Thứ Tư, 20/04/2016, 14:37 (GMT+7)
.

Phục vụ cho đời là hạnh phúc của người có đạo

Lịch sử Phật giáo TP. Mỹ Tho đã gắn liền với lịch sử của đô thị Mỹ Tho từ những ngày đầu mở cõi. Trải qua hơn 300 năm dài với bao biến cố thăng trầm của xã hội, Phật giáo TP. Mỹ Tho luôn đồng hành cùng dân tộc. Hiện nay với phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào Phật giáo thành phố đã hòa nhập cùng cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động lớn ở khu dân cư mang lại lợi ích cho xã hội.

 Trường Mầm non bán trú dân lập Tịnh Nghiêm đi vào hoạt động 10 năm qua, mỗi năm trường  giúp nuôi dạy miễn phí trên 250 trẻ em con các gia đình khó khăn.
Trường Mầm non bán trú dân lập Tịnh Nghiêm đi vào hoạt động 10 năm qua, mỗi năm trường giúp nuôi dạy miễn phí trên 250 trẻ em con các gia đình khó khăn.

SỰ LỚN MẠNH CỦA LÒNG TỪ BI

TP. Mỹ Tho hiện có khoảng 250 vị tăng, ni đang tu tập tại 54 cơ sở thờ tự Phật giáo, trong đó có 43 ngôi tự viện hệ phái Bắc Tông, 1 ngôi tự viện hệ phái Nam tông và 10 ngôi tự viện hệ phái Khất sĩ. Tiếng mõ sớm chuông chiều nơi cửa thiền đã đi vào lòng của mỗi con người.

Đạo Phật là đạo từ bi. Quan điểm của người tu sĩ Phật giáo là xuất thế, xa rời những thị phi, dục vọng của cuộc đời nhưng lại nhập thế “phục vụ chúng sinh”. Với sự lãnh đạo của Ban Trị sự Phật giáo TP. Mỹ Tho, thời gian qua Phật giáo TP. Mỹ Tho luôn tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của địa phương.

Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ TP. Mỹ Tho, đồng bào Phật giáo luôn hoạt động đúng theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo. Nhìn chung trong đồng bào Phật giáo, từ chức sắc đến phật tử đều thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng tích cực các phong trào do địa phương phát động.

Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được giới tăng, ni hưởng ứng mạnh mẽ. Chính họ là nòng cốt của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong đồng bào phật tử.

Đặc biệt công tác từ thiện xã hội của Phật giáo các cấp trong tỉnh rất sôi nổi. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, tương trợ, cứu trợ… của Phật giáo đã đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội chung của thành phố.

Đại đức Thích Quảng Lộc, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo TP. Mỹ Tho khẳng định: “Các ngành, các cấp trong tỉnh luôn quan tâm đến Phật giáo. Giới tăng, ni, phật tử vô cùng phấn khởi với công tác phật sự phát triển, tự viện được trùng tu khang trang…

Với vai trò cơ quan đại diện Phật giáo thành phố, Ban Trị sự đã và đang tiếp tục lãnh đạo tăng, ni, phật tử tuân thủ Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện phương châm “Đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Chúng tôi luôn quán triệt tư tưởng “Muốn tốt cho đạo thì trước tiên phải làm đẹp cho đời”. Sự hòa hợp giữa đạo và đời đó đã đem lại hiệu quả to lớn trong đời sống xã hội. Đặc biệt là góp phần cùng Nhà nước chăm lo cho một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn”.

SAN SẺ TÌNH THƯƠNG

“Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Với phương châm hành động này, người theo đạo Phật luôn xem việc làm từ thiện, những việc làm lợi lạc quần sinh là nhiệm vụ. Có thể nói, hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo TP. Mỹ Tho trong những năm qua là một hoạt động lớn, đã tạo thành sợi dây gắn kết giữa đạo và đời. Hạnh phúc khi thấy người khác hạnh phúc, xót lòng khi nhìn người bất hạnh. Đó là cái tâm từ bi của đạo Phật và cũng là truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.

hoạt động từ thiện - xã hội của Phật giáo TP. Mỹ Tho luôn hướng tới những người cơ nhỡ, khốn cùng trong xã hội, vì thế đã thu hút được sự đồng thuận của những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Trong 5 năm (từ 2011 - 2016) Phật giáo TP. Mỹ Tho đã đóng góp trên 22 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội như:

Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu cho gia đình chính sách khó khăn, xây dựng công trình phúc lợi công cộng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nhà tình thương, tặng quà cho gia đình khó khăn, giúp đỡ và chăm sóc trẻ em nghèo trên địa bàn thành phố và trong tỉnh…

Ban Trị sự Phật giáo thành phố còn phát động thực hiện mô hình “Mỗi chùa gắn với một địa chỉ nhân đạo” để việc chăm lo cho xã hội được căn cơ, hiệu quả hơn. Những đồng vốn nghĩa tình, những ngôi nhà ấm áp tình thương, những suất học bổng cho học sinh và chương trình phẫu thuật mắt cho người mù… đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Đại đức Thích Quảng Lộc cho rằng, việc cứu trợ, cứu tế chỉ chia sẻ khó khăn trước mắt, còn hỗ trợ điều kiện học tập cho con em hộ nghèo được tiếp bước đến trường là sự giúp đỡ căn cơ nhất để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Chính vì thế, trong 5 năm qua, Phật giáo thành phố đã có rất nhiều đóng góp cho công tác khuyến học của tỉnh.

Theo bà Đồng Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, trong các hoạt động chăm lo cho người nghèo, sự trợ giúp về điều kiện học tập là việc làm thường xuyên, liên tục của Phật giáo TP. Mỹ Tho.

Tiêu biểu như hoạt động nuôi dạy trẻ của Trường Mầm non Tịnh Nghiêm; chùa Trường Sanh vận động cấp hàng ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó và luôn đồng hành cùng Chương trình Nâng bước đến trường do Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thực hiện.

Để chuyện học của các em được đến nơi đến chốn, khi thấy hoàn cảnh nhà học sinh dột nát, chùa Trường Sanh còn vận động tặng nhà; gặp cảnh nhà không có điện, nước sạch sử dụng, các thầy hỗ trợ tiền… Đặc biệt, đến nay đã có 4 học sinh được Đại đức hỗ trợ thêm chi phí để tiếp tục học lên đại học.

Em Lương Thiện Nhơn, ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo là một trong số hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được vòng tay của những người con Phật giúp đỡ. Sau 3 năm được Chùa Tịnh Nghiêm hỗ trợ chỗ ở, cơm ăn và chi phí sinh hoạt để hoàn thành chương trình THPT tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Thiện Nhơn đã cùng lúc thi đậu vào 2 trường đại học là Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.

Tâm thế của người tu sĩ Phật giáo là xuất gia nhưng nhập thế. Đan xen những công việc của người tu hành nơi chốn thiền môn, bước ra cuộc sống, những tu sĩ Phật giáo đã tích cực với những công việc phát triển đạo hạnh theo hướng lan tỏa yêu thương từ những tấm lòng nhân ái.

THỦY HÀ

.
.
.