khả năng xung đột vũ trang quay trở lại trên Bán đảo Triều Tiên. Thực chất, các bên đang chứng kiến một trò chơi răn đe và chiến lược gây căng thẳng cho đến một điểm nào đó. Dù vậy, chúng ta không thể hoàn toàn gạt bỏ nguy cơ xảy ra “tai nạn” khó lường.

4. Cuộc chiến ngoại giao Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào căng thẳng sau khi một tàu chiến của Pháp đang thực hiện nhiệm vụ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kiểm tra tàu hàng Cirkin thì bị các tàu khu trục của Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản.

Theo NATO, tàu Cirkin có hành trình từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tới Misrata (Libya) và ngược lại, có những hành động mờ ám như che giấu nhận dạng của mình hay đưa thông tin không chính xác về điểm đến... Khi được yêu cầu kiểm tra bởi các tàu khu trục của Hy Lạp và Pháp, các tàu khu trục hộ tống Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng cứng rắn và cho rằng con tàu hàng này “nằm dưới sự bảo vệ của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ”.

Một cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO. Ảnh: Lefigaro.
Một cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO. Ảnh: Lefigaro.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly tố cáo Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya, cho rằng liên minh quân sự không thể làm ngơ trước các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ và đã đến lúc phải thảo luận thẳng thắn về thái độ của thành viên này. Phản bác lại cáo buộc trên, Ankara cho rằng, Pháp và các nước khác mới là “trở ngại chính cho việc thành lập hòa bình và ổn định ở Libya”.

Đụng độ trên biển giữa các tàu chiến của Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải như “đổ thêm dầu vào lửa” vào mối quan hệ hai nước vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước thành viên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh đang điều tra vụ việc và cam kết sẽ tìm hiểu rõ ràng về những gì đã xảy ra.

5. Sức ép căng thẳng thương mại Mỹ - EU

Chính quyền Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) trong vụ tranh chấp thương mại liên quan đến việc trợ cấp cho ngành sản xuất máy bay khi vừa tuyên bố đang xem xét đánh thêm gói thuế mới trị giá hơn 3 tỷ USD đối với hàng hóa của EU.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết đang muốn đánh thuế lên đến 100% đối với các sản phẩm của Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh. Những mặt hàng đang được USTR cân nhắc bao gồm ô liu, cà phê, sôcôla, bia, rượu gin, một số dòng xe tải và máy móc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Foundation for Economic
Ảnh minh họa. Nguồn: Foundation for Economic

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU bắt đầu từ khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Đáp lại, Brussels cũng áp thuế các sản phẩm biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ như quần áo Jean và mô tô phân khối lớn.

Chính phủ Anh mặc dù đã rời EU nhưng ngày 24-6 cũng kêu gọi Washington không áp dụng thêm thuế quan mới với liên minh, cảnh báo rằng các biện pháp “ăn miếng trả miếng” sẽ gây thiệt hại đối với các doanh nghiệp ở cả hai bên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cả Mỹ và EU đều có chung mục đích là muốn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giải quyết tranh chấp về vấn đề trợ cấp cho ngành sản xuất máy bay, từ đó làm cơ sở đề phòng cạnh tranh trong tương lai với Trung Quốc - quốc gia đang phát triển dòng máy bay chở khách cỡ lớn.

6. Quốc tế phản đối Israel sáp nhập Bờ Tây

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và hơn 1.000 nghị sĩ châu Âu đã lên tiếng phản đối kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây bị chiếm đóng mà Israel sắp xúc tiến.

Tổng thư ký LHQ cảnh báo việc Israel cố tình sáp nhập Bờ Tây sẽ đe dọa những nỗ lực để tiến tới hòa bình cho toàn bộ khu vực Trung Ðông, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Do vậy, một mặt ông Guterres kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch trên, mặt khác hối thúc Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán để cuối cùng đạt được giải pháp hai nhà nước.

Khu định cư Ramat Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây. Ảnh: Reuters.
Khu định cư Ramat Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây. Ảnh: Reuters.

Khoảng 1.080 nghị sĩ thuộc 25 quốc gia châu Âu cũng đồng loạt kêu gọi các nhà lãnh đạo can thiệp và ngăn chặn Nhà nước Do Thái thực hiện kế hoạch sáp nhập. Trong thư gửi Ngoại trưởng các nước châu Âu, nhóm nghị sĩ này bày tỏ “đặc biệt lo ngại” kế hoạch của Israel, nếu được hiện thực hóa, sẽ tạo tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Chính phủ Israel tuyên bố có thể xúc tiến sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan kể từ ngày 1-7 tới. Việc sáp nhập là một phần trong Kế hoạch hòa bình Trung Ðông có tên “Thỏa thuận thế kỷ” được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi đầu năm nay. Theo đó, Washington sẽ công nhận những khu định cư Do Thái tại Bờ Tây thuộc về Tel Aviv. Ðề xuất này cũng sẽ tạo ra Nhà nước Palestine nhưng ban hành những quy định khắt khe. Giới lãnh đạo Palestine lập tức bác bỏ sáng kiến của chủ nhân Nhà Trắng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.