Thứ Hai, 16/05/2022, 10:37 (GMT+7)
.

Đằng sau những tấm Huy chương Vàng…

Những tấm Huy chương Vàng (HCV) mà các vận động viên (VĐV) đạt được là kết quả của sự khổ luyện và thi đấu xuất sắc. Dù vậy, những tấm HCV không phải là mục tiêu duy nhất, mà đằng sau đó còn nhiều mục tiêu, ý nghĩa sâu sắc hơn.

VINH QUANG CHO TỔ QUỐC

Tính đến tối 14-5, Đoàn Thể thao Việt Nam đã đoạt được tổng cộng 39 Huy chương Vàng (HCV); trong đó, nhiều bộ môn trở thành “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam trong những ngày thi đấu vừa qua. Kurash là bộ môn mang về cho Đoàn Thể thao Việt Nam 7 HCV/8 nội dung thi đấu.

VĐV Nguyễn Thị Oanh (bên trái) đoạt cú đúp HCV ở nội dung 1.500 m và 5.000 m bộ môn Điền kinh.
VĐV Nguyễn Thị Oanh (bên trái) đoạt cú đúp HCV ở nội dung 1.500 m và 5.000 m bộ môn Điền kinh.

Đội tuyển Kurash Việt Nam đã bảo vệ thành công thành tích của mình ở SEA Games 30 cách đây 3 năm tại Philippines. Cùng với đó, bộ môn Rowing cũng đã có một kỳ đại hội thành công khi đoạt đến 8 HCV. Thành tích này cho thấy sự đầu tư đúng mức, hiệu quả của thể thao Việt Nam để đạt thành tích hàng đầu Đông Nam Á đối với môn thể thao Olympic này.

Những ngày thi đấu vừa qua, khán đài của các nhà thi đấu ghi nhận sự tham gia cổ vũ nhiệt tình của các VĐV đến từ TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhiều cổ động viên đến từ rất sớm trước giờ thi đấu để cổ vũ cho các VĐV Việt Nam. Bạn Nguyễn Minh Nam, cổ động viên đến từ tỉnh Vĩnh Phúc để cổ vũ cho Đội Bóng rổ 3x3 Việt Nam chia sẻ: “Em đã chuẩn bị từ 5 giờ sáng và di chuyển đến Nhà thi đấu Thanh Trì (TP. Hà Nội) để cổ vũ cho các VĐV Việt Nam thi đấu chung kết”.

Nhiều cổ động viên lớn tuổi cũng tranh thủ thời gian đến cổ vũ và tham gia vào không khí thể thao sôi động. Ông Lê Văn Khá (TP. Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi đã được theo dõi trực tiếp các VĐV thi đấu SEA Games 23. Lần này, SEA Games trở lại với thủ đô sau 19 năm nên tôi vẫn cố gắng đến để cổ vũ các VĐV thi đấu”.

Sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên trong những ngày qua đã góp phần cổ vũ tinh thần để các VĐV thi đấu đạt thành tích cao.

Trong những ngày thi đấu vừa qua, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã có nhiều VĐV mang vinh quang về cho Tổ quốc khi đoạt nhiều HCV. Những gương mặt tiêu biểu của thể thao những ngày qua phải nói đến là Dương Thúy Vi với 2 HCV ở bộ môn Wushu; VĐV Nguyễn Thị Oanh 2 HCV ở nội dung 1.500 m và 5.000 m nữ của bộ môn Điền kinh; các VĐV Lường Thị Thảo, Phạm Thị Thảo, Nguyễn Thị Giang… đóng góp trong hầu hết 8 tấm HCV của Đội Rowing Việt Nam.

Đông đảo khán giả đến cổ vũ cho các VĐV Việt Nam ở Nhà thi đấu Thanh Trì (TP. Hà Nội).
Đông đảo khán giả đến cổ vũ cho các VĐV Việt Nam ở Nhà thi đấu Thanh Trì (TP. Hà Nội).

