Thứ Bảy, 16/05/2015, 09:20 (GMT+7)
.

Bạo lực học đường - nhìn từ phía nhà trường

Qua khảo sát thực tế các vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây là do một số nguyên nhân sau: Do chính bản thân học sinh không tự rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách; do gia đình không quan tâm giáo dục con cái; do ảnh hưởng thói hư tật xấu của xã hội; do ảnh hưởng của các trò chơi bạo lực trên mạng, trên phim ảnh; do sự giáo dục chưa có hiệu quả cao của nhà trường và đoàn thể… Trong bài viết ngắn này chỉ đề cập đến trách nhiệm của nhà trường - nơi trực tiếp làm nhiệm vụ giáo dục học sinh.

Phải khẳng định rằng, chương trình giáo dục của nhà trường ngày càng hoàn thiện theo mục tiêu giáo dục toàn diện. Nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh không thiếu, thời lượng để thực hiện vấn đề này cũng không phải là ít. Ngoài chương trình chính khóa, hàng chục năm nay, cứ đến đầu năm học, năm nào Sở GD&ĐT cũng có văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung công tác phòng chống tội phạm, giáo dục pháp luật, xây dựng đơn vị đạt chuẩn văn hóa...

Những năm gần đây còn phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Sở còn phối hợp khá chặt chẽ với ngành Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trường học… Thế nhưng, sự quan tâm đầu tư trí tuệ, công sức, kinh phí của lãnh đạo các trường, của giáo viên (nhất là các giáo viên chủ nhiệm lớp) để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh quả thực chưa được nhiều.

Tình hình trên, một phần là do áp lực quá nặng nề từ cấp trên, từ xã hội, từ cha mẹ học sinh đối với chất lượng giảng dạy văn hóa của nhà trường. Trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển giáo dục, ở cấp nào cũng vậy, bao giờ cũng đặt vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh lên hàng đầu, nhưng đến lúc tổng kết, hầu như không cấp nào đả động gì đến kết quả giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh, mà chỉ xem cuối năm học sinh tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm, được bao nhiêu học sinh giỏi.

Khi khen thưởng cũng vậy, các cấp chỉ chú trọng khen thưởng học sinh giỏi các môn văn hóa, chứ chưa chú ý đúng mức khen thưởng những học sinh có đạo đức, có nhân cách sống tốt đẹp. Ngay giáo viên cũng vậy, đào tạo được nhiều học sinh giỏi các môn văn hóa thì được khen thưởng, còn những người dày công giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì ít được xét khen thưởng. Mặt khác, trong việc đầu tư ngân sách, cấp nào cũng sẵn sàng bỏ kinh phí vào việc bồi dưỡng học sinh giỏi, nhưng đã mấy nơi chịu chi tiền cho học sinh đi tham quan di tích lịch sử, di tích văn hóa…

Có trường lo tiết kiệm chỗ này, bớt chỗ kia để lấy tiền chi vào các hoạt động tham quan có khi lại bị cơ quan chức năng đòi xuất toán vì cho đó là chi cho việc vui chơi, không vì mục đích học tập. Rồi học sinh hư, trên diễn đàn các hội nghị đã mấy khi người ta chất vấn lãnh đạo nhà trường. Nhưng nếu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thấp, người quản lý giáo dục không những bị chất vấn gay gắt mà còn bị phê bình, khiển trách và không khỏi ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại cuối năm.

Với áp lực như vậy, lãnh đạo nhà trường và giáo viên luôn để tâm đến việc dạy và học các môn văn hóa là điều dễ hiểu. Nhưng cũng phải thắng thắn mà nói rằng, không ít cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình là phải giáo dục đạo đức, rèn luyện nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên đã không quan tâm đúng mức đến các hoạt động phục vụ cho nhiệm vụ này.

Tình trạng chung của giáo viên hiện nay là chạy theo áp lực của cấp trên, của xã hội, lo sao cho các tiết dạy của mình có chất lượng về mặt nội dung kiến thức là được, còn nội dung ấy có đi vào cuộc sống hay không thì không cần biết.

Đã đến lúc các đoàn thể và chính quyền cơ sở, địa phương phải vào cuộc thực sự, không nên khoán trắng việc giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống của học sinh cho nhà trường, cho ngành Giáo dục.

Mặt khác, điều quan trọng nhất đối với nhà trường là phải thay đổi nhận thức từ lãnh đạo cho tới giáo viên để mọi người cùng chung tay làm tốt công tác giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho các em. Không thể thay đổi nhận thức bằng việc hô hào chung chung, mà phải bằng cơ chế cụ thể.   

CHÂU HẢO

.
.
.