Thứ Sáu, 08/03/2019, 13:46 (GMT+7)
.

3 gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu

* CÔ NGUYỄN THỊ ÁNH: Khởi nghiệp với vườn cây ăn trái

Từ mấy công đất trồng khóm không hiệu quả, đến nay, cô Nguyễn Thị Ánh, hội viên Hội LHPN xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước đã là chủ khu vườn hơn 3 ha trồng chuyên canh bưởi da xanh và chanh không hạt. Cô Ánh là một trong những phụ nữ tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp” khi đã ở cái tuổi ngũ tuần. Thành quả mà cô tạo dựng được khiến không ít người phải nể phục.

 

Xuất thân từ gia đình nghèo ở huyện Cai Lậy, năm 2005, gia đình cô Ánh quyết định vào xã Tân Lập 2 lập nghiệp, với khởi đầu là trồng lúa, khóm và chăn nuôi nhỏ lẻ. Dù cố gắng nhưng cuộc sống gia đình vẫn không mấy khá giả.

Năm 2015, qua tìm hiểu, cô Ánh mới biết được ở vùng đất phèn Tân Phước có nhiều người trồng bưởi da xanh cho hiệu quả cao, cô đã học hỏi, trồng theo.

Ban đầu, cô chỉ mua vài chục cây bưởi da xanh về trồng thử. Nhờ cần cù lao động, tích cực học hỏi kỹ thuật canh tác nên cô Ánh chăm sóc vườn bưởi ngày càng tươi tốt. Trong thời gian chờ thu hoạch bưởi, để lấy ngắn nuôi dài, cô mạnh dạn đầu tư trồng thêm vài trăm gốc chanh không hạt, bởi chanh chỉ trồng hơn 1 năm là cho trái.

Cô Ánh cho biết, vườn chanh của cô đã cho trái hơn 2 năm nay; còn bưởi thì chuẩn bị thu hoạch. Hiện tại, cô đã mạnh dạn đầu tư phát triển 3 ha diện tích vườn với các loại cây ăn trái như chanh, bưởi, mít, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà cô Ánh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người dân trong khu vực, nhất là chị em phụ nữ chưa tìm được hướng đi cho phát triển kinh tế gia đình về mô hình khởi nghiệp với vườn cây ăn trái thành công của mình.

* CHỊ NGÔ THỊ CẨM TÚ: Quyết tâm khởi nghiệp với niềm đam mê nghề may

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Ngô Thị Cẩm Tú (xã Thanh Hòa, TX. Cai Lậy) phải nghỉ học sớm, đi học may để mong có được cái nghề kiếm sống. Nhưng chị Tú cũng đành bỏ nghề may, vì không có tiền mua máy may.

Đến khi lập gia đình, chị Tú vẫn phải kiếm sống bằng công việc “trái nghề” là đi thu mua dừa bán lại cho các chủ vựa. Mãi đến năm 2012, với quyết tâm thực hiện niềm đam mê với nghề may và không từ bỏ nghề mình đã học, chị Tú đã mạnh dạn vay 1,5 triệu đồng từ người thân để mua một cái máy may.

Và chị Tú bắt đầu khởi nghiệp với cái máy may này bằng việc may gia công túi xách thân thiện với môi trường (một loại túi được làm bằng chất liệu tự phân hủy sau một thời gian sử dụng, thay thế cho túi nylon).

 

Ban đầu hàng ít, một mình chị Tú nhận hàng về may. Tuy nhiên, hàng ngày càng nhiều, chị Tú làm không xuể. Lúc này, chị bắt đầu hướng dẫn cho nhiều chị em phụ nữ trong ấp không có việc làm hoặc nhàn rỗi sau mùa vụ cách may túi xách để nhận hàng về, chia nhau cho chị em cùng làm.

Hiện tại, chị Tú đã mở hẳn cơ sở may túi xách thân thiện với môi trường ngay tại nhà, với 4 thợ may tại chỗ và 20 chị em phụ nữ trong xóm, ấp nhận hàng về may. Thu nhập bình quân cho mỗi thợ may và người may gia công cho cơ sở chị Tú là từ 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Chỉ mới hơn 5 năm lập nghiệp với nghề may, chị Tú hiện đã là chủ một cơ sở may, tuy không lớn nhưng cũng đã giúp chị phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

“Mong ước lớn nhất của tôi là có thể phát triển cơ sở lên doanh nghiệp. Nhưng cái khó mà tôi đang gặp phải chính là vốn. Do đó, tôi hy vọng là sẽ được hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng cơ sở, tạo thêm nhiều việc làm cho chị em; đồng thời, mua sắm thêm trang thiết bị cho cơ sở, với ít nhất là khoảng 20 máy may công nghiệp, máy đóng quai điện tử…” - chị Tú chia sẻ.

* CHỊ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG: Tự tin khởi nghiệp từ chính sở thích của bản thân

Từ sở thích của bản thân, chị Nguyễn Thị Phương Dung (xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng vườn hoa Mãn Đình Hồng, một trong những vườn hoa sinh thái đầu tiên ở Tiền Giang. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, vườn hoa Mãn Đình Hồng đã trở thành điểm tham quan, du lịch thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp lễ, tết.

 

Vốn đam mê với những cánh đồng hoa bạt ngàn ở Hàn Quốc, Nhật Bản… nên chị Dung đã nảy ra ý tưởng trồng một cánh đồng hoa giống như thế, để mọi người có thể chiêm ngưỡng và tham quan ngay tại quê nhà.

Nghĩ là làm, vào năm 2013, chị Dung bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo thổ nhưỡng, mua giống các loại hoa để gieo trồng trên diện tích đất hơn 1 ha.

Bên cạnh đó, chị Dung còn đầu tư thời gian cho việc tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc từng loại hoa, để làm sao cho vườn hoa với nhiều loại hoa khác nhau mà có thể phát triển và ra hoa đồng loạt.

“Các công đoạn quan trọng như gieo hạt, bón phân… đều do tôi tự tay làm, vì muốn vườn hoa phát triển và thật đẹp theo ý mình. Lúc đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm được các kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc hoa. Nhưng với sự quyết tâm, kiên trì, tôi cũng đã thành công với vườn hoa Mãn Đình Hồng được trồng với rất nhiều loại hoa” - chị Dung chia sẻ.

Sau 6 năm hoạt động, vườn hoa Mãn Đình Hồng của chị Dung thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan. Vào dịp cao điểm lễ, tết, mỗi ngày vườn hoa đón hơn 1.000 lượt du khách với giá vé 30.000 đồng/lượt đã mang về cho chị Dung nguồn thu nhập đáng kể.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, chị Dung cho rằng: “Để khởi nghiệp thành công trước hết cần phải thật tâm huyết và kiên trì với dự án của mình. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu thật kỹ về loại hình mà mình sắp thực hiện để có thể chuẩn bị chu đáo, theo đuổi đến cùng và không phải bỏ cuộc”.

***

Những thành quả đạt được hôm nay của các chị thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn trong thời kỳ mới.

P. MAI-CAO THẮNG

.
.
Liên kết hữu ích
.