Thứ Hai, 02/04/2018, 11:50 (GMT+7)
.

Sơn "biển số" và chuyện nghề của nhóm trẻ bụi đời

Người dân Mỹ Tho thường gọi anh Nguyễn Văn Sơn với cái tên thân mật là Sơn “biển số”, bởi anh đã dùng nghệ thuật múa lân - sư - rồng (gọi tắt là múa lân) làm thay đổi cuộc đời cho gần 30 đứa trẻ bụi đời...

TỪ MỘT TẤM LÒNG

Chỉ mất vài chục phút chúng tôi đã tìm được địa điểm tập dượt, ăn ở của nhóm trẻ bụi đời tại cầu Bà Ngọt (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho). Đây là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn của hàng chục đứa trẻ có hoàn cảnh cơ nhỡ, bụi đời. Tiếp chúng tôi là vợ chồng anh Sơn, chị Lê Nguyệt Hằng đã bước qua tuổi ngũ tuần. Anh, chị tỏ ra cởi mở khi kể về công việc và cuộc đời mình.

Sau khi nghỉ học, lập gia đình khoảng năm 1980, anh Sơn theo nghề dập biển số xe, từ đó trở thành cái nghề chính nuôi sống gia đình. Những tưởng cái nghề ấy sẽ đi suốt cuộc đời mình, không ngờ đứa con trai út của anh là Nguyễn Văn Đạt (Hu Gô) mới 4 - 5 tuổi nhưng rất mê múa lân.

Anh đã mua cho con cái đầu lân để múa trước nhà (số 2E, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 1, TP. Mỹ Tho). Từ đó, các đứa trẻ cơ nhỡ, bụi đời, có cả các em bán vé số xin gia nhập nhóm múa lân nhí. Có hôm vì mê múa lân có em đến chiều vẫn chưa bán được tờ vé số nào, anh Sơn phải bảo con đi bán giúp...

Từ đó, anh Sơn luôn thôi thúc một điều “phải làm cái gì đó để giúp những đứa trẻ mồ côi, xóa đi mặc cảm, ký ức ám ảnh tuổi thơ để xây dựng cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Xuất phát từ ý nghĩ đó, năm 2009 anh Sơn đã mạnh dạn xây dựng đội lân cho những trẻ mồ côi tham gia, vừa vui chơi, vừa có cái nghề, với tâm niệm: “Để các em có hoàn cảnh cơ nhỡ, mồ côi được sống cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác”. Ý định là vậy, nhưng khi thực hiện thì khó khăn vô cùng!...

ĐẾN TẠO NGHỀ CHO TRẺ MỒ CÔI

Lúc đầu, đội lân tập dượt tại vỉa hè trước nhà của anh nhưng gặp không ít khó khăn, phiền toái, một số người ở gần nhà phản đối vì tiếng ồn của trống lân. Do đó, muốn duy trì và phát triển đội lân phải có khu đất rộng rãi, nhưng biết lấy đâu ra tiền.

Được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là vợ, anh có thêm động lực và quyết tâm thực hiện. Vượt qua bao khó khăn, đến năm 2010 anh mới chính thức thành lập được đội lân và đặt tên là Đạt Anh Đường với bao kỳ vọng tốt đẹp.

Thành viên của đội lân, mỗi em một hoàn cảnh như: Em Nguyễn Minh Đằng (ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho) đến với đội lân lúc 8 tuổi, đến nay đã 18 tuổi. Cha, mẹ ly dị và bỏ đi từ lúc còn nhỏ nên em không được học hành, sống lang thang đường phố.

Hay em Nguyễn Minh Tiến 14 tuổi, cha bệnh chết, còn mẹ hằng ngày phải đi buôn bán dạo kiếm sống nên không được học hành, thường đi trộm cắp. Còn em Lê Trọng Nhân (14 tuổi, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho) có hoàn cảnh éo le không kém. Cha bỏ đi lúc em còn nhỏ, mẹ phải ở nhà trọ, hằng ngày đi phụ bán cháo cho người hàng xóm ở khu Giếng Nước để sống qua ngày, em không có tiền để đi học, sống lang thang đường phố...

