Thứ Tư, 28/07/2021, 08:26 (GMT+7)
.

Liều thuốc tinh thần xoa dịu những hoang mang

(ABO) Những ngày qua trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng cũng như cộng đồng mạng xã hội đã bày tỏa cảm xúc với nhiều bài viết, dòng trạng thái về hình ảnh Đội tình nguyện viên nghệ sĩ Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh chung tay tham gia cuộc chiến chống dịch Covid -19 với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hỗ trợ điều phối lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, tiêm vắc xin phòng Covid-19; phụ giúp dọn dẹp ký túc xá để làm khu cách ly tập trung, chia phần ăn, sơ chế rau củ quả tại các bếp ăn phục vụ cho các bệnh viện và các chốt phong tỏa; hỗ trợ vận chuyển thực phẩm, vật tư y tế đến các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19…

Đặc biệt, Đội tình nguyện còn chăm sóc sức khỏe tinh thần, mang lời ca tiếng hát phục vụ y, bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly… khiến cộng đồng không khỏi xúc động.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn... đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến. ẢNH: Fb MC Quỳnh Hoa

Người dẫn chương trình (MC) Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ trên trang cá nhân: “Lần đầu tiên có một đêm diễn không ánh sáng rực rỡ, không âm thanh hoành tráng, không áo quần lộng lẫy… nhưng đầy cảm xúc với khán giả là nhân viên y tế và bệnh nhân F0.

Mọi người đứng trên các ban công theo dõi chương trình và hò reo theo từng bài hát. Các y, bác sĩ và lực lượng y tế thì đứng dưới sân đung đưa cánh tay theo từng nhịp nhạc… dường như bao căng thẳng, mệt mỏi, âu lo thoáng chốc tan biến. Mong là việc mang tiếng hát đến bệnh viện sẽ là món quà tinh thần giúp nhau vượt qua giai đoạn căng thẳng này”.

Chúng tôi theo dõi và thấy nhiều nhân vật nổi tiếng, giới trí thức đã có nhiều bài viết trên blog cá nhân không kìm được xúc động khi xem các ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại, Nguyễn Phi Hùng… biểu diễn tại các bệnh viện dã chiến được đăng tải trên nhiều nền tảng công nghệ. Đặc biệt đoạn video Saxophone Trần Mạnh Tuấn trình diễn bài "Quê hương" thật sự cho người xem một cảm xúc khó tả.

Nhà thần kinh học người Anh, Semir Zeki từng định nghĩa: Nghệ thuật là một “sự tìm tòi liên tục, không ngừng, thiết yếu và bền bỉ các đối tượng, diện mạo, và cảnh huống”. Thật vậy, cảnh huống này thực sự quá ấn tượng. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đầu đội tấm kính bảo hộ, mặt đeo khẩu trang khoét lỗ nhỏ để thổi "cây saxophone" tiếng kèn của anh đã góp phần xoa dịu những hoang mang, lo lắng, căng thẳng của tình hình dịch bệnh.

Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của một trong những bệnh nhân đang trong đêm tối ở bệnh viện dã chiến với bao thấp thỏm lo âu cho tình hình đau bệnh của bản thân và người thân bên ngoài thế nào, mà khi nghe tiếng kèn tha thiết này… như có thêm sức mạnh, động lực để quyết tâm chiến thắng đau bệnh, sớm trở về với gia đình.

Tôi tin rằng, những ai đã xem, đã nghe các ca sĩ, nhạc sĩ trình diễn tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly cũng sẽ có chung niềm xúc động và lòng biết ơn. Chưa bao giờ người ta cần tiếp thêm niềm tin, nghị lực, sự lạc quan như lúc nằm bệnh viện.

Trong điều kiện bình thường, ai trong chúng ta khi bệnh cũng mong có người thân, bạn bè đến thăm hỏi, chúc sức khỏe, nhưng đối với bệnh nhân Covid-19 thì sẽ không có một ai đến thăm ngoài các y, bác sĩ. Và khi được động viên bằng lời ca, tiếng hát có thể nói đó như là liều thuốc tinh thần để mỗi người bệnh thêm tự tin, lạc quan trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn... đeo khẩu trang thổi saxophone tại sân bệnh viện dã chiến.
Nghệ sĩ biểu diễn dưới sân bệnh viện dã chiến, những bệnh nhân trên những tầng lầu bật đèn pin điện thoại đung đưa theo điệu nhạc tạo nên một không gian ấm áp, tuy xa mà thật gần. Ảnh: Fb MC Quỳnh Hoa

Cùng chung mạch cảm xúc khi chứng kiến hình ảnh của sự hy sinh, mất mát mà dịch Covid-19 gây ra, những ngày qua, các văn nghệ sĩ không chuyên tỉnh Tiền Giang đã sáng tác nhiều án thơ văn và không ít bản nhạc trong bối cảnh này.

Nhạc sĩ Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Nhìn thấy hình ảnh các y, bác sĩ tuyến đầu căng mình chống dịch Covid-19, sự hy sinh quá lớn, tôi đã sáng tác ca khúc “Người chiến sĩ trên mặt trận tuyến đầu” như một món quà tinh thần, cổ vũ các chiến sĩ, các y, bác sĩ vượt qua mọi khó khăn để làm tốt "sứ mệnh" của mình vì an toàn sức khỏe, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Lê Văn Dũng cũng nhiều lần chia sẻ với chúng tôi, anh không kìm được nỗi xúc động khi thấy đồng bào mình khốn khó, sự hy sinh vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự lo toan hằn sâu trên đôi mắt của các nhà quản lý, lãnh đạo... Tất cả những hình ảnh ấy là chất liệu, xúc cảm để anh sáng tác nhiều bài thơ bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân đối với những người đã hy sinh thời gian, công sức thậm chí tính mạng để đổi lấy sự bình yên, sức khỏe cho cộng đồng xã hội. Có thể nói, mỗi người ở từng vị trí, ngành nghề công tác của mình đã có những hành động, cách làm khác nhau nhưng đều chung một mục đích là đẩy lùi dịch bệnh.

Mong là trong những ngày căng mình chống "giặc Covid-19" với ngổn ngang những nỗi lo toan, đan xen nhiều cảm xúc trước những cảnh tượng dịch bệnh mang lại, mỗi chúng ta khi nghe những ca khúc được các nghệ sĩ biểu diễn trong vùng dịch bằng cả trái tim sẽ luôn giữ cho bản thân tinh thần tích cực, lạc quan và truyền năng lượng đó đến mọi người để cùng vượt qua dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

GIA TUỆ

 

.
.
.