Thứ Hai, 08/02/2021, 11:11 (GMT+7)
.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, hình ảnh con trâu được nhắc đến rất nhiều, từ cung mệnh tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ, tính cách con người, giao tiếp xã hội... Trâu là con vật gắn liền với sản xuất nông nghiệp, gần gũi với nông gia như hình với bóng. Ngày xưa, khi chưa cơ giới hóa ruộng đồng, nhà nông xây dựng cơ nghiệp của mình bắt đầu từ việc sắm trâu: Mua trâu, cưới vợ, cất nhà / Trong ba việc ấy thiệt là khó thay.

CON TRÂU ĐI TRƯỚC, CHIẾC CÀY THEO SAU

Cày đất là công việc đầu tiên của mùa vụ, đồng thời cũng là công việc nặng nhọc nhất mà trâu phải gánh lấy. Chiếc cày của nông dân Nam bộ vốn là cây cày chìa vôi ở Đồng bằng sông Hồng đã được cải tiến, thích nghi với đồng ruộng sình lầy, phổ biến là hai loại cày đõi và cày bắp. 

Cày đõi thường làm bằng gỗ mù u cứng chắc. Lưỡi cày bằng sắt, giữa thân cày có một cái bắp hình lưng thỏ. Các con bang (chốt), cây náng có chức năng nêm cứng các bộ phận với nhau. Vùng sông Tiền hầu hết đất sình lầy nên phải dùng hai con trâu kéo, trên cổ trâu phải dùng ách đôi, dính liền cái vòi đàn với cây đõi và dây đõi, dây nài, dây ống. Cây đõi tuy đơn sơ nhưng chức năng quan trọng là điều chỉnh thăng bằng khi cày, giúp cho trâu vượt qua những chỗ đất lầy lội.

Minh họa: LD
Minh họa: LD

Cày bắp còn gọi là cày chét (chét là cái nhánh), nguyên thủy là cây cày của người Khơ-me, gọi là cày mên. Năm 1930, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thấy cây cày này được triển lãm tại Sài Gòn trong Hội chợ các xứ thuộc địa, họ tìm cách cải tiến cho phù hợp với đồng ruộng của mình, quan trọng là thiết kế cái bắp dài và bản cày to để không bị lún sình, thêm cái vòi đàn nhọn hoắc dùng để khuất phục những cặp trâu khỏe và hung hãn. Cày bắp nguyên thủy không có cây náng, sau cải tiến thêm một cây náng xuyên qua bắp cày, kềm chắc chắn. Tuy nhiên cày bắp không có cây đõi nên khó điều chỉnh đường cày theo ý muốn.

Người thợ đẽo cày phải đục thêm lỗ mộng trên thân cày và một con bang chêm vào lỗ mộng. Vì vậy, khi đi cày, người cầm cày phải đem theo cái búa, nếu gặp chỗ đất gồ ghề hay đất cứng, muốn xới sâu thì dùng búa tháo con bang nêm lỗ mộng trên cho lưỡi cày ăn xuống; ngược lại, khi gặp đất sình thì tháo con bang mộng dưới cho lưỡi cày ăn lên…

Đất cày xong thì nhà nông tiến hành bừa xới bề mặt cho đất nhão mịn. Bừa có hai phần: Giữa thân bừa phình to được đục 2 lỗ mộng để cắm gọng tre, đuôi gọng gắn con sẻ/chốt. Răng bừa được làm bằng loại tre gai cứng. Tùy theo thửa ruộng mà người ta tính số răng bừa. Nếu đất lầy, gắn đến 10 răng thì trâu sẽ kéo không nổi, cho nên có câu “Chín răng trâu cười, mười răng trâu khóc”.  Sau khi bừa xong, nhà nông cho nước vào ruộng ngâm đất. Ở ruộng sâu có thể trục nhiều bận cho cỏ mục thành phân bón ruộng. 

Trên đồng ruộng bùn lầy việc cày, bừa, trục... phải dùng một đôi trâu mới kéo nổi. Vì vậy nhà nông thiết kế phần đuôi gọng bừa hay trục có gắn con sẻ làm chốt. Từ chốt sẻ này người ta buộc sợi dây nài vòng qua đôi ách đặt trên cổ hai con trâu, thêm một sợi dây ống buộc cứng cổ hai con trâu vào ách. Câu tục ngữ “vặn nài bẻ ống” có gốc tích từ đấy.

