Thứ Ba, 01/10/2019, 18:46 (GMT+7)
.

Gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh: 36 năm - sự kiện 30-4 vẫn tươi nguyên

(ABO) Nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng, quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH ( người đã tác động để Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi các binh sĩ VNCH hạ vũ khí trong ngày 30-4-1975) vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất sáng 29-9. Lễ viếng được tổ chức lúc 18giờ ngày 29-9; lễ truy điệu lúc 5 giờ 30 phút ngày 2-10; lễ động quan lúc 6 giờ ngày 2-10.

Báo Ấp Bắc xin giới thiệu lại bài viết về nhân sĩ này trên Đặc san của báo nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam- thống nhất đất nước ( 30- 4-2011)

Trong những giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, có hai nhân vật “phía bên kia” được nhắc đến khá nhiều, đó là Tổng thống Dương Văn Minh và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Hạnh quê Tiền Giang, là cơ sở của Ban Binh vận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; dù là tướng về hưu, nhưng ông đã có vai trò khá đặc biệt trong thời khắc kết thúc cuộc chiến. 
 
Đó cũng là lý do chúng tôi tìm về xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), nơi ông chọn “vui thú điền viên”. Câu chuyện quanh bàn trà với ông như là cuộc trao đổi thân tình của những người đồng hương thuộc hai thế hệ. Ông luận bàn về con người, thế sự, về tinh thần hòa hợp dân tộc trong chiến thắng lịch sử. Với ông, sự kiện 30-4-1975 vẫn tươi nguyên.
 
Chuan-tuong-1.jpg
Ông Nguyễn Hữu Hạnh tại nhà riêng ở Củ Chi. Ảnh: DS

87 tuổi, viên chuẩn tướng ngày nào giờ đã là một ông lão lưng còng, tóc bạc; tuy nhiên giọng nói vẫn còn rõ, đầu óc vẫn minh mẫn, đặc biệt khi nói về những ngày tháng 4 năm 1975 giọng ông trở nên sôi nổi lạ thường. Viên sĩ quan một thời nổi tiếng với khẩu khí “ngang ngang như khói súng” trong câu chuyện vẫn khá hóm hỉnh, sâu lắng, thức thời và có tinh thần dân tộc. Khi hỏi cảm xúc mỗi năm lại đến ngày 30-4, ông chỉ trả lời ngắn gọn: Vui! Rồi ông tâm sự: Năm 1974 Tổng thống Thiệu nghi tôi là Việt cộng nhưng không có chứng cứ, nên cho tôi giải ngũ với lý do phục vụ trong quân đội trên 25 năm.

Chiều tối ngày 27-4-1975, theo yêu cầu của Ban Binh vận, tôi trở lại Sài Gòn với nhiệm vụ nắm quân đội và thuyết phục tướng Dương Văn Minh đầu hàng. Khi được Minh giao nhiệm vụ phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân đội, tôi đã làm “động cơ” để thúc đẩy Dương Văn Minh đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền, để từ đó tôi mới có cơ hội chỉ thị cho quân đội buông súng. Về diễn biến sự kiện này, nhiều tài liệu đã nêu, tôi chỉ nói rằng mình rất vui khi đã làm xong nhiệm vụ được giao, vì đã góp phần nhỏ bé của mình cho công tác binh vận - một trong ba mũi giáp công của quân cách mạng trong chiến dịch giải phóng miền Nam. Điều quan trọng là Sài Gòn ít đổ máu và còn nguyên vẹn sau cuộc chiến.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (thứ hai từ trái sang), tổng thống Dương Văn Minh  (thứ ba từ trái sang) tại Dinh Độc lập thời điểm trưa ngày 30-4-1975.  (Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình)
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (thứ hai từ trái sang),Tổng thống Dương Văn Minh (người đeo kính ở giữa ảnh) tại Dinh Độc lập thời điểm trưa ngày 30-4-1975. (Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình)

Về bước ngoặt để chuyển từ một sĩ quan diệt cộng sang thân cộng, ông Hạnh chia sẻ: Quá trình để tôi xích gần với cách mạng phải trải qua nhiều giai đoạn và thử thách. Có nhiều sự việc, nhưng tôi xin nêu một vài điển hình. Đầu tiên là sự kiện đám tang của ba tôi. Để thực hiện tâm nguyện cuối đời của ba tôi là được chôn cất tại quê nhà (xã Phú Phong, huyện Châu Thành - Tiền Giang), tôi đã gạt bỏ tự ái của một sĩ quan quân đội, xin phép chính quyền vùng giải phóng cho “đình chiến” 3 ngày để chôn cất ba tôi. Sau này tôi mới biết là cách mạng đã đưa tôi vào “tầm ngắm” qua sự kiện ấy.

Lúc tôi làm Tư lệnh Biệt khu 44, cố vấn Mỹ thường gọi tôi là “tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”, vì khi hành quân xáp chiến tôi luôn cho cầm cự đến tối khi cách mạng rút, hôm sau tôi cũng rút quân về. Tôi đã từ chối không cho B52 vào mật khu trên kinh Tháp Mười, với lý do quá đông dân. Lúc tôi làm Tư lệnh phó sư đoàn 21, trong những cuộc hành quân, tôi lệnh cho trực thăng phải “thận trọng”, nghĩa là khi nào dưới đất bắn lên mới được bắn lại. Vì thế cố vấn Mỹ trong sư đoàn luôn phản đối tôi. Năm 1963, sau chiến thắng Ấp Bắc, tướng Huỳnh Văn Cao muốn điều tôi về nắm Sư đoàn 7, tôi đã không chịu, vì khu vực tác chiến của sư đoàn này là quê hương mình, làm sao không đụng độ với người thân.

