Thứ Hai, 20/11/2017, 21:33 (GMT+7)
.

Tại sao cứ phải sinh cho được con trai

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh (gọi tắt là Chi cục) xây dựng Kế hoạch tổ chức hội thảo và biểu dương gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu, đã chỉ đạo các Trung tâm Dân số phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức thành công 11 buổi. Việc làm này có sức lan tỏa, tác động đến ý thức của cộng đồng, góp phần đẩy lùi tư tưởng trọng nam và khuyến khích hành động đẩy lùi tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS).

Tôn vinh và tặng quà cho các gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu ở huyện Tân Phú Đông.
Tôn vinh và tặng quà cho các gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu ở huyện Tân Phú Đông.

Trưởng phòng nghiệp vụ của Chi cục Lê Trần Thu Thủy cho biết, tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận các vấn đề: Nguyên nhân, hậu quả, giải pháp làm giảm thiểu MCBGTKS; hình thức tuyên truyền sao cho hiệu quả... Đặc biệt là, chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của các gia đình có hai con là gái... Trong thực tế cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái luôn phải đối mặt với những gièm pha, trách móc… từ phía gia đình và họ hàng. Thậm chí, không hiếm cặp vợ chồng sinh con một bề là gái bị gia đình tạo áp lực buộc sinh thêm con để kiếm con trai nối dõi. Để vượt qua những trở ngại đó và giữ vững lập trường của mình là điều mà các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái phải có quyết tâm cao. Những tấm gương phụ nữ sinh con một bề là gái và kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc gia đình của họ rất đáng quý và cần được chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Thiền, ngụ phường 10, TP. Mỹ Tho có 2 con gái, nhưng quyết không sinh con thứ 3 để tập trung nuôi dạy 2 con gái thật tốt. Chị Thiền chia sẻ: “Con gái lớn học lớp 10 và con gái út học lớp 5. Dù có 2 con gái nhưng vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm con để tìm kiếm con trai theo quan niệm của ông cha ta ngày xưa là phải có con trai để nối dõi tông đường. Vợ chồng tôi cho rằng, con nào cũng là con và con nào cũng quan trọng. Nếu được chăm sóc tốt, các con sẽ chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và có ích cho xã hội.

Chính vì thế, vợ chồng tôi thống nhất cùng nhau chăm chỉ lao động sản xuất để nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn, sử dụng một biện pháp tránh thai phù hợp để giữ gìn sức khỏe và có điều kiện nuôi con tốt nhất. Hiện tại, 2 con gái của vợ chồng tôi học rất giỏi, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, là Cháu ngoan Bác Hồ, sau giờ học còn phụ giúp cha mẹ việc nhà”. Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hương, ngụ xã Mỹ Phong cũng vậy. Vợ chồng chị cho rằng, có ít con sẽ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo sức khỏe và nhất là có điều kiện chăm sóc con tốt nhất. Vì vậy, mặc dù có 2 con gái, nhưng vợ chồng chị vẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, quyết định không sinh thêm con thứ ba.

Đặc biệt, việc Chi cục khen thưởng cho 1.100 trẻ em gái đạt thành tích tốt trong học tập và bà mẹ thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, nuôi dạy con chăm ngoan đã kích thích, động viên rất lớn đối với các gia đình sinh con một bề là gái trong cộng đồng. Hoạt động vinh danh này cũng nhằm nâng vị thế của họ lên và kêu gọi nam giới cần chia sẻ, gánh vác cùng phụ nữ trong mọi công việc. Được biết, hoạt động vinh danh phụ nữ và trẻ em gái tiêu biểu sẽ được tiếp tục được Chi cục triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.

Tình trạng MCBGTKS tại nước ta đang tăng nhanh và diễn ra trên diện rộng. Tiền Giang là một trong số những tỉnh có tình trạng MCBGTKS cao. Trong đó, cũng như tình trạng của cả nước, tại khu vực thành thị, tỷ số giới tính khi sinh giảm, trong khi ở khu vực nông thôn lại tăng. Nguyên nhân chính của thực trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Hơn nữa, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con, cộng thêm tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Từ tư tưởng trọng nam và áp lực giảm sinh khiến nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh, nhất là ở những gia đình có điều kiện và học vấn cao, chỉ thích sinh con trai…
Chúng ta đang đối mặt với MCBGTKS. Với việc làm này, Chi cục đã góp thêm một hoạt động truyền thông vừa vinh danh phụ nữ, vừa góp phần chuyển đổi từ nhận thức đến hành vi nhằm giảm thiểu MCBGTKS.

MỘC TRÀ

.
.
.