Vào mùa cày cấy, từ sáng tinh mơ đã nghe bác nông dân hò hét “ví - thá” om sòm ngoài đồng. Ví là vào, thá là ra. Trâu của nông dân Nam bộ khi cày bừa thường được huấn luyện theo “vọng ví” đi nghịch chiều kim đồng hồ. Hai tiếng ấy là của những bác nông dân điều khiển đường cày theo ý muốn. 

Ngoài việc kéo cày, bừa trục đất, trâu còn giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển. Lúa đập xong thì vô bao bố chất lên cộ cho trâu kéo về sân phơi. Ở những mảnh ruộng sâu, ngập nước, người ta không đập bồ tại ruộng được thì cho trâu cộ lúa bông về đạp. Mớ lúa được xếp thành “bã” tròn, dựng đứng bông, sau đó điều khiển trâu đi vòng tròn theo “vọng ví”, đạp lên các bã lúa. Qua nhiều vòng thì mở các bó lúa ra rãi đều trên sân cho trâu đạp tiếp đến khi chỉ còn rơm. Xong cho trâu nghỉ ngơi, dùng mõ sãi giũ và vít rơm ra ngoài, lấy trạc và trang cào lúa ra phơi. 

Ngoài ra, nông dân còn dùng trâu để chuyển mạ. Xưa nông dân Tiền Giang hầu hết cấy lúa mùa. Mạ lúa mùa thân cao nên bó mạ thường to và nặng. Muốn đem hàng trăm bó mạ rải đều cho công cấy, người ta phải dùng cái mong (ván mạ) mắc vào ách cho hai con trâu kéo.  

Trâu là phương tiện chính nên xóm nào cũng có bờ cộ. Đi thăm đồng cũng cỡi trâu; vô xóm thăm bạn bè, người thân cũng cỡi trâu. Vào thuở xóm làng còn vắng vẻ, hoang vu, nhiều rắn độc, ngồi trên lưng trâu cảm thấy vững bụng hơn. Thời Pháp thuộc, trâu cũng phải đóng thuế và được cấp giấy chủ quyền, gọi là bài chỉ trâu.

AI BẢO CHĂN TRÂU LÀ KHỔ?

Trước năm 1945, những hộ có từ 10 mẫu ruộng phải nuôi đến 10 đôi trâu mới lo nổi việc cày bừa và vận chuyển. Với số lượng đó, người ta phải thuê đội ngũ chăn dắt từ 5 đến 7 mục đồng. Dân gian cho rằng, mục đồng là con cháu của Thần Nông nên ma quỷ, cô hồn đều phải kiêng dè, nghe lệnh. Người ta cúng tam tai, cô hồn bày lễ vật ra ngã ba đường, cúng xong rồi bỏ, chăn trâu cũng lấy ăn được.

Trong lễ cúng “tống ôn tống gió”, thủ vĩ, gà luộc, bánh trái đặt lên bè chuối thả trôi sông. Trẻ mục đồng chỉ cần ngoắt một cái là chiếc bè tự nhiên cập vô bờ cho chúng đem lên mà chén. Quan niệm ấy cũng trở thành truyền thuyết giải thích sự ra đời của những ngôi chùa Mục đồng do trẻ chăn trâu nắn Phật lập nên thời khai hoang lập ấp.

Ngày tết cổ truyền, vào sáng mồng ba, những người nuôi trâu ngày xưa có tục “tết trâu” rất đặc biệt. Đầu tiên họ dọn một mâm lễ vật cúng ra mắt Ông Chuồng, Bà Chuồng (tức Thần Chuồng Trại), lễ vật gồm hương hoa, trầu rượu, một con gà luộc, cháo...; đặc biệt phải có bánh chưng Nam bộ - loại bánh gói lá chuối làm bằng gạo nếp ngâm nước tro, trong suốt màu hổ phách.

Cúng xong, người chủ chúc tết đám trâu trong chuồng bằng cách lấy giấy đỏ dán lên đôi sừng của chúng. Sau đó họ cho con trâu đực nhấm ly rượu, con trâu cái chén trà và thêm vài bó cỏ non xanh như phần thưởng đầu năm mới. Xong lễ, người chủ gọi đứa trẻ chăn trâu tới tặng cho một bộ quần áo mới kèm một bao “lì xì”.

NGUYỄN NGỌC PHAN

.
.
.