SEA Games 31 lần này cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của những VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam như Vũ Thành An (Đấu kiếm), Phạm Văn Mách (Thể hình). Chúng ta có thể phần nào hiểu được cảm xúc vỡ òa của VĐV Vũ Thành An khi giành HCV ở nội dung kiếm chém 3 cạnh. Đây là lần đầu tiên sau 13 năm, Vũ Thành An lại đứng trên bục cao nhất ở một kỳ SEA Games.

Trước đó, Vũ Thành An là VĐV giàu thành tích ở đấu trường khu vực khi đã đoạt được 5 HCV ở các kỳ SEA Games 2015, 2017, 2019. Còn Phạm Văn Mách cũng đã có sự trở lại ấn tượng với tấm HCV thể hình ở hạng cân 55 kg. VĐV 46 tuổi này đã trở lại đấu trường SEA Games sau hơn 11 năm vắng mặt. Phạm Văn Mách cũng là VĐV hiếm hoi đã từng thi đấu ở SEA Games 2003 vẫn còn thi đấu ở kỳ SEA Games lần này. Theo chia sẻ của Phạm Văn Mách, anh đã nỗ lực tập luyện với cường độ cao để hướng đến mục tiêu cao nhất là mang vinh quang về cho Tổ quốc.

HƯỚNG VỀ GIA ĐÌNH

Những ngày qua, bên cạnh niềm tự hào về những tấm HCV, chúng ta còn thấy được nhiều câu chuyện xúc động về tình cảm hướng về gia đình của các VĐV. Các VĐV khi thi đấu bên cạnh mục tiêu hàng đầu là mang về vinh quang cho Tổ quốc thì còn thi đấu với niềm tự hào và tình cảm hướng về gia đình.

Câu chuyện của VĐV Tô Thị Trang mang tấm HCV đến thăm người cha bị bệnh nặng của mình đã khiến nhiều người xúc động. Khi giành chiến thắng ở hạng cân 48 kg bộ môn Kurash, Trang đã khóc rất nhiều, đó không chỉ là giọt nước mắt của niềm vui chiến thắng, mà còn là giọt nước mắt của hạnh phúc khi đã có được món quà ý nghĩa tặng cha trước lúc ra đi. Hình ảnh Tô Thị Trang mang HCV đến thăm cha đang hôn mê tại bệnh viện khi vẫn còn mang nguyên trang phục thi đấu sẽ là một trong những hình ảnh ấn tượng và gây xúc động ở SEA Games 31 lần này.

VĐV Phạm Thanh Bảo đoạt HCV và phá kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi ếch của bộ môn Bơi lội.
VĐV Phạm Thanh Bảo đoạt HCV và phá kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi ếch của bộ môn Bơi lội.

Đối với một số VĐV, việc tập luyện, thi đấu để đạt thành tích còn là cách để phụ giúp gia đình vượt qua khó khăn. Các khán giả ở Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình (TP. Hà Nội) vào ngày 14-5 đã được chứng kiến một sự nỗ lực như thế. VĐV bơi lội Phạm Thanh Bảo đã xuất sắc đánh bại đối thủ rất mạnh là Wei Ang của Singapore ở nội dung 100 m bơi ếch để đoạt tấm HCV với thành tích 1 phút 1 giây 17, đồng thời phá kỷ lục SEA Games.

Bảo là người con của tỉnh Bến Tre trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi cha, mẹ đều đi làm thuê để mưu sinh qua ngày. Phát biểu sau khi giành chiến thắng, Phạm Thanh Bảo với tính cách chân thành, chất phác của người miền Tây đã nói rằng, anh đến thể thao với lý do vì gia đình trước tiên. VĐV sinh năm 2001 này mong qua thể thao sẽ giúp cuộc sống sau này sẽ tốt hơn.

Những chiếc HCV là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, thi đấu gian khổ của các VĐV. Những kết quả, ý nghĩa đạt được đằng sau những tấm HCV của các VĐV còn nhiều hơn thế.

CAO THẮNG

.
.
.