Còn rất nhiều em nữa trong đội có hoàn cảnh tương tự như vậy. Thật ra, ban đầu đội lân của anh Sơn chủ yếu chỉ nhận nuôi dưỡng, dạy nghề các em cơ nhỡ, bụi đời, bỏ học (khoảng trên dưới 10 em). Sau đó, các em tự nguyện đến gia nhập nhóm càng đông. Hiện nay, đội lân của anh Sơn đang nuôi dưỡng, dạy nghề cho 28 em ở tất cả độ tuổi, trong đó có 8 em đã trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định.

Đội lân thành lập được một thời gian, ngày càng nhận được nhiều sự tham gia, ủng hộ của mọi người, nhất là gia đình của các em. Anh Sơn đã liên kết với nhóm lân nổi tiếng Tùng Anh (quận 5, TP. Hồ Chí Minh) hướng dẫn kỹ thuật, còn anh tổ chức quản lý, nuôi dạy và rèn luyện cho các em ý thức tự giác cao.

Để có chỗ tập dượt và ăn nghỉ đàng hoàng, anh Sơn bàn với vợ đầu tư gần 1 tỷ đồng mua đất xây nhà tập và dụng cụ học tại ấp Long Bình A, xã Đạo Thạnh, bằng nguồn vốn tích lũy của gia đình và vay mượn bạn bè... 

Anh Minh, cán bộ thiết kế công trình giao thông thuộc Sở Giao thông - Vận tải Tiền Giang (bạn anh Sơn) chia sẻ: “Chưa có người nào tốt bụng và hết mình như anh Sơn, dám bỏ tiền túi ra hàng mấy trăm triệu đồng đầu tư dạy nghề nuôi dưỡng, giáo dục hàng chục đứa trẻ bụi đời trở thành thanh, thiếu niên tốt, mà không có vụ lợi cá nhân nào khác!...”

Khi nói về trình độ Đội lân Đạt Anh Đường, anh Sơn hồ hởi: “Từ ngày thành lập đến nay, Đội lân Đạt Anh Đường ngày càng nhận nhiều hợp đồng phục vụ cho các lễ khai trương, khởi công, khánh thành, liên hoan, lễ, tết của các công ty, nhà hàng, chùa, ngân hàng và các lễ hội... Các em trong đội có thể thực hiện một cách điêu luyện và hoàn hảo các màn múa từ dễ đến phức tạp, thậm chí còn mạo hiểm và có tính chất thi đấu cạnh tranh cao như: Mai hoa thung, lân leo cột”.

Nghệ thuật múa lân khó, cực và nguy hiểm là vậy, nhưng chế độ bồi dưỡng cho các em như thế nào? Chị Lê Nguyệt Hằng (phụ trách hậu cần) chen vào: “Tùy theo giá trị hợp đồng mỗi sô biểu diễn, nhưng tính trung bình các em múa chính 200.000 đồng/em, múa phụ 100.000 đồng/em.

Ngoài ra, mỗi ngày mỗi em còn được chi 20.000 đồng ăn sáng; có khi múa phục vụ, khán giả cho tiền, vợ chồng tôi chi hết cho các em. Những ngày không biểu diễn, chúng tôi vẫn bảo đảm cho các em 3 bữa ăn.

Riêng những em đã trưởng thành, vợ chồng tôi còn tạo điều kiện cho các em đi làm biển số xe ở các huyện, thu nhập mỗi em khoảng 4 triệu đồng/tháng”. Ngoài ra, anh Sơn còn xây dựng sân bóng đá mini (cỏ nhân tạo) và tổ chức bơi lội tại địa điểm trên để vừa giúp tăng thêm thể lực và tạo sân chơi cho các em vào những giờ nghỉ tập.

Khi được hỏi về những dự định cho tương lai của các em, anh Sơn và chị Hằng chia sẻ: “Tâm nguyện của vợ chồng tôi là mong muốn các cháu ở đội lân không chỉ được nuôi dưỡng, mà còn có công ăn việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân”. Bởi vợ chồng anh không thể giúp đỡ các em mãi được, cần phải có mạnh thường quân hoặc các tổ chức từ thiện đứng ra chung tay giúp đỡ các em mồ côi, cơ nhỡ nơi đây.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.