Thứ Ba, 26/01/2021, 12:22 (GMT+7)
.

Solskjaer và Lampard "cùng con đường" nhưng khác "ngã rẽ"

(ABO) Huấn luyện viên (HLV) Ole Gunnar Solskjaer của Manchester United và HLV Lampard của Chelsea có thể được xem là có “cùng con đường” khi cả hai quay trở lại dẫn dắt chính đội bóng đã làm nên tên tuổi của họ khi còn làm cầu thủ.

Cả Solsa và Lampard cũng đều mang trên mình kỳ vọng vực dậy 2 đội bóng từng thành công vang dội trong quá khứ. Xuất phát điểm của Solskjaer và Lampard khi tiếp quản Manchester United và Chelsea là cả hai đội bóng đều đang sở hữu một tập thể rệu rã, phong độ thấp và thiếu tính gắn kết với trật tự phòng thay đồ bị đảo lộn.

Lampard cầu thủ “huyền thoại” của Chelsea trở lại sân Stamford Bridge với vai trò mới trên băng ghế huấn luyện vào tháng 7-2019. Nhưng mọi nghi ngại về “khả năng” cầm quân của Lampard được dấy lên ngay ở trận đấu đầu tiên của ông với Chelsea. Khi ấy, Chelsea đã thua Manchester United với tỷ số 0-4, một gáo nước lạnh thực sự dành cho Lampard.

Lampard đã thất bại trong việc cố gắng thay đổi Chelsea. Ảnh: Vietnamnet.vn
Lampard đã thất bại trong việc cố gắng thay đổi Chelsea. Ảnh: Vietnamnet.vn

Solskjaer tiếp quản Manchester United sau khi Mourinho bị sa thải và HLV người Na Uy đã có một chuỗi trận “trăng mật” bất bại tuyệt vời cùng với Manchester United trên mọi đấu trường. Nổi bật trong đó là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước Paris Saint German ở  Champions League.

So về kinh nghiệm huấn luyện, Lampard có thời gian cầm quân ít hơn HLV người Na Uy khi ông chỉ dẫn dắt Derby County trước khi chuyển đến London. Còn Solskjaer từng kinh qua nhiều đội bóng như Molde, Cardiff City, U19 Clausenengen… Solsa khởi đầu sự nghiệp của mình ở Đội dự bị Manchester United từ năm 2008 - 2011 nên xét về độ am hiểu đội bóng của mình thì HLV người  Na Uy được đánh giá  nhỉnh hơn.

Lampard cũng hiểu Chelsea nhưng những hiểu biết của ông là khi còn là cầu thủ. Chelsea hiện tại đã khác trước rất nhiều, The Blues đã không còn ngoan cường, lì lợm như thời còn Mourinho, Drogba và cả Lampard. Chelsea sau thời của HLV Sarri đã trở nên rệu rã hơn bao giờ hết.

Lampard dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ để vực dậy Chelsea. Đặc biệt, việc lặp lại trật tự phòng thay đồ của Chelsea sau thời của HLV Sarri của HLV người Anh đã không thành công.

Solsa thành công nhờ vào chính truyền thống cua Manchester United. Ảnh: Vietnamnet.vn
Solsa thành công nhờ vào chính truyền thống của Manchester United. Ảnh: Vietnamnet.vn

Cách gầy dựng lối chơi của Solskjaer và Lampard cũng khá khác nhau. Solsa xây dựng Manchester United dựa trên “nguồn lực” sẵn có và tính toán trong việc chuyển nhượng đúng với truyền thống của đội. Điều đó đã tạo nên một Manchester United gắn kết như ở thời điểm hiện tại khi không có cầu thủ nào lớn hơn đội bóng. Cùng với đó, sự trầm tĩnh nhưng đầy quyết liệt của Solsa đã giúp ông ổn định phòng thay đồ của “quỷ đỏ” ngay cả những “ngựa chứng” như Pogba hiện tại cũng đang tỏ ra rất tích cực vì đội bóng

Về phía Lampard, HLV người Anh đã có một mùa hè chi mạnh tay đến 200 triệu bảng Anh để mang về các cầu thủ. Tuy nhiên, việc không thể liên kết những cầu thủ mới với các cầu thủ cũ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ra đi của Lampard.

Nói chung, HLV Ole Gunnar Solskjaer xây dựng Manchester United dựa trên truyền thống của đội mà chính ông là người nắm rõ cách nó vận hành. HLV Lampard thì đã “thất bại” trong việc cố gắng cải tổ và tìm cách thay đổi Chelsea để đưa đội bóng London trở lại thời hoàng kim. Dù “chung một con đường” nhưng việc lựa chọn hai “ngã rẽ” khác nhau đã đưa Solskjaer và Lampard đến hai kết quả khác nhau. Solsa đang cùng Manchester United dẫn đầu bảng xếp hạng Premier League còn Lampard thì phải rời Chelsea sau chuỗi thành tích tệ hại.

  CAO THẮNG

 

.
.
.