Thứ Hai, 05/10/2020, 20:16 (GMT+7)
.

Chăm sóc người cao tuổi - Cần lắm những yêu thương

Trong việc chăm sóc cho người cao tuổi (NCT), điều cần thiết nhất là yêu thương và kính trọng. Người ta thường nói, “tuổi già như là một bệnh viện, họ phải nhận đủ thứ bệnh!”. Chính vì vậy, người NCT cần được yêu thương, chăm sóc một cách hết sức đặc biệt.

Trong điều kiện thực tế đất nước còn khó khăn, hệ thống an sinh xã hội chưa đảm bảo và truyền thống văn hóa Á Đông, NCT cần được chăm chút và bảo vệ bởi chính những người thân trong gia đình của họ.

NCT cần được quan tâm từ gia đình và được chăm sóc sức khỏe tốt.
NCT cần được quan tâm từ gia đình và được chăm sóc sức khỏe tốt.

HIẾU ĐẠO PHẢI TRÒN

Làm tròn chữ hiếu với đấng song thân là truyền thống, đạo lý của con người, đặc biệt trong văn hóa Á Đông, văn hóa Việt Nam chữ hiếu luôn được đề cao. Bởi không có công lao nào to lớn bằng công lao cha mẹ. Ấy vậy mà, trong thời gian qua, đây đó xuất hiện những tình cảnh NCT bị ngược đãi, bạo hành. Đau lòng thay, người thực hiện hành vi ấy lại chính là những đứa con ruột mà các cụ đã dứt ruột sinh ra, chăm sóc, yêu thương cho đến tận ngày khôn lớn, trưởng thành.

Hành vi nhẫn tâm ấy của những đứa con bất hiếu đã bị cộng đồng lên án và pháp luật cũng đã vào cuộc xử lý. Chẳng hạn, ngày 27-4-2020 vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã xét xử vụ án vợ chồng đánh đập dã man mẹ già 88 tuổi. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) 3 năm tù giam và Phạm Thị Loan (57 tuổi, vợ của Tuấn, cùng ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) 2 năm 6 tháng tù giam, cùng về tội “hành hạ ngược đãi ông bà, cha mẹ hoặc người có công nuôi dưỡng” theo khoản 2, Điều 185 của Bộ luật Hình sự. Và gần đây, dư luận lại thêm một lần nữa dậy sóng khi xem thông tin một người phụ nữ ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhẫn tâm đánh, chửi thô bạo chính mẹ ruột của mình chỉ vì “mẹ không để lại tài sản gì”.

Trên phương diện xã hội, ngược đãi cha mẹ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng, đáng lên án. Bởi việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi ở tuổi xế chiều không chỉ liên quan về mặt đạo đức xã hội, mà còn là trách nhiệm pháp lý. Từ thực trạng NCT bị ngược đãi, vấn đề đặt ra hiện nay chúng ta cần có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng đời sống NCT, từ đó xác định được nguyên nhân và đề xuất hướng tháo gỡ.

KHÓ KHĂN CỦA NCT

NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân, làm nông nghiệp, 72,3% sống với con cháu trong khi xu hướng cấu trúc gia đình đang thay đổi. Xuất hiện tình trạng “nữ hóa dân số cao tuổi” và ở tuổi già, nữ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn nam giới. Đời sống vật chất NCT còn nhiều khó khăn với 70% không có tích lũy vật chất, trong khi đó hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chỉ có 30% NCT có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Hiện tại, nước ta chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT.

Về phương diện sức khỏe, sức khỏe NCT ở nước ta còn nhiều hạn chế, mắc nhiều bệnh và thường không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,4 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao. Gánh nặng bệnh tật kép với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính, bệnh không lây truyền; 27% khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày cần trợ giúp, trong đó vợ chồng, con cháu hỗ trợ là chủ yếu.

Thống kê cho thấy, 60% cụ bà hỗ trợ cụ ông lúc tuổi già, nhưng ngược lại chỉ có khoảng 30% cụ ông hỗ trợ cụ bà. Hiện khoảng 67,2% NCT có tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu, chỉ có khoảng 5% sức khỏe tốt. Tỷ lệ NCT nữ yếu cao hơn nam; tỷ lệ NCT ở nông thôn bị đau ốm hoặc bị chấn thương trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế còn thấp, chiếm khoảng 13,1% và chỉ bằng 1/2 so với thành thị. Hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT nước ta chưa bắt kịp với sự thay đổi và phát triển nhanh về số lượng.

Sức khỏe yếu, bệnh tật nhiều và cuộc sống khó khăn nhưng chi phí y tế cho NCT cao gấp 7 - 10 lần người trẻ. NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế. Đây thật sự là thách thức đối với vấn đề NCT hiện nay.

QUAN TÂM CHĂM SÓC NCT

Trong điều kiện già hóa dân số hiện nay, nước ta cần có sự thích ứng về chính sách và điều kiện xã hội để đáp ứng. NCT rất cần được quan tâm đến nhu cầu sức khỏe, an sinh và độc lập. Vì vậy NCT có nhu cầu tiếp tục làm việc nhằm đảm bảo tài chính, nâng cao kiến thức, vui chơi giải trí, giao tiếp xã hội và bạn bè, hòa hợp với các thế hệ và có môi trường sống thân thiện.

Để đáp ứng nhu cầu đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, tổ chức thực hiện các cuộc vận động về công tác dân số, toàn dân phát huy và chăm sóc NCT, nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật thường gặp ở NCT; vận động NCT thường xuyên luyện tập thể dục, có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý…

Chia sẻ về việc chăm sóc sức khỏe NCT, Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho rằng, lão hóa là hiện tượng tự nhiên không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, biết được những biến đổi do quá trình lão hóa và các đặc điểm của NCT sẽ giúp cho NCT tự chăm sóc mình, cũng như các thành viên trong gia đình có cách chăm sóc phù hợp, điều trị kịp thời một số bệnh mạn tính và phòng bệnh tốt hơn cho NCT. Qua đó, giúp NCT sống lâu hơn, sống vui vẻ, lạc quan với gia đình và xã hội.

MAI HÀ

.
.
.