Về sau này, càng hiểu cách mạng, tôi càng tìm cách giúp theo khả năng của mình, nhất là theo yêu cầu của người bác họ - bác Tám, người của Ban Binh vận. Đó cũng là lý do tôi từ chối ra khu theo yêu cầu của Trung ương Cục miền Nam. Tôi nghĩ mình hoạt động công khai để có thể giúp cách mạng trong khả năng cho phép. Cụ thể, khoảng năm 1970 bác Tám bị cảnh sát tỉnh Định Tường bắt, tôi điện thoại can thiệp thả ra. Trong công tác, tôi tìm cách giúp anh em theo yêu cầu của bác Tám. Phần lớn tôi cung cấp những tin tức chiến lược cho cách mạng. Khi Phước Long thất thủ, tôi cho biết chính quyền Sài Gòn không có quân tiếp viện và Buôn Mê Thuột đang bỏ ngỏ. Khi quân giải phóng tiến sâu vào Sài Gòn, tôi cho bác Tám biết quân chủ lực cần tiến nhanh hơn, không sợ bị phản công vì tinh thần quân đội Sài Gòn rệu rã. Với nội bộ, tôi tìm cách kích động những sĩ quan chống lại chính sách của Thiệu, chống tham nhũng…

Tháng 5-1974 tôi về hưu, sau 29 năm theo đời binh nghiệp. Trong gần một năm nghỉ hưu, tôi có thời gian để suy gẫm về mình, về chính quyền Sài Gòn mà  mình đã phục vụ bấy lâu. Tôi nhận thấy chính quyền ấy như cây chùm gửi, sự lệ thuộc vào Mỹ ngày càng sâu chặt. Những mâu thuẫn nội tại ngày càng gia tăng. Chính quyền và quân đội hoàn toàn không được lòng dân mà chỉ dựa vào Mỹ thì dễ  lung lay trước sự tiến công của cách mạng.

Tôi biết Nguyễn Văn Thiệu từ khi tôi còn là trung tá dưới quyền chỉ huy của tướng Dương Văn Minh. Sự ra đi của Thiệu, một con người vốn nổi tiếng là lừa thầy phản bạn, nhiều tham vọng, bám chặt lấy địa vị tổng thống vì lợi ích cá nhân đã minh chứng cho sự bế tắc và lung lay của chế độ Sài Gòn. Tôi ở trong quân đội, nhưng tôi không ưa chế độ của Thiệu. Tôi theo ông Minh đòi Thiệu thực hiện Hiệp định Paris. Tôi là một người Việt Nam thuần túy, điều gì có lợi cho dân, cho đất nước thì tôi làm. Đó là lý do để tôi và cách mạng gặp nhau.

Ngoài ra, theo tôi nghĩ, căn bản vẫn là cái gốc gia đình. Tôi hấp thụ sự giáo dục của ông nội tôi - một nhà Nho - về “đạo làm người”, nên trong những năm tham gia quân đội tôi không nghĩ đến việc phải tiêu diệt lẫn nhau, mà đơn giản nghĩ rằng: Mỗi chế độ cần nhận viện trợ từ bên ngoài để phát triển kinh tế cho đất nước, cho dân và đến thời điểm nào thích hợp thì thống nhất đất nước trên tinh thần hòa hợp dân tộc. Đó cũng là lý do tôi trở lại Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4-1975 dù mình là tướng đã về hưu. Tôi giữ chức chỉ có 21 giờ trong nội các của Dương Văn Minh, nhưng cố gắng làm thế nào để miền Nam sớm giải phóng mà không đổ máu. Tôi rất tâm đắc câu nói của Thượng tướng Trần Văn Trà với ông Dương Văn Minh tại Dinh Độc lập khi vào tiếp quản: “Giữa chúng ta không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng đế quốc Mỹ”.

DUY SƠN

Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924 tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong (huyện Châu Thành - Tiền Giang). Lúc nhỏ ông học tại College Mỹ Tho (nay là trường THPT Nguyễn Đình Chiểu), sau lên Sài Gòn học thêm để lấy bằng tú tài. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông ra làm thư ký cho Thôn bộ Việt Minh tại xã Phú Phong. Khi Pháp tái chiếm Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn tìm việc và tham gia quân đội Pháp, cùng đại đội với ông Dương Văn Minh vào năm 1946. Đây là sự khởi đầu cho mối thân tình giữa ông và Dương Văn Minh về sau.

Trong cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, ông đã ngầm ủng hộ tướng Minh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cụ thể, ông hỗ trợ cho đại tá Nguyễn Hữu Có chiếm quyền chỉ huy sư đoàn 7; khuyên tướng Huỳnh Văn Cao ở Vùng 4 áng binh bất động, ngăn cản lực lượng quân đoàn 4 về chi viện, giúp cho cuộc đảo chính thành công.

Tháng 4-1975, sau khi Dương Văn Minh nhậm chức tổng thống, ông được phân công phụ tá cho Tổng tham mưu trưởng - trung tướng Vĩnh Lộc; tuy nhiên sau đó Vĩnh Lộc đào nhiệm. Vì vậy ông nhân danh Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn kêu gọi binh sĩ buông súng. Ông là một trong hai vị tướng của chính quyền Sài Gòn còn ở lại cạnh tổng thống Dương Văn Minh trong giờ phút cuối cùng tại Dinh Độc lập.

Sau năm 1975, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là nhân sĩ yêu nước cho đến nay. Ông có tất cả 14 người con, 9 trai, 5 gái. Ngoài 3 người đã mất, các con ông đều thành đạt. Sau thời gian sinh sống tại Sài Gòn, Cần Thơ, rồi lên Lâm Đồng canh tác cà phê, năm 2008 ông trở về ngụ tại ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung - Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

 

.
.
.