Thứ Sáu, 10/09/2021, 15:11 (GMT+7)
.

Quyết liệt triển khai ứng phó với bão số 5 trong điều kiện dịch bệnh

Xung quanh vấn đề triển khai ứng phó với bão số 5 trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang được dư luận quan tâm, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

ổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài. (Ảnh: NH)
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài. (Ảnh: NH)

Phóng viên (PV): Thưa ông, chúng ta đang thực hiện hai mục tiêu vừa chống dịch COVID-19, vừa phòng chống bão. Vậy hiện nay các địa phương đang triển khai công tác này như thế nào?

Ông Trần Quang Hoài: Phải nói rằng hiện nay, chúng ta phòng, chống bão hết sức khó khăn bởi vì các địa phương đang tập trung vào chống COVID-19 nhưng không vì thế mà chúng ta sao nhãng. Hiện nay các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đang nỗ lực giám sát, theo dõi cũng như điều chỉnh các kịch bản để phòng, chống cơn bão này để đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch COVID-19.

Với trên 71 nghìn tàu thuyền ở phạm vi ảnh hưởng của cơn bão đều đã nắm được thông tin và di chuyển để đảm bảo an toàn. Hiện nay chỉ còn khoảng 224 tàu với 2.000 lao động mà số lượng nhiều nhất là của Quảng Nam, sau đó đến Quảng Ngãi, đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây là yếu tố mà chúng tôi đang rất tập trung cho chỉ đạo. Song vấn đề lo lắng hơn cả, đó là nếu bão đổ bộ vào đất liền thì việc đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực đang có diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ phải triển khai như thế nào?.

Hiện nay cơ quan phòng chống thiên tai cùng với các địa phương đã xây dựng và tổng hợp chi tiết số lượng từng thôn, bản, xã, từng huyện, tỉnh. Tổng số hiện nay chúng ta có 6 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của cơn bão này với 29 huyện, thị xã với hơn 4.000 ca F0. Đối với các ca F0 này, phương án sơ tán đến đâu và đảm bảo an toàn như thế nào và không để lây nhiễm thì tất cả các địa phương đều đã xây dựng các kịch bản.

Tôi lấy ví dụ như Nghệ An, các ca F0 ở khu vực ven biển tương đối lớn, địa phương đã sàng lọc và sẵn sàng phương án, lực lượng y tế sẽ đến xét nghiệm như thế nào? đồng thời tách các đối tượng đó ra ở những khu vực nào? Hiện nay, tỉnh đang ưu tiên đưa các ca F0 này đến những vùng độc lập, tại các trường học và một số công trình công cộng khác. Về vấn đề này, hầu hết các địa phương đều triển khai quyết liệt.

Ngoài ra, hiện nay ở khu vực miền Trung nước ta đang vào chính vụ lúa Mùa và lúa Hè Thu, đang trà thu hoạch. Các địa phương đang tập trung cao độ cho máy móc thiết bị để thúc đẩy thu hoạch.

Chúng tôi cũng đang trăn trở về việc khi bão đổ bộ thì các lực lượng sẽ phối hợp, kết hợp như thế nào để đảm bảo cho các hoạt động giao thông, sản xuất và các công trình công cộng khác như điện, hệ thống thông tin liên lạc và tại các khu công nghiệp, nhất là khu vực có nhiều lao động tập trung. Ở đây, tất cả các kịch bản đã đều được đưa ra và xác định một cách đầy đủ, được kiểm soát, nếu trong tình huống dịch bệnh xảy ra thì sẽ triển khai như thế nào.

PV: Xin ông cho biết các biện pháp cụ thể hơn để ứng phó với các ca F0 trong điều kiện thiên tai xảy ra?

Ông Trần Quang Hoài: Đây là tình huống mà lần đầu tiên xuất hiện trong phòng chống thiên tai. Các cấp, các ngành cũng đang tập trung trong triển khai vấn đề này. Chúng tôi đã xây dựng một cuốn sổ tay về phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh thiên tai xảy ra. Thứ nữa là liên hệ với Bộ Y tế để bố trí chuyên môn và cũng như có công văn gửi sang Bộ Y tế để đề nghị có hướng dẫn, có chỉ đạo đôn đốc ở các địa phương. Hiện nay, Bộ Y tế đã có hai văn bản rất kịp thời, hướng dẫn cho các cơ quan y tế, nhất là các Sở Y tế ở các tỉnh, thành phố trong khu vực vùng thiên tai.

Đồng thời, lên một kịch bản chi tiết cụ thể: F0 sẽ sàng lọc như thế nào?; di chuyển ra làm sao và di chuyển đến đâu?; các thiết bị để điều trị cho các ca F0 như thế nào và làm sao để không bị lây nhiễm ra cộng đồng?. Những yếu tố này ở các địa phương đã được đề cập. Đồng thời, các địa phương đã xây dựng phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho các khu vực bị sơ tán. Theo đó, lực lượng nào sẽ tham gia, lương thực, thực phẩm sẽ lấy từ đâu và việc vận chuyển như thế nào để đảm bảo vừa về số lượng và cả chất lượng và cũng không bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

PV: Trong bối cảnh này, ông có khuyến nghị gì đối với người dân và các địa phương?

Ông Trần Quang Hoài: Hiện nay chúng tôi xác định đang là thời gian trọng tâm của mùa mưa bão. Hiện đang tập trung nhiều và cao độ ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ và cũng không thể tránh khỏi tại các khu vực miền Bắc, kể cả miền Nam. Chính vì vậy, trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện, chúng ta phải luôn luôn sát sao. Nếu như năm 2020, lũ lụt xảy ra ở miền Trung như vậy, nếu như xảy ra trong thời điểm có dịch COVID-19 thì chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều lần.

Chính vì vậy đòi hỏi chúng ta cần chủ động từ các cấp chính quyền. Trước đây chỉ đòi hỏi các cơ quan chuyên môn, cơ bản là cơ quan phòng chống thiên tai phối hợp với lực lượng vũ trang, cộng đồng để chúng ta thực hiện, nhưng hiện nay cần cả vai trò của lực lượng y tế ở các địa phương, phối hợp, kết hợp với chính quyền và người dân để làm sao chúng ta đảm bảo được mục tiêu vừa an toàn trong thiên tai, vừa an toàn trong dịch bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.