Thứ Sáu, 21/12/2012, 10:48 (GMT+7)
.

Mở cửa hầm bí mật dưới Hoàng thành Thăng Long

Căn hầm được xây dựng kiên cố trong Hoàng thành Thăng Long có thể chống được sức công phá của bom tấn và bom nguyên tử. Cửa hầm bằng thép tấm có thể chống được sức ép nguyên tử và tia phóng xạ.

Phòng Trực ban tác chiến trong hầm rộng 34 m2, nơi tập trung hệ thống trang thiết bị máy móc, bộ đàm, sa bàn...phục vụ cho công tác chi huy tác chiến.Ảnh: Bá Đô
Phòng Trực ban tác chiến trong hầm, nơi tập trung hệ thống trang thiết bị máy móc, bộ đàm, sa bàn... phục vụ chỉ huy tác chiến. Ảnh: Bá Đô

Sáng 20-12, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long đã mở cửa hầm chỉ huy tác chiến nằm bên dưới tòa nhà Cục tác chiến trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long.

Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Sơn, cơ quan này đã tu bổ, chỉnh trang và sưu tầm nhiều hiện vật, tư liệu để trưng bày phục vụ người dân tham quan sau nhiều năm hầm bị đóng cửa.

Hầm được xây dựng vào những ngày đầu Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc cuối năm 1964, do Trung đoàn 259 - Cục Công binh thiết kế và thi công. Hầm rộng 64m2, được đúc bằng bê tông cốt thép và chia làm 3 lớp. Lớp giữa đổ cát dày nửa mét chống được sức công phá của bom tấn, tên lửa, bom nguyên tử và vũ khí hóa học. Trong hầm có hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ...

Hầm có 3 phòng, lớn nhất là phòng trực ban rộng 34m2. Đây là nơi làm việc liên tục của kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu đảm nhiệm, có nhiệm vụ trực tiếp trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Chủ tịch gọi hỏi; theo dõi tình hình chiến sự toàn chiến trường miền Bắc cũng như chiến trường Đông Dương; đề xuất với Bộ Tổng tham mưu các phương án tác chiến...

Hai phòng còn lại là phòng đặt trang thiết bị, động cơ (rộng 10m2) gần cửa hầm ở hướng nam và phòng giao ban tác chiến (rộng 20m2) gần cửa hầm phía đông. Dưới hầm còn lưu lại khá nhiều hiện vật, như: bàn làm việc của Bộ Tổng tham mưu, bản tiêu đồ khổ lớn để định hướng máy bay địch, những bộ điện đàm, điện thoại nối với Phủ Chủ tịch, bảng thông báo tình hình máy bay địch...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, kể ông đã làm việc tại đây hơn 10 năm. Khi đó hầm là một bộ phận trọng yếu của tổng hành dinh bao gồm cả hầm D67 là nơi làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi có chiến sự, toàn bộ lãnh đạo quân đội cũng như Bộ Chính trị cùng xuống hầm họp bàn và đưa ra các chỉ đạo tác chiến toàn quân.

Bàn làm việc gồm điện thoại, cặp da...được các đồng chí trong Bộ Quốc Phòng, Quân Ủy trung ương...sử dụng trong quá trình kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 - 1975. Ảnh: Bá Đô
Bàn làm việc được các đồng chí trong Bộ Quốc phòng, Quân ủy trung ương... sử dụng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 - 1975. Ảnh: Bá Đô

Trong những ngày máy bay B52 bắn phá, hầm chỉ huy tác chiến liên tục có nhiều lãnh đạo đến họp bàn. Như sáng 19-12-1972, Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Lê Duẩn đã trực tiếp điều hành cuộc họp trong hầm cùng với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng quyết định cho trận chiến trên bầu trời Hà Nội.

"Hầm tác chiến mở cửa sẽ giúp mọi người hiểu rõ chặng đường chống Mỹ của quân đội ta, nhất là những tháng ngày chiến đấu với B52 trên bầu trời Hà Nội", ông Minh bày tỏ.

Tại buổi mở cửa hầm chỉ huy tác chiến, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho biết khi xuống dưới hầm, bà cảm giác như thấy lại một thời kỳ lịch sử, tái hiện thời kỳ đấu tranh anh dũng và chiến thắng của quân đội, nhân dân Việt Nam. Căn hầm này cũng được bảo tồn nguyên vẹn theo đúng định hướng của UNESCO về bảo tồn di sản.

(Theo vnexpress)

.
.
.