Thứ Tư, 01/09/2021, 14:26 (GMT+7)
.

Câu hỏi trước ngày khai giảng

Kế hoạch cho năm học mới 2021 - 2022 đã được ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang rất căng thẳng và dạy, học trực tuyến đang là giải pháp được nhiều tỉnh, thành lựa chọn. Tiền Giang cũng không ngoại lệ.

Cụ thể hóa chủ trương này, Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch dạy học trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thời gian dạy học trực tuyến cũng đã được ấn định đối với từng khối lớp.

Tất nhiên, đây là chủ trương lớn và đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành và đích đến cho ngày tựu trường cũng đã đến rất gần.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Khác với nhiều năm, thay vì không khí hồ hởi, chờ đợi, gần đến ngày tựu trường năm nay lại đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành Giáo dục. Đây là vấn đề thực sự không dễ trả lời nhưng dư luận những ngày qua vẫn không ít râm ran.

Ai cũng biết dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trước tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng để thực hiện hiệu quả không phải là câu chuyện đơn giản.

Câu hỏi đang được đặt ra nhiều nhất trong lúc này là có bao nhiêu học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện để học trực tuyến, bao gồm hạ tầng viễn thông, máy tính hay điện thoại thông minh…

Dường như đến nay chưa có con số thống kê chính xác về vấn đề này nhưng chúng tôi dám chắc rằng, ngoại trừ khu vực đô thị, ở vùng nông thôn tỷ lệ này chắc chắn còn thấp.

Có bao nhiêu hộ dân ở vùng nông thôn đã kết nối wifi, trang bị máy tính; có bao nhiêu học sinh đang ở khu cách ly, khu điều trị bệnh… vẫn cần có thời gian để tiếp tục đánh giá, thống kê.

Chúng tôi cũng là một phụ huynh, giống như rất nhiều phụ huynh khác, đến nay cũng chưa chuẩn bị được gì cho con em mình trước ngày khai giảng đến rất gần.

Điều này do dịch bệnh, giãn cách xã hội với thời gian kéo dài, phụ huynh không thể làm gì khác hơn. Nhiều phụ huynh nói với chúng tôi rằng, đến giờ vẫn chưa mua được sách, tập vở và các dụng cụ cần thiết.

Trong khi, Tiền Giang nói chung, TP. Mỹ Tho nói riêng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian tới và chưa biết khi nào kết thúc, nên việc tiếp cận được dụng cụ học tập cho con em mình chắc cũng phải chờ thêm một thời gian dài nữa.

Nói đi cũng cần nói lại, sách mềm cũng là giải pháp hỗ trợ học trực tuyến nhưng không phải học sinh nào cũng có thể tiếp cận được.

Dạy học trực tuyến là chủ trương lớn của ngành Giáo dục. Chúng tôi không bàn luận về tính đúng sai của chủ trương này. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chúng tôi đọc mấy dòng của một giáo viên, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mới thấy những gì mà dư luận đang quan tâm trước năm học mới cũng là điều đương nhiên.

Ở cuối bài được đăng tải, giáo viên này đã viết rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ủy quyền thời điểm bắt đầu năm học mới cho các địa phương tự quyết. Điều này nảy sinh tâm lý, địa phương này sợ không theo kịp địa phương kia và sẽ có địa phương không dám lùi thời điểm khai giảng.

Trong bối cảnh năm học này, nếu Chính phủ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lùi năm học mới thêm một, hai tháng đồng bộ trên cả nước, tôi tin đa số địa phương đều ủng hộ. Tôi không muốn mở zoom lên khi lớp học vắng quá nhiều.

Bởi các em còn ở nơi cách ly, còn đang chiến đấu với bệnh tật, còn chưa vượt qua được những mất mát hay đang bận vật lộn với bữa ăn hằng ngày và không có máy móc để online. Chậm lại một chút để dìu nhau qua khó khăn có phải là điều nên làm?”.

Những gì đã và đang diễn ra đã đặt ngành Giáo dục và Đào tạo đứng trước nhiều vấn đề khó khăn. Chậm lại hay tiếp tục đi tới là câu chuyện không dễ dàng trước năm học mới đang đến rất gần.

THÁI AN

 

.
.
.