Thứ Tư, 06/07/2016, 15:09 (GMT+7)
.

Điều rút ra từ "sự cố Formosa"

Ngày 29-6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận Công ty là thủ phạm gây ra sự cố môi trường và xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Sự cố môi trường nghiêm trọng nhất này liên quan tới doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đây còn là bài học kinh nghiệm lớn đối với nước ta trong việc làm ăn với nước ngoài trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Từ “sự cố Formosa”, nhận thấy: Rõ ràng, môi trường là vấn đề lớn nhất và thời sự nhất trong chuyện này. Thời kỳ đầu đổi mới, hội nhập, trước sức ép về phát triển kinh tề, về cải thiện đời sống nhân dân, ta trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư và có thể còn nhiều kẽ hở trong xét duyệt, cấp phép.

Mặt khác, pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường còn chưa đầy đủ, chặt chẽ. Cán bộ, công chức của ta lại chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chưa nói còn có thể xảy ra tiêu cực khi một số nhà đầu tư “bôi trơn”.

Nay đã đến lúc phải đưa việc này lên hàng ưu tiên số một khi cấp phép đầu tư, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước, vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Nhất là khi ta cũng đang đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp với quyết tâm phát triển doanh nghiệp mang tính đột phá để rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới.

Các chuyên gia kinh tế có ý kiến rằng: Quy hoạch hình thành các khu kinh tế ven biển nhằm kết nối các trung tâm kinh tế khu vực và thế giới là hợp lý, nhưng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ gì thì cũng phải tính tới vấn đề xã hội và môi trường.

Không nước nào đặt những ngành sản xuất có xả nước thải độc hại ven sông, ven biển. Khi sự cố môi trường xảy ra, việc khắc phục rất khó, rất lâu dài, tốn kém, thậm chí không thể khắc phục được dù có đóng cửa. Ta cần kiểm tra xem xét lại hệ thống các khu kinh tế ven sông, ven biển để có biện pháp chấn chỉnh ngay.

Làm việc với các bộ, ngành về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo rà soát, xem xét lại các thủ tục cấp phép, quy chuẩn về môi trường, chất lượng báo cáo đánh giá  tác động môi trường, kiểm tra, xem xét trách nhiệm cán bộ, công chức có liên quan đến vụ việc.

Thủ tướng cho biết: Ngay từ đầu khi xảy ra sự cố cá chết hàng loạt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai khẩn trương từng bước đi có lý lẽ, có cơ sở khoa học mới có thể đạt được kết quả này.

Thủ tướng nhấn mạnh: các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt chủ trương “Không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân”, nghĩa là không phải vì tăng trưởng kinh tế mà chúng ta bỏ qua ô nhiễm môi trường.

TRẦN  QUÂN

 

 

 

.
.
.