Thứ Bảy, 04/07/2020, 22:12 (GMT+7)
.

Bước tiến nhanh, chắc của ngành Y

(ABO) Trong thời gian qua, hàng triệu trái tim cả nước hướng về bệnh nhân nhiễm Covid-19 là phi công người Anh, mang ký hiệu bệnh nhân 91. Có lúc, chúng ta như “nghẹt thở” khi đọc những dòng thông tin về bệnh nhân này: 2 lá phổi đông đặc, chỉ còn lại 10%, ngành Y tế Việt Nam phải tính đến phương án ghép phổi và thậm chí phải ghép cả thận…, quyết tâm cứu sống bệnh nhân.

Điều đó cho thấy, Việt Nam không có sự phân biệt đối với bệnh nhân Covid-19, bất kỳ họ là ai, thuộc quốc gia nào cũng đều được quan tâm, tận tình cứu chữa như nhau. Chính từ sự nhất quán trong suy nghĩ và hành động như thế, nên đến thời điểm hiện nay, dù Việt Nam có một số ca nhiễm Covid-19 nặng, nhưng đã không có ca tử vong.

Nếu cách đây hơn 1 tháng, chúng ta có cảm giác như “nghẹt thở” khi đọc những dòng thông tin trên báo chí về bệnh nhân 91, thì trong những ngày gần đây, sự phục hồi kỳ diệu của bệnh nhân này làm cho chúng ta có cảm giác vỡ òa hạnh phúc. Sự kỳ diệu ấy sẽ không đến nếu như ngành Y tế Việt Nam không có sự nỗ lực quyết tâm, huy động mọi nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân 91, phi công người Anh đã hồi phục kỳ diệu. Ảnh từ Internet

 

Qua 6 lần hội chẩn liên viện toàn quốc để điều chỉnh, thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân 91, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành về hô hấp, hồi sức cấp cứu…, dưới sự chủ trì của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã cho thấy sự nỗ lực quyết tâm của Việt Nam để cứu sống bệnh nhân này. Trong lần hội chẩn liên viện toàn quốc thứ 6 (cũng có thể là lần cuối cùng) diễn ra vào ngày 3-7 vừa qua, dưới sự chủ trì của PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đã kết luận: Bệnh nhân 91, phi công người Anh đủ tiêu chuẩn chuyển viện, về nước bằng máy bay vào ngày 12-7 theo đề nghị của Đại sứ quán Anh. Đó là một kết quả làm nức lòng hàng triệu trái tim Việt Nam!

Trong những ngày đại dịch bệnh Covid-19 lây lan trên khắp thế giới, số người chết không ngừng gia tăng, việc Việt Nam nỗ lực quyết tâm điều trị cho tất cả các bệnh nhân, đặc biệt là tập trung mọi nguồn lực để điều trị các ca bệnh nặng, trong đó có bệnh nhân 91 đã mang đến những hiệu quả tích cực, khẳng định với bạn bè trên thế giới về một hình ảnh Việt Nam an toàn trong dịch bệnh với số ca nhiễm bệnh thấp và không có ca tử vong. Đồng thời, hiệu quả mang ý nghĩa xã hội to lớn đó là giúp an dân, mang lại sự an tâm cho nhân dân trong cả nước, tránh hoang mang, lo lắng thái quá, nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong những năm gần đây, ngành Y tế của nước ta có những bước tiến rất nhanh và chắc để tiệm cận với nền y học của các nước phát triển trên thế giới. Bước tiến rõ nét nhất là chúng ta đã thành công vượt bậc trong ghép tạng, kể cả ghép được chi. Những kết quả tích cực trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 thêm một lần nữa khẳng định những bước tiến dài của ngành Y tế Việt Nam.

Phấn khởi, tự hào, nhưng không chủ quan, thỏa mãn. Bởi phía trước vẫn còn nhiều việc mà ngành Y tế phải làm và cần làm quyết liệt hơn nữa, đó là tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh; việc thiếu đội ngũ bác sĩ ở tuyến tỉnh, nhất là đối với một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các thủ tục ở bệnh viện còn mất nhiều thời gian, chưa được rút ngắn triệt để; bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư đúng mức, từ đó chất lượng khám và điều trị bệnh ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; làm sao để tất cả bệnh nhân, nhất là những người yếu thế trong xã hội, đều được tiếp cận với kỹ thuật cao trong điều trị bệnh… Đó là những câu chuyện dài được nhiều người quan tâm và mong muốn ngành Y tế trả lời bằng những hành động cụ thể và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

THIÊN LÊ
 

.
.
.