Thứ Bảy, 03/06/2023, 15:19 (GMT+7)
.

Miền Tây, bao giờ hết nỗi lo sạt lở?

Với mức độ và thiệt hại ngày càng khốc liệt hơn, thậm chí diễn ra cả trong mùa khô, tình trạng sạt lở đang gây ảnh hưởng lớn đến an toàn và đời sống người dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Sạt lở đe dọa nhiều nhà dân tại Đồng Tháp. Ảnh: AN BÌNH
Sạt lở đe dọa nhiều nhà dân tại Đồng Tháp. Ảnh: AN BÌNH

Liên tiếp sạt lở uy hiếp nhà dân

Sáng 24/5, một dãy nhà ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bất ngờ sụp xuống sông do sạt lở đất. Đoạn sạt lở dài gần 40m đã gây thiệt hại bốn căn nhà cùng nhiều tài sản của người dân, may mắn không có thương vong.

Trước đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong đêm 20/5 và sáng 21/5 đã xảy ra ba vụ sạt lở tại huyện Châu Thành, làm mất hàng trăm m2 đất, chia cắt đường giao thông nông thôn. Đáng chú ý, vụ sạt lở xảy ra vào lúc 2 giờ ngày 21/5 ở kênh Mái Dầm, ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, chiều dài sạt lở 20m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 7m, diện tích đất bị mất khoảng 140m2.

Tại Đồng Tháp, vào ngày 12/5, vụ sạt lở trên tuyến bờ Tây kênh Cần Lố, đoạn chợ Nhị Mỹ thuộc xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) dài 30m, sâu vào bờ từ 4-5m, uy hiếp năm căn nhà của người dân; 135 m2 đất tại khu vực sạt lở bị rơi xuống kênh, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông vì mặt đường bờ Tây kênh Cần Lố chỉ còn rộng hơn 1m. Anh Trịnh Xuân Nghĩa, một hộ dân có nhà ở ngay khu vực sạt lở cho biết: Vài ngày trước, khu vực này xuất hiện những vết nứt, người dân đã đến báo với UBND xã Nhị Mỹ. Để bảo đảm an toàn, anh Nghĩa và người dân ở gần đã di dời vật dụng sang nơi khác nên không bị ảnh hưởng lớn về tài sản. Vụ sạt lở diễn ra khá nhanh, trong khoảng năm phút là toàn bộ phần đất dài khoảng 30m bị sụp hoàn toàn xuống kênh.

Kênh Cần Lố là một trong những kênh lớn, thuộc địa bàn huyện Cao Lãnh liên tục nhiều năm nay đều xuất hiện điểm sạt lở. Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, trước mắt, địa phương sẽ nhanh chóng thực hiện gia cố tạm thời bằng biện pháp đóng cừ, thả bao cát nhằm giúp ổn định chân bờ, ngăn chặn tình trạng sạt lở thêm. Về lâu dài, để bảo đảm an toàn tại khu vực sạt lở, UBND huyện đề nghị Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp phối hợp các ngành liên quan xem xét hỗ trợ địa phương khảo sát thực tế, kinh phí để khắc phục khu vực sạt lở và khu vực có dấu hiệu sạt lở trên địa bàn xã Nhị Mỹ.

Không chỉ tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp, sạt lở đê biển ở châu thổ Cửu Long cũng đáng báo động. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là do thiếu phù sa và cát, do thủy điện chặn cát và phù sa và do khai thác cát. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ cho rằng: Tại các tỉnh đầu nguồn việc gia tăng diện tích đê bao kiên cố để làm lúa ba vụ khiến dòng chảy lũ thu hẹp không gian chứa, gia tăng lưu tốc ở lòng dẫn cũng khiến tình trạng sạt lở gia tăng. Ở các vùng ven biển việc mở rộng thâm canh nuôi tôm, phá rừng ngập mặn khiến sóng biển, triều cường, lốc xoáy và gió chướng... là những yếu tố làm sạt lở. Việc khai thác nước ngầm, cả hợp pháp và bất hợp pháp gia tăng cũng làm cho cao độ mặt đất lún sụt nhanh chóng, gây thêm yếu tố sạt lở. Vùng Bán đảo Cà Mau có hơn 130.000 giếng khoan ngày đêm hút nước khiến nơi này trở thành điểm nóng lún sụt, trung bình từ 1-3cm/năm.

Tránh can thiệp thô bạo với tự nhiên

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố 16 dự án xây dựng đường ven biển, kết nối vùng, đê bao chống sạt lở, hồ trữ nước ngọt, với tổng vốn hơn 94.300 tỷ đồng. Các dự án đã được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 tỉnh, thành phố vùng châu thổ Cửu Long thống nhất đề xuất.

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, bên cạnh đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong giải pháp ứng phó, cần tôn trọng quy luật tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo tự nhiên. Cụ thể, không nên thực hiện những công trình lớn, can thiệp dòng chảy. Làm mất ảnh hưởng thủy triều thì sẽ không còn đặc điểm đồng bằng sông Cửu Long nữa.

Hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long đang bị sụt lún nhanh. Con đường duy nhất để giảm sụt lún là giảm khai thác nước ngầm. Vùng ven biển nên áp dụng công nghệ lọc nước biển để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chuyển đổi canh tác sang hệ thống canh tác mặn, lợ bền vững ít phụ thuộc nước ngọt. Chuyển hướng sang công nghiệp sạch, quản lý môi trường để giảm ô nhiễm. Thiếu phù sa nên sụt lún, sạt lở sẽ diễn ra trầm trọng hơn, khó cưỡng lại cho đến khi dòng sông tìm được điểm cân bằng mới. Để giải quyết vấn đề này cần quản lý hoạt động khai thác cát. Lập bản đồ rủi ro sạt lở bờ sông để chủ động di dời người dân, tránh thiệt hại. Tránh những công trình lớn, can thiệp sai quy luật, đắt đỏ và kém hiệu quả.

PGS, TS Lê Anh Tuấn khuyến nghị, ngành thủy lợi cần nghiên cứu để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng dẫn ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư. Các vùng ven biển phải chọn lựa ưu tiên giải pháp trồng rừng ngập mặn, trồng cây giữ đất trước khi tìm kiếm các giải pháp công trình chống sạt lở hay ngăn ngừa hiện tượng sạt lở lan truyền. Các địa phương vùng ngập lũ nên giảm bớt diện tích đê bao cho vụ ba, mở nước đón lũ nhận phù sa, thay vì để dòng lũ xiết hơn về phía hạ lưu, tăng nguy cơ sạt lở.

Ở góc nhìn khác, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long nêu quan điểm rằng, xây kè chống sạt lở là biện pháp bất đắc dĩ phải làm ở những nơi xung yếu. "Biện pháp kè không bảo đảm an toàn tuyệt đối và rất tốn kém. Chỉ có những nơi nào buộc phải bảo vệ mới nên làm kè bảo vệ nhưng chúng ta không nên làm một cách tràn lan. Bởi, thứ nhất kè có tuổi thọ, thứ hai làm kè sẽ chống lại tự nhiên, thứ ba khi làm kè sẽ làm sạt lở ở nơi khác. Dòng sông phải cân bằng, khi điểm này quá kiên cố, nó sẽ tấn công điểm khác để cân bằng", ông Thiện cho hay. Theo ông Thiện, ngày nay với máy móc thiết bị hiện đại, cơ quan chức năng có thể dễ dàng siêu âm lòng sông hằng tháng để đưa ra các cảnh báo sớm và di dời người dân khi phát hiện nguy cơ sạt lở.

(Theo nhandan.vn)

 


 

 

.
.
.