Thứ Ba, 31/08/2021, 19:30 (GMT+7)
.

Cảm xúc tháng 9!

(ABO) Mừng Quốc khánh trong những ngày giãn cách... vẫn đỏ cờ hoa dù phố phường vắng lặng, vẫn cảm xúc dạt dào dù còn lắm lo toan. Nhớ về những ngày thu của 76 năm về trước để thấy tự hào, để thêm niềm tin về một Việt Nam kiên cường trong mọi khó khăn, thử thách.

a
Hình ảnh của sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945).

1- Những ngày đầu tháng 9 luôn cho ta cảm xúc đong đầy. Không chỉ do tiết trời se sắt của những ngày chớm thu, mà tháng 9 còn là tháng của những sự kiện đáng nhớ.

Đó là thắng lợi của Cách mạng mùa thu năm 1945, là sự kiện khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước ngoặt lớn lao của dân tộc, đưa Việt Nam bước ra ánh sáng từ một nước thuộc địa lầm than, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của một Đảng cộng sản chỉ mới 15 tuổi.

Người Việt Nam không ai có thể quên được hình ảnh Quảng trường Ba Đình rợp cờ hoa và rừng người như thác đổ; nhớ giọng trầm ấm, hùng hồn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói đầy thân thương, gần gũi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không!”.

a
Hình ảnh sáng ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình sống mãi cùng với thời gian.

Đó là thời khắc đáng nhớ của dân tộc và khởi đầu cho chặng đường mới của đất nước: Hành trình của hai cuộc kháng chiến trường kỳ vì chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và xây dựng chủ nghĩa xã hội hướng tới một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 luôn cho ta cảm xúc dạt dào, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt; bởi trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chưa bao giờ đất nước có một ngày hội lớn, một cuộc mít tinh qui mô như buổi sáng ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình. Đó không chỉ là niềm tự hào, mà sự kiện ấy mãi trường tồn cùng lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc.

Tháng 9, chúng ta không thể nào không nhớ đến Người, Vị cha già dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên của Người gắn liền với hồn thiêng sông núi qua bản Tuyên ngôn Độc lập và Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây...

(Trích bài thơ “Sáng mồng Hai tháng Chín” của Tố Hữu)

Và tháng 9, lịch sử đất nước đã chứng kiến một sự trùng hợp thật diệu kỳ. Sáng ngày 2-9-1969, trời Hà Nội âm u, buồn bã như thấu nỗi lòng của người dân Việt Nam. Trong ngôi nhà 67, Bác nằm trên chiếc giường nhỏ đơn sơ, thiếp đi.

Đồng hồ chỉ 9 giờ 47 phút, trái tim nhân ái bao la, vĩ đại của Bác ngừng đập. Vĩnh biệt chúng ta, Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng, là tình cảm và niềm tin của Người đối với các thế hệ hôm nay và mai sau về một nước Việt Nam độc lập, hùng cường. Và đó cũng là nốt trầm trong mạch cảm xúc của những ngày đầu tháng 9.

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!...

(Trích bài thơ “Bác ơi!” của Tố Hữu)

2- Tháng 9-2021, chúng ta mừng Quốc khánh lần thứ 76 trong bối cảnh khá đặc biệt. Cả nước đang căng mình với đại dịch Covid-19, một cuộc chiến thật sự với giặc vô hình: Vi rút SARS-CoV-2.

Cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân đã vào cuộc; đất nước đang trong những ngày khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại các tỉnh, thành phía Nam. Nhiều địa phương đã giãn cách xã hội thời gian dài, cuộc sống người dân đang lắm khó khăn.

Trong thời điểm khó khăn này của đất nước, mới thấy rõ tinh thần Việt Nam, một Việt Nam kiên cường chung sức chung lòng, hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch.

a
Cờ hoa biểu ngữ chào mừng Quốc khánh 2-9 tại TP. Mỹ Tho, Tiền Giang (ảnh chụp chiều 31-8).  Ảnh: T.L

Rõ ràng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh, là động lực, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

Phát huy truyền thống quý báu ấy, trong trận chiến chống dịch Covid-19 hôm nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc," Đảng, Chính phủ đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

Trong giai đoạn này, mỗi ngày đều mang đến cho ta cảm xúc về những câu chuyện đẹp, về những nghĩa cử, những tấm lòng của người dân với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Đó là những hy sinh lặng thầm của các lực lượng y tế tuyến đầu, là sự quên mình canh giữ ngày đêm của lực lượng Công an, Quân đội; là những tấm lòng thơm thảo của nhiều người dân. Nhiều hành động đẹp, nhân văn cảm động đã được lan tỏa.... viết tiếp những câu chuyện về một Việt Nam nghĩa tình, nhân hậu...

Qua đại dịch, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tấm lòng, sự hy sinh cống hiến của lực lượng tuyến đầu. Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.

Cuộc chiến với dịch bệnh là cuộc chiến chưa có tiền lệ, nên ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn thái độ ứng xử là “chống dịch như chống giặc", nên luôn trong tâm thế chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh để không chủ quan, lơ là, cả ở 2 phía: Chính quyền và người dân.

Qua đó, đã huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, đến nay tình hình dịch bệnh đã có tín hiệu khả quan, đang dần được kiểm soát, nhưng khó khăn vẫn còn ở phía trước với nhiều thử thách đang chờ.

a
Và đường Hùng Vương - TP. Mỹ Tho chiều 31-8. Ảnh:  T.L

Mừng Quốc khánh trong những ngày giãn cách... vẫn đỏ cờ hoa dù phố phường vắng lặng, vẫn cảm xúc dạt dào dù có lắm lo toan. Nhớ về những ngày thu của 76 năm về trước để thấy tự hào, để thêm niềm tin về một Việt Nam kiên cường trong mọi khó khăn, thử thách.

Lịch sử đã minh chứng, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự đoàn kết một lòng của toàn dân, thì không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua, không kẻ thù nào chúng ta không chiến thắng. Và với giặc vô hình Covid-19 cũng sẽ không ngoại lệ.

D.S




 

.